Vụ việc ở Phú Xuyên cũng giống như vụ… PMU 18

(Dân trí) - “Việc vỡ ra ở trường Phú Xuyên A cũng giống như việc vỡ ra ở PMU18. May mắn là có một thầy giáo dũng cảm và tôi mừng là sự dũng cảm đó đang được nhân lên vì công luận, vì trình độ dân trí ngày càng cao hơn”, TS Vật lý Nguyễn Văn Khải - một nhà giáo nổi tiếng, từng giảng dạy ở rất nhiều trường đại học phát biểu.

Chúng tôi đến nhà TS Khải để viết bài không phải thuộc lĩnh vực giáo dục, nhưng sau khi biết Dân trí là tờ báo đầu tiên đăng tải việc tố cáo tiêu cực của thầy Đỗ Việt Khoa, TS Khải đã chủ động “kéo” chúng tôi vào đề tài nóng bỏng này.

 

Giọng bức xúc và quyết liệt của TS Khải trong gần cả tiếng trò chuyện với chúng tôi có lẽ cũng vì ông đã từng là giáo viên, từng đối diện với những tiêu cực…

 

Thầy Khoa đã quá tin vào Bộ?

 

38 năm trước đây, tôi có cho một số học trò điểm dưới trung bình. Tất cả bạn đồng nghiệp, phụ huynh học sinh và người quen đều đề nghị nâng điểm cho hai học sinh - một là con trai của ông chủ nhà mà tôi ở nhờ nơi sơ tán, một là học sinh nữ hát hay, công tác, hoạt động rất nhiệt tình.

 

Tôi không đồng ý nhưng trong hè có giúp đỡ họ ôn tập lại. Cuối hè, hai học sinh này thi lại. Cậu học sinh nam đạt điểm loại khá, được lên lớp, đi bộ đội và sau này cậu trở thành một giáo viên dạy giỏi của một trường chuyên ở một thành phố lớn. Còn cô học trò thì đúp lại.

 

Năm ngoái, tình cờ gặp lại, cô học trò này đón tiếp thầy rất nồng hậu nhưng vẫn “buông” một câu trách: “Ngày ấy nhiều đứa còn dốt hơn em nhiều thầy ạ”. “Nhưng riêng trong lớp thầy thì em là người kém” - tôi đã trả lời cô học trò cũ như thế.

 

Tôi muốn nói, việc làm của thầy Khoa là đúng. Đó đúng là một người thầy hay nói cách khác, thầy giáo thì phải làm thế. Việc đồng nghiệp không đồng ý với đồng nghiệp đã có từ lâu lắm rồi. Nhưng đáng tiếc, càng ngày sự phản đối đấu tranh tiêu cực, sự bao che, bênh vực những việc xấu ngày càng rõ nét hơn.

 

Trước đây thì họ xì xào, rì rầm thôi, nhưng bây giờ họ công khai phản đối việc chống tiêu cực là bởi cái xấu đã được dung túng bởi chính cơ quan chủ sự và bởi chính quyền địa phương.

 

Thầy Khoa là giáo viên ở đấy nên thầy Khoa biết rõ tổ chức Đảng cũng như việc quản lý giáo viên ở tỉnh này như thế nào cho nên đã tố cáo vượt cấp, tố cáo lên một cơ quan cao hơn, ở xa mà thầy tưởng là quang minh chính đại - giống như ở xa nhìn vào rừng thấy cây nào cũng thẳng. Nhưng mà thực chất đi vào rừng mới nhìn thấy, có nhiều cây cong quá.

 

Cái “cong” ở đây là Bộ nhