Vĩnh Phúc:

Xã thuần nông Nguyệt Đức giàu truyền thống hiếu học, khuyến tài

(Dân trí) - Nguyệt Đức là một xã thuần nông của huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc, nhưng truyền thống hiếu học đã được lưu truyền từ ngàn xưa. Xã có cả 3 trường đạt chuẩn quốc gia rất sớm. Đảng bộ, Chính quyền địa phương trong những năm qua luôn quan tâm xây dựng, phát triển phong trào gia đình học tập, xã hội học tập...

Xã Nguyệt Đức có hơn 8.000 dân chia ra 12 thôn thuộc ba làng truyền thống là: Đinh Xá, Xuân Đài và Nghinh Tiên. Nguyệt Đức là một xã có truyền thống cách mạng đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu xã anh hùng trong kháng chiến chống Pháp. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ và xây dựng đất nước, Nguyệt Đức luôn là xã đi đầu trên mọi lĩnh vực. Vừa qua, Nguyệt Đức là một trong ba xã đầu tiên của huyện Yên Lạc đạt chuẩn Nông thôn mới từ năm 2014.

Ông Trần Văn Tôn - Bí thư Đảng ủy xã Nguyệt Đức - trao giấy khen và phần thưởng cho các học sinh giỏi, học sinh xuất sắc trường THCS Nguyệt Đức tại lễ Tổng kết năm học 2016 - 2017, sáng 25/5
Ông Trần Văn Tôn - Bí thư Đảng ủy xã Nguyệt Đức - trao giấy khen và phần thưởng cho các học sinh giỏi, học sinh xuất sắc trường THCS Nguyệt Đức tại lễ Tổng kết năm học 2016 - 2017, sáng 25/5

Cùng với sự phát triển toàn diện, về giáo dục, Nguyệt Đức cũng là một xã có phong trào mạnh mẽ, luôn nằm trong tốp đầu của huyện. Xã có cả ba trường đạt chuẩn quốc gia rất sớm. Trường mầm non đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2 năm 2013. Trường nhiều năm giữ lá cờ đầu của tỉnh, 12 năm liên tục đạt tiên tiến xuất sắc, được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng ba và hạng nhì. Trường tiểu học cũng có 13 năm liên tục đạt tiên tiến xuất sắc, được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng ba năm 2012, Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen năm 2010.

Truyền thống hiếu học của Nguyệt Đức đã được lưu giữ từ ngàn xưa, cụ Tạ Hiền Đạo đỗ Tiến sĩ khoa Giáp Thìn năm 1544. Từ năm 1947, Chi bộ đầu tiên của xã thành lập, Chi bộ lãnh đạo nhân dân xã nhà tham gia tích cực, dũng cảm cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, cuộc cách mạng chống giặc dốt cũng đặc biệt được chú ý. Phong trào “Bình dân học vụ” được phát động rộng rãi đến toàn dân, người biết chữ nhiều dạy cho người biết chữ ít, người biết chữ ít dạy cho người chưa biết chữ. Nhờ đó, phong trào xóa mù chữ được hoàn thành.

Hòa bình lập lại, Đảng, chính quyền vừa lo chống đói nghèo, vừa sớm nghĩ đến việc học tập của nhân dân. Năm 1954, Trường cấp 1 của xã được thành lập có 3 lớp: lớp 1, 2 và 3 với 3 thầy giáo do nhân dân đóng góp thóc gạo để nuôi thầy.

Năm 1959, trường cấp 2 Nguyệt Đức được thành lập đã thu nhận học sinh của 6 xã phía Đông - Nam của huyện Yên Lạc là: Nguyệt Đức, Văn Tiến, Yên Phương, Hồng Phương, Trung Kiên và Trung Hà. Suốt những năm chống chiến tranh bắn phá của giặc Mỹ, trường vẫn luôn đứng vững và duy trì tốt việc học tập cho con em. Cung cấp hàng trăm thanh niên cho tiền tuyến và xây dựng miền Bắc XHCN. Những năm giữa thập kỷ 60 của thế kỷ trước, trường cấp 1 Nguyệt Đức được ghi nhận là trường điển hình “Ba đảm đang” lừng lẫy một thời trong ngành giáo dục tỉnh Vĩnh Phúc.

Đất nước thống nhất, Đảng và Nhà nước đã chú ý nhiều hơn đến giáo dục, đặc biệt Nghị Quyết TW 2, khóa IX đưa giáo dục là quốc sách hàng đầu. Các trường của Nguyệt Đức từ chỗ phải học nhờ ở đình, chùa của các làng, bàn ghế thiếu thốn, Đảng bộ và nhân dân Nguyệt Đức lại quyết tâm làm cuộc cách mạng giáo dục. Đến năm 2000, cả ba trường Mầm non, Tiểu học và THCS đã được kiên cố hóa bằng các ngôi trường tầng khang trang, sạch đẹp theo hướng chuẩn quốc gia.

Từ năm 2000 - 2004, cả 3 trường Nguyệt Đức đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 1. Trường Mầm non đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2 năm 2013. Các trường còn lại Đảng ủy, Chính quyền đang tiếp tục cùng nhà trường xây dựng cơ sở vật chất và các tiêu chí “Chuẩn quốc gia giai đoạn 2”.

Giáo dục Nguyệt Đức cũng là một xã có phong trào mạnh mẽ, luôn nằm trong tốp đầu của huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc
Giáo dục Nguyệt Đức cũng là một xã có phong trào mạnh mẽ, luôn nằm trong tốp đầu của huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc

Việc học không phải chỉ dành cho con em, Đảng, Chính quyền còn quan tâm đến việc học của người lớn. Trung tâm học tập cộng đồng được xây dựng, phong trào xây dựng “Xã hội học tập” phát triển mạnh mẽ. Các tổ chức chính trị - xã hội tích cực tổ chức các lớp học cho cán bộ, Đảng viên và nhân dân lao động. Đảng bộ tổ chức mỗi năm hàng chục lớp bồi dưỡng nhận thức, tư tưởng chính trị cho hàng trăm cán bộ, Đảng viên. Các tổ chức chính trị - xã hội như: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn TNCSHCM, Hội Cựu chiến binh… tổ chức hàng chục lớp dạy nghề, nâng cao kiến thức khoa học, ứng dụng tiên tiến cho sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao năng xuất lao động.

Đảng, Chính quyền xã luôn quan tâm sâu sắc đến phong trào khuyến học của địa phương. Quán triệt tốt quan điểm của Đảng về công tác khuyến hoc, khuyến tài; thực hiện tốt tinh thần Chỉ thị 50/CT - TW, Chỉ thị 11/CT - TW của Bộ Chính trị. Công tác khuyến học ngày càng phát triển rộng rãi và hiệu quả.

Đến nay, toàn xã có 48 chi hội khuyến học, trong đó có 12 chi hội khuyến học thôn, làng với 1866 hội viên, 33 chi hội dòng họ với 158 hội viên, 3 chi hội trường học với 241 hội viên. Tổng số hội viên khuyến học toàn xã là 2267, chiếm tỷ lệ 28,3% dân số. Nhiều chi hội khuyến học dòng họ hoạt động nề nếp, có bài bản. Hàng năm, xuất hiện nhiều “Gia đình học tập” tiêu biểu được chính quyền, Hội Khuyến học các cấp khen thưởng. Đến nay, cả xã Nguyệt Đức đã có 15 Tiến sĩ trong các ngành khoa học.

Đất nước trong thời kỳ hội nhập, cuộc cách mạng khoa học, bùng nổ thông tin, xã Nguyệt Đức tiếp tục phấn đấu không để bị tụt hậu. Đảng, chính quyền bố trí cho cán bộ định biên đi học đạt chuẩn về trình độ chuyên môn, 100% sử dụng thành thạo máy vi tính. Phong trào xây dựng Xã hội học tập tiếp tục được quan tâm, đẩy mạnh, hoàn thành hai trường còn lại đạt chuẩn mức độ 2 - xứng đáng truyền thống hiếu học, với danh hiệu xã anh hùng.

Tạ Hồng Thắng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm