Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm
(Dân trí) - “Giáo viên phải luôn tư duy, biết cách đánh giá trẻ và giữ mối quan hệ với phụ huynh học sinh… là điều kiện vô cùng quan trọng để trong xây dựng trường Mầm non lấy trẻ làm trung tâm".
“Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” giai đoạn 2016 - 2020 là một trong những chuyên đề được đánh giá rất tích cực của ngành Giáo dục ở nhiều địa phương.
Ghi nhận của phóng viên tại trường Mầm non Sơn Ca 1 (một trong những trường thực hiện nổi bật chuyên đề ở thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu), lãnh đạo nhà trường cho rằng, để thực hiện chuyên đề này, việc bồi dưỡng đội ngũ giáo viên là rất cần thiết.
“Giáo viên phải nhận thức được lựa chọn nội dung và đổi mới phương pháp dạy học, tức là giáo viên phải luôn tư duy, biết cách đánh giá trẻ và giữ mối quan hệ với phụ huynh học sinh… là điều kiện vô cùng quan trọng”, lãnh đạo nhà trường khái quát.
Theo lãnh đạo trường Mầm non Sơn Ca 1, nhà trường luôn khuyến khích giáo viên phát huy tính chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong lựa chọn nội dung, tổ chức thực hiện chương trình giáo dục mầm non.
“Vì thế trường không bao giờ áp đặt giáo viên, luôn tạo cơ hội cho giáo viên đưa ra ý tưởng riêng, mặc dù có thể ý tưởng đó chưa thực sự hoàn thiện, nhưng sẽ được góp ý bổ sung để giáo viên hoàn thiện hơn. Từ đó, giáo viên sẽ mạnh dạn tự tin khi đưa ra ý tưởng mới để tổ chức các hoạt động nhằm gây hứng thú và phát huy tính tích cực của trẻ”, lãnh đạo nhà trường chia sẻ.
Việc bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ giáo viên cần được thực hiện dưới nhiều hình thức, kể cả lý thuyết đi đôi với thực hành. Trong đó, đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin vào bài giảng, nghiên cứu xây dựng các giáo án điện tử với nội dung, hình ảnh sao cho phù hợp chủ đề, dễ hiểu đối với trẻ mà khắc sâu kiến thức...
Theo lãnh đạo trường, qua triển khai thực hiện chuyên đề, trường đảm bảo 100% trẻ được an toàn về mặt tâm lý, trẻ mạnh dạn, tự tin trong giao tiếp; không có giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo, không xảy ra trường hợp đánh, phạt hay quát mắng trẻ.
“Môi trường vật chất trong lớp, ngoài lớp được cải thiện thường xuyên, mang tính mở để đáp ứng nhu cầu, hứng thú chơi của trẻ, tạo điều kiện cho trẻ dễ dàng tự lựa chọn và sử dụng sự vật, đồ vật, đồ chơi để thực hành, trải nghiệm...”, lãnh đạo nhà trường gợi mở.
Đáng chú ý, trong hoạt động chăm sóc giáo dục trẻ, áp dụng tốt phương châm “học bằng chơi, chơi mà học” trong tổ chức các hoạt động giáo dục trẻ tại nhóm, lớp; kịp thời động viên, khuyến khích những trẻ gặp khó khăn trong tiếp nhận kiến thức mà giáo viên cung cấp; tôn trọng tính riêng biệt của mỗi cá nhân trẻ trong tổ chức hoạt động; mọi hoạt động đều hướng tới trẻ nhằm hỗ trợ trẻ phát triển toàn diện.
Bên cạnh đó, trường phối hợp với phụ huynh thông qua các hoạt động trao đổi trong giờ đón, trả trẻ và thông qua sổ bé ngoan hàng tháng. Tổ chức họp huynh 3 lần/năm, được sự hưởng ứng từ 90% phụ huynh trở lên.
Qua thực hiện chuyên đề cho thấy, nhận thức của phụ huynh về việc cho con em đến trường ngày một nâng lên, cũng như ngày càng quan tâm hơn về chất lượng chăm sóc trẻ tại trường; đồng thời, họ cũng tham gia góp ý, chia sẻ với nhà trường trong những buổi hội thảo, chuyên đề, sẵn sàng tham gia các hoạt động, sưu tầm và đóng góp nguyên vật liệu, kinh phí, ngày công lao động... cùng nhà trường nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ.
Tuy nhiên, một trong những khó khăn mà nhà trường thấy là nguồn kinh phí còn hạn hẹp nên việc cải tạo xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị... để phục vụ tốt hơn cho các em chưa được như mong muốn.
G.H.Y