Website giúp học sinh không “né” môn Hóa
Hai học sinh Đỗ Thành Đạt (9X) và Nguyễn Đức Tông (10X), học sinh trường THPT Long Mỹ (thị xã Long Mỹ, Hậu Giang) đã thiết kế “Website hóa học trực tuyến và bộ công cụ hóa học dành cho máy tính và máy điện thoại” (hoahoctructuyen.com).
Học Hóa mọi lúc mọi nơi
Cả Đạt và Tông đều không phải là dân chuyên Hóa, nhưng lại yêu thích môn học này từ nhỏ. Trong quá trình tự mày mò học Hóa, hai bạn trẻ phát hiện ra, hiện, website hóa học trực tuyến có ít và không phong phú. Vì thế, các học sinh ngoài việc ôm sách giáo khoa còn phải tự mày mò đọc nhiều cuốn sách ở nhiều nguồn khác nhau nếu muốn ôn luyện hoặc nâng cao kiến thức Hóa học.
Đó là lý do vì sao, cả hai cùng nảy ra ý tưởng thiết kế một phần mềm hóa học trực tuyến thật hữu ích, tiện dụng. Đạt tin rằng, khi việc học Hóa dễ dàng và thú vị, nhiều học sinh sẽ không còn “né” môn này nữa. Hai bạn cũng mong muốn sẽ góp phần tạo ra một cộng đồng cùng thi đua, xếp hạng, chia sẻ kinh nghiệm học tốt Hóa học.
Phải mất đến 2 năm, cả hai mới hoàn thành được ý tưởng này. Vì bận rộn học tập ở trường, cả hai phải tranh thủ mọi thời gian rảnh và ngày cuối tuần để cùng làm phần mềm.
Không tránh khỏi những lúc, họ cảm thấy rất hoang mang, thậm chí bế tắc vì phần mềm làm ra, nhưng không đạt được mục tiêu, họ phải xóa đi làm lại.
Vì các tác giả đều là học sinh nên rất hiểu tâm lý học sinh là rất nhanh nhạy với công nghệ và thích sự tiện lợi. Vì thế, Đạt và Tông đã thiết kế phần mềm có thể sử dụng trên cả máy tính, điện thoại… có khả năng chạy offline, để các bạn có thể học Hóa ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào ngay cả khi không có kết nối Internet.
Khác với những lớp dạy Hóa học trực tuyến có thu phí chỉ tương tác một chiều, học sinh xem thầy giáo giảng bài qua những video “chết”, phần mềm của Đạt và Tông còn có chức năng giúp người học tương tác cao thông qua tính nhắc kéo thả, nhả, ghép hình trong quá trình học.
Hai bạn còn tạo ra các trò chơi Hóa học phỏng theo các game show của đài truyền hình như Chiếc nón kỳ diệu, Đuổi hình bắt chữ… để giới trẻ vừa được… thỏa mãn sở thích chơi games mà vẫn có thể ghi nhớ, tự ôn tập kiến thức.
Ngoài lý thuyết, phần mềm còn có cả ngân hàng các bài thi trắc nghiệm, kiểm tra kiến thức. Nghe thì đơn giản vậy, nhưng để có thể tập hợp được số tài liệu này đòi hỏi các tác giả kỳ công nhất định. Ngoài tài liệu trong nước, các bạn còn phải mày mò tự đọc và tìm kiếm tài liệu của nước ngoài.
Lan tỏa tình yêu
Cũng nhờ trình độ tiếng Anh của cả hai đều… “tàm tạm” (theo cách tự nhận của hai bạn) nên cả hai không gặp quá nhiều khó khăn. “Trong quá trình làm, phần nào còn khó, hai bạn lại nhờ thầy cô giúp đỡ, chuyển thể ngôn ngữ từ tiếng Anh sang tiếng Việt. Sau đó, khi từng phần hoàn thành, các bạn lại nhờ thầy cô giáo và bạn bè dùng thử, góp ý ưu khuyết để kịp thời chỉnh sửa trước khi chính thức hoàn thiện”.
Cũng trong quá trình làm, Tông và Đạt còn nảy ra ý tưởng sẽ làm thêm cả phần học Hóa học bằng tiếng Anh để giúp bạn trẻ vừa học tốt môn Hóa, vừa nâng cao tiếng Anh. Đây cũng là số ít trang web hiện nay giúp bạn trẻ học Hóa bằng tiếng Anh.
Nhờ sự kiên trì của hai bạn trẻ, khi hoàn thành, phần mềm hóa học trực tuyến đã ngay lập tức nhận được sự hưởng ứng nhiệt liệt của người sử dụng.
Hiện nay, website đã có 170 nghìn lượt truy cập, và 1.000 người đăng ký làm thành viên. Vì tính hữu ích nên website đã được một số trường học ở Hậu Giang, đặc biệt là trường THPT Long Mỹ đưa vào sử dụng. Sau một thời gian, theo đánh giá của Ban giám hiệu nhà trường, phần mềm giúp bài giảng của giáo viên sinh động hơn và đặc biệt là giúp học sinh, nhất là học sinh còn yếu môn Hóa hứng thú hơn với việc học.
Cả hai tâm sự, tình yêu của họ dành cho môn Hóa không bao giờ cạn. Để lan tỏa tình yêu ấy tới với nhiều học sinh khác, website của Đạt và Tông đều hoàn toàn miễn phí. Hai bạn còn mong có thêm thật nhiều trường và học sinh biết và sử dụng website của mình.
Theo Quỳnh Chi
Phụ nữ Việt Nam