Xét tuyển tập trung: Bộ Giáo dục cần có phương án tuyển sinh nhất quán!

(Dân trí) - Với phương án xét tuyển tập trung đại học năm nay mà Bộ GD&ĐT vừa thông tin, lãnh đạo nhiều trường đại học, chuyên gia tuyển sinh rất băn khoăn, lo lắng và đề nghị Bộ GD&ĐT cần nghiên cứu kỹ trước khi triển khai đồng thời cần có phương án tuyển sinh nhất quán.


Hai cha con căng thẳng xem điểm vào trường ĐH Sư phạm TPHCM trong ngày cuối cùng đợt xét tuyển năm 2015. (Ảnh: Lê Phương)

Hai cha con căng thẳng xem điểm vào trường ĐH Sư phạm TPHCM trong ngày cuối cùng đợt xét tuyển năm 2015. (Ảnh: Lê Phương)

Bộ Giáo dục cần có cách nhìn rộng hơn

Chia sẻ với PV Dân trí, một cán bộ tuyển sinh của một trường đại học lớn ở Hà Nội cho biết, Bộ GD&ĐT đưa ra giải pháp xét tuyển tập trung để giảm thí sinh “ảo” tôi thấy giải pháp này có lẽ sẽ nửa vời và chưa thật sự đúng với vai trò tầm quản lý của Bộ.

Mặc dù mô hình này áp dụng cho các trường đại học sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để tuyển sinh nhưng vẫn còn khá nhiều các trường đại học khác nữa (trường sử dụng cả 2 phương án là kết quả thi THPT và phương án xét tuyển học bạ; các trường chỉ xét tuyển bằng học bạ) thì sao?. Do đó, Bộ GD&ĐT cần có cách nhìn rộng hơn cho toàn bộ hệ thống. Nếu nhìn theo quan điểm của các trường ngoài công lập thì Bộ sẽ chỉ quan tâm cho các trường công lập (phần lớn các trường công lập xét tuyển bằng kết quả thi THPT quốc gia, còn các trường ngoài công lập phần lớn họ sẽ kết hợp cả 2 là kết quả thi THPT quốc gia + học bạ).

“Nếu phương án xét tuyển tập trung do Bộ GD&ĐT đứng ra thực hiện là vi phạm quyền tự chủ của các trường. Bởi vì việc thực hiện xét tuyển này là quyền của các trường, mỗi trường sẽ có mục tiêu, chiến lược khác nhau trong đào tạo nhằm khẳng định, phát huy uy tín, hình ảnh, thương hiệu của mình nên họ sẽ có những phương án kỹ thuật trong xét tuyển.

Hơn nữa, xét tuyển sẽ phụ thuộc vào 2 yếu tố cơ bản: chỉ tiêu + số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển (chưa tính đến chất lượng điểm của thí sinh). Trong khi đó chỉ tiêu hoàn toàn là dự kiến ban đầu, khi xét tuyển, với quy mô hồ sơ, chất lượng điểm, mục tiêu của trường và từ đó mới xác định mức điểm trúng tuyển. Việc tuyển sinh đảm bảo không vượt chỉ tiêu mà trường đã được giao là đảm bảo đúng quy định.

Vì vậy, nếu Bộ GD&ĐT chỉ nhìn nhận việc xét tuyển = chỉ tiêu + hồ sơ đăng ký thì chưa “toàn diện” chút nào” - cán bộ tuyển sinh chia sẻ.

Vị cán bộ tuyển sinh này chia sẻ thêm, nếu trong trường hợp thí sinh gửi hồ sơ xét tuyển qua đường bưu điện có thể chậm tới 3 - 4 ngày trong khi hệ thống phần mềm xét tuyển chỉ kéo dài có 1 ngày. Nếu các trường có thí sinh bị chậm tới vài ngày như vậy thì làm thế nào? Bộ lại phải chạy lại xét tuyển hay là các trường lại xử lý bằng tay?

Cần có phương án tuyển sinh nhất quán

Chia sẻ với PV Dân trí, PGS.TS Vũ Văn Hóa, Phó hiệu trưởng trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho rằng, với phương thức xét tuyển tập trung mới đưa ra này để áp dụng ngay trong khi đó chỉ còn 2 tháng nữa là đến kỳ thi thì theo tôi hơi vội vàng. Có thể phương án này lấy ý tưởng từ nhóm GX với mục tiêu chống thí sinh “ảo” nhưng nếu xét tuyển tập trung sẽ đặt ra nhiều khó khăn vì cơ sở hạ tầng của Bộ về mặt kỹ thuật chưa chắc đã chuẩn kịp. Bên cạnh đó, hồ sơ đăng ký xét tuyển của các thí sinh 63 tỉnh, thành không phải tất cả theo ý muốn và nếu tập hợp hết số liệu của thí sinh về bộ sẽ bị ùn tắc lớn.

Ngoài ra, theo ông Hóa, nếu 2 trường đại học lấy điểm chuẩn bằng nhau thì bộ giải quyết trường hợp như thế nào? Các trường đại học đều có tính tự chủ về tuyển sinh mà bộ lại giữ việc chung và ôm “gôn” đó là làm hạn chế tính tự chủ của các trường đại học.

Ông Hóa cho hay, nếu bộ muốn triển khai phương án này thì phải có sự thống nhất để tránh lộn xộn. Nên chăng, bộ cần có phương án nghiên cứu để từ nay về sau có phương án tuyển sinh nhất quán để các thí sinh có điểm đồng đều như nhau vào đại học và đảm bảo tính chất bình đẳng.

Ông Hóa mong muốn, Bộ GD&ĐT chỉ cần thực hiện tốt đề thi và đáp án thống nhất trong phạm vi cả nước, để khi luân chuyển thí sinh từ trường này sang trường khác, rõ ràng có mặt bằng chung về kiến thức. Hiện giờ mặt bằng kiến thức của thí sinh không giống nhau giữa các trường.

“Nếu bộ thực hiện phương án xét tuyển tập trung thì nên đưa ra phương án chi tiết, thí sinh phải làm gì? Các trường làm gì? Nếu xảy ra trục trặc thì nên giải quyết thế nào? Vì không thể khi đóng cổng xét tuyển lại, thí sinh tự nộp lên các trường, như vậy thì làm khó khăn cho thí sinh. Trước hết, bộ nên nghiên cứu cho kỹ trước khi triển khai” - ông Hóa nói.

Hồng Hạnh