Xếp hạng 300 trường ĐH hàng đầu châu Á: Vì sao đại học Việt Nam chưa ghi tên?

(Dân trí) - Tại sao không có 1 trường đại học Việt Nam nào có tên trong bảng xếp hạng 300 trường đại học hàng đầu châu Á do tạp chí Times Higher Education vừa công bố? Nếu tham gia bảng xếp hạng này, Việt Nam có lợi gì?

PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với GS Nguyễn Quý Thanh, Giám đốc trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội về vấn đề này.


GS Nguyễn Quý Thanh

GS Nguyễn Quý Thanh

Các trường ĐH Việt Nam chưa quan tâm

Thưa GS, mới đây, tạp chí Times Higher Education công bố bảng xếp hạng 300 trường đại học hàng đầu châu Á, Việt Nam không có một trường ĐH nào được xướng tên trong danh sách. Theo GS nguyên nhân vì sao?

Trước khi chúng ta xem tại sao Việt Nam không có tên trong danh sách 300 trường đại học tốt nhất châu Á thì chúng ta hãy xem cách mà họ xếp hạng thế nào.

Hiện nay trong các bảng xếp hạng có hai cách tiếp cận. Cách thứ nhất, họ xếp hạng dựa trên các cơ sở dữ liệu khách quan, không phụ thuộc nguồn của nhà trường. Theo cách này, các trường đại học không cần phải cung cấp các dữ liệu của nhà trường cho các tổ chức xếp hạng, mà các tổ chức xếp hạng sẽ lấy cơ sở dữ liệu các công bố quốc tế (như Thomson reuters, Elsevier chẳng hạn) rồi tự tính toán dựa trên chỉ số.

Hoặc họ sẽ tổ chức khảo sát bằng cách gửi phiếu khảo sát đối với học giả, người sử dụng lao động trên thế giới và căn cứ vào đó để tính toán xếp hạng. Đó là cách khảo sát trên cơ sở dữ liệu độc lập với nhà trường.

Cách tiếp cận thứ hai là dạng mà các bảng xếp hạng, bên cạnh cơ sở dữ liệu như dạng một thì họ yêu cầu thêm dữ liệu về số sinh viên đại học/ sau đại học, số tiến sỹ, số nhân viên, tỷ lệ đào tạo đại học/ sau đại học, thu nhập của nhà trường từ chính nhà trường…

Trong trường hợp xếp hạng của tạp chí Times Higher Education, bên cạnh việc khảo sát uy tín của nhà trường về lĩnh vực học thuật, đào tạo thì họ có lấy thêm các dữ liệu của nhà trường (nguồn thu từ nghiên cứu, số lượng sinh viên sau đại học, nhân viên…).

Vậy phải đạt những tiêu chí nào thì mới lọt vào bảng xếp hạng này thưa GS?

Yêu cầu đầu tiên để có thể góp mặt trong bảng xếp hạng của Times Higher Education là nhà trường phải cung cấp dữ liệu vào cơ sở dữ liệu lõi ở hệ thống xếp hạng của tạp chí này trên mạng.

Sau đó, họ sẽ cộng thêm các dữ liệu khác để tính thành chỉ số chung trong bảng xếp hạng. Chính vì vậy, nếu cơ sở giáo dục đại học không cung cấp dữ liệu cho họ thì đương nhiên không thể có tên trong bảng xếp hạng.

Theo như tôi biết, trong những năm gần đây do hoạt động của bảng xếp hạng QS (QS World University Rankings) rất mạnh và trở nên phổ biến, đặc biệt ở khu vực châu Á bởi họ có văn phòng ở Singapore.

Trước đây, QS và tạp chí Times Higher Education hợp tác làm cùng nhau một bảng xếp hạng, đến năm 2010 họ mới tách ra. Cho nên tiêu chí của 2 bảng xếp hạng này khá giống nhau, tất nhiên về sau bên Times có thêm một số tiêu chí (như thu nhập của nhà trường) tuy nhiên so về phạm vi hoạt động thì bảng xếp hạng QS phổ biến hơn ở châu Á.

