Từ bảng xếp hạng ĐH châu Á 2017: Đại học giảng dạy hay nghiên cứu?

(Dân trí) - Bảng xếp hạng của Times Higher Education được xây dựng trên tiêu chí giảng dạy 25%, tiêu chí nghiên cứu và liên quan nghiên cứu chiếm 75%. Vậy nhiệm vụ chính của một trường đại học là giảng dạy hay nghiên cứu? Dưới đây là góc nhìn của TS. Lê Đức Tùng (giảng viên ĐH London) qua bức tranh giáo dục của Anh quốc.

Mới đây, tạp chí Times Higher Education công bố top 300 trường đại học tốt nhất châu Á năm 2017. Việt Nam hoàn toàn “vắng bóng” trong danh sách.

Và theo bảng xếp hạng đại học này thì nghiên cứu đóng vai trò trọng yếu: chỉ 25% là giảng dạy, 75% còn lại là nghiên cứu và liên quan tới nghiên cứu.

Cụ thể, bảng xếp hạng đại học châu Á của Times Higher Education được bình chọn dựa trên 13 tiêu chí chia thành 4 lĩnh vực: giảng dạy chiếm 25%, nghiên cứu 30%, tầm ảnh hưởng nghiên cứu chiếm 30%, triển vọng quốc tế chiếm 7,5% và chuyển giao kiến thức 7,5%.

Dễ thấy, từ lâu đại học không chỉ là nơi trao đổi kiến thức mà là nơi phát triển kiến thức mới. Do đó, nghiên cứu là một hoạt động không thể thiếu ở môi trường đại học. Bảng xếp hạng của Times Higher Education xem hoạt động nghiên cứu gần như là thước đo chính.

Vậy rốt cuộc nhiệm vụ chính của một trường đại học là giảng dạy hay nghiên cứu? Và hoạt động nào quan trọng hơn?


Dựa vào bức tranh nguồn thu, các trường đại học tùy hoàn cảnh của riêng mình mà có chiến lược riêng cho nghiên cứu và giảng dạy. (Ảnh: universitiesuk.ac.uk)

Dựa vào bức tranh nguồn thu, các trường đại học tùy hoàn cảnh của riêng mình mà có chiến lược riêng cho nghiên cứu và giảng dạy. (Ảnh: universitiesuk.ac.uk)

Bài toán tiền chi phối chiến lược đầu tư của trường đại học

Để trả lời câu hỏi này, bạn phải nghĩ đến bài toán tiền. Lấy bức tranh của nước Anh làm ví dụ: 54% thu nhập của trường đại học là từ giảng dạy (44% từ phí giảng dạy, 10% hỗ trợ từ Chính phủ phân bổ dựa trên số sinh viên nhập học của từng trường), 24% từ nghiên cứu (qua các khoản trợ cấp nghiên cứu ), 21% từ hiến tặng, 1% là nguồn khác.

Nhà nước không thể quyết định chính sách của trường, nhưng dựa vào việc ra các chính sách liên quan đến phân bổ nguồn tiền cho giảng dạy và nghiên cứu (2/3 tiền cho nghiên cứu là trực tiếp từ Chính phủ, 1/3 là thông qua các tài trợ khác như từ Châu Âu, các công ty, tổ chức từ thiện ...) mà sẽ làm cho các trường tùy hoàn cảnh của riêng mình mà có điều chỉnh thích hợp cho giảng dạy và nghiên cứu (hiểu theo kiểu thô thiển là thu được nhiều tiền từ các sinh viên theo học và từ Chính phủ).


Thông thường các trường thứ hạng cao có thiên hướng nghiên cứu bởi lẽ, những nguồn tài trợ lớn chủ yếu “chảy” vào nhóm trường này. (Ảnh: universitiesuk.ac.uk)

Thông thường các trường thứ hạng cao có thiên hướng nghiên cứu bởi lẽ, những nguồn tài trợ lớn chủ yếu “chảy” vào nhóm trường này. (Ảnh: universitiesuk.ac.uk)

Trường top trên tập trung nghiên cứu, top dưới tập trung giảng dạy

Ở Vương quốc Anh, các khoản tài trợ nghiên cứu chủ yếu chảy vào các trường xếp đầu trong bảng xếp hạng do họ có đội ngũ cán bộ rất mạnh để tối đa hóa khả năng / năng lực nghiên cứu, qua đó thu được càng nhiều tiền càng tốt về cho trường. Tất nhiên ở các trường này họ cũng không vì thế mà bỏ qua giảng dạy được vì đó cũng là một nguồn thu cực lớn cho trường. Mô hình của các trường lớn thường là ai làm nghiên cứu giỏi thì họ sẽ bắt dạy ít, thậm chí không phải dạy chỉ tập trung làm nghiên cứu thôi.

Ngược lại các trường ở xếp hạng thấp hơn, khả năng kiếm tiền từ nghiên cứu sẽ ít hơn cho nên sẽ có thiên hướng giảng dạy. Những trường ở hạng dưới thực ra mà nói phải tới 90% hoặc nhiều hơn thu nhập là từ giảng dạy mà ra.

Cho nên với Việt Nam cũng vậy, giảng dạy và nghiên cứu phân bố cũng phụ thuộc vào hoàn cảnh của mỗi trường, chính sách của Chính phủ. Nếu nói tập trung vào nghiên cứu mà khả năng đội ngũ cán bộ giảng dạy không có thì cũng không thể được.

TS. Lê Đức Tùng

(Khoa Vật lý, Trường Đại học London, Anh quốc)