Chính vì vậy, hiện nay các trường ĐH Việt Nam quan tâm và cung cấp số liệu cho QS là chủ yếu. Đó là một trong những lý do chính giải thích tại sao Việt Nam chưa có tên trong bảng xếp hạng của Times Higher Education.

Chúng tôi cũng đã phân tích 2 bảng xếp hạng đó, và thấy rằng khá nhiều trường ĐH có thứ hạng tốt ở QS không chỉ của Việt Nam, Nhật Bản, Thái Lan vẫn không có tên trong bảng xếp hạng của Times.

Lí do thứ nhất (chủ yếu) là do họ không cung cấp số liệu. Ngoài ra, lí do thứ hai là nếu trường nào trên 80% hoạt động tập trung trong một lĩnh vực nào đó thì cũng không được đưa vào bảng xếp hạng của Times vì họ đánh giá tập trung vào các trường đa ngành, đa lĩnh vực.

Thứ ba, nếu lượng công bố khoa học hằng năm không đạt ngưỡng tối thiểu thì họ cũng không đưa vào để xếp hạng.

Xếp hạng đại học: Không cẩn thận sẽ trở thành cuộc đua thành tích

Việc các cơ sở giáo dục của Việt Nam tham gia vào các bảng xếp hạng đại học khu vực và quốc tế có lợi ích gì thưa GS?

Nói về lợi ích khi tham gia các bảng xếp hạng thì cũng có nhiều ý kiến trái chiều. Có ý kiến cho rằng việc tham gia sẽ có tác dụng thúc đẩy sức cạnh tranh của nhà trường thông qua việc gia tăng thương hiệu và thương hiệu đó cung cấp cho sinh viên thêm căn cứ để lựa chọn các trường đại học. Theo một số nghiên cứu ở Mỹ, khi thí sinh chọn trường, thứ hạng cũng là một trong những căn cứ để họ đưa ra quy định cuối cùng.

Tuy nhiên, những ý kiến phản đối lại cho rằng tham gia các bảng xếp hạng nếu không thận trọng sẽ là một cuộc chạy đua thành tích. Bởi lẽ, khi đã theo xếp hạng thì hạng nào cũng là hạng…, thậm chí có bảng xếp hạng có tới 21.000 trường đại học trên thế giới thì kiểu gì mình cũng có một vị trí. Cho nên, nói đến xếp hạng quan trọng là bảng xếp hạng nào và tiêu chí xếp hạng của họ ra sao.

Hiện nay có rất nhiều bảng xếp hạng, mỗi bảng xếp hạng đều có nét đặc sắc và hướng đến những tiêu chí nhất định. Ví dụ bảng xếp hạng của trường ĐH Giao thông Thượng Hải thì rất nặng về nghiên cứu và tập trung vào các giải thưởng lớn như Nobel hoặc Fields. Học sinh của họ phải đạt được những giải thưởng quốc tế và trường phải có những sinh viên tốt nghiệp đạt thứ bậc, danh tiếng xã hội cao.

Có bảng xếp hạng lại thiên nhiều về các dữ liệu số hóa… Chỉ có 2 bảng xếp hạng tương đối đầy đủ các tiêu chí là bảng xếp hạng của Times và QS - vốn trước đây là một nhưng bây giờ tách ra. Cho nên, hiện tại cả 2 bảng xếp hạng này họ điều nhìn nhận ở các góc độ giảng dạy, nghiên cứu và các hoạt động quốc tế hóa của nhà trường.

Nếu có cách tiếp cận đúng thì việc tham gia bảng xếp hạng đại học cũng tạo nên lực thúc đẩy nhà trường, nhìn vào các chỉ số từ đó có chiến lược đầu tư tạo ra những thay đổi. Ví dụ, khi soi chiếu vào bảng xếp hạng, mình thấy yếu kém chỉ số nào thì tìm giải pháp tăng cường đầu tư phấn đấu.

Tuy nhiên, nếu không sử dụng đúng các chỉ số xếp hạng cụ thể để “định chuẩn” và phấn đấu mà chỉ nhằm nhằm vào việc có một vị trí xếp hạng thì việc tham gia bảng xếp hạng không có ý nghĩa nhiều, thậm chí lại rơi vào chủ nghĩa thành tích.

Xếp hạng là một xu thế mà tất cả các trường đại học sẽ phải tham gia

Hiện nay có ý kiến cho rằng các trường ĐH Việt Nam chưa chú trọng tham gia các bảng xếp hạng vì sân chơi quốc tế này không có nhiều ý nghĩa đối với các trường, vì nó chưa ảnh hưởng đến “nồi cơm bát gạo” của nhà trường (có xếp hạng hay không thì nhà trường vẫn cứ tuyển sinh được), GS nghĩ sao về điều này?

Việt Nam trước 2008 ít trường đại học quan tâm đến xếp hạng. Nhưng, sau khi có một số hội thảo lớn, một số chính sách có đặt chỉ tiêu có trường trong top 200 thế giới, trong một vài năm gần đây bắt đầu có những trường tham gia các bảng xếp hạng khác nhau. Nói gì thì nói xếp hạng là một xu thế rất phổ biến và có thể có ảnh hưởng xã hội nhất định.

Tại sao tôi nói vậy? Bởi tâm lý xã hội luôn thích xếp cái này hơn cái kia rất phổ biến trong cuộc sống. Nó chính là cơ sở để đơn giản hóa việc lựa chọn. Trước đây, trong xã hội đã có sự sắp xếp “ngầm” theo các tiêu chí nhất định, ví dụ “nhất Y, nhì Dược”, hay đại loại như thế… trong tư duy người dân.

Trong tư duy người lãnh đạo, quản quản lý, họ cũng muốn có những trường đại học xếp thứ hạng cao trên thế giới như một thương hiệu, hình ảnh quốc gia về giáo dục đại học. Không phải ngẫu nhiên mà một số quy hoạch, chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam có đặt ra chỉ tiêu một vài trường lọt vào nhóm 200 trường tốt nhất thế giới.

Đó vừa là một mong muốn nhưng cũng vừa là một chính sách nhằm tạo nên một “cú hích” hướng đến tương lai. Cho dù nó có thể “lãng mạn” và chúng ta có thể chưa đạt được ngay, nhưng theo tôi nó tạo một động lực nhất định, một mục tiêu để các trường đại học có hướng phấn đấu.

Những người nghiên cứu về bảng xếp hạng chúng tôi đã nói vui với nhau một câu là "dù thích hay không chúng ta vẫn phải sống chung với xếp hạng”. Mặc dù khi làm về lĩnh vực kiểm định chất lượng, tôi thấy rằng xếp hạng không tạo nên nhiều cú hích về mặt chất lượng so với các cơ chế khác như kiểm định hay so chuẩn chất lượng quốc gia hoặc quốc tế).

Nhưng rõ ràng, xếp hạng là một xu thế mà tất cả các trường đại học sẽ phải tham gia bằng cách này hay cách khác. Để tham gia và khai thác một cách hiệu quả các bảng xếp hạng, thì các trường ĐH phải chủ động nghiên cứu các chỉ số của bảng xếp hạng, các chỉ số thực hiện (KPI) của các trường trong top mà mình muốn hướng đến để tạo nên các thông số định chuẩn và phấn đấu theo đó.

Nếu làm như vậy thì việc phấn đấu vào bảng xếp hạng trở nên có ý nghĩa hơn và việc tham gia bảng xếp hạng sẽ đóng góp thực chất hơn cho nền giáo dục đại học của Việt Nam.

Xin trân trọng cám ơn GS!

Hồng Hạnh - Lệ Thu (thực hiện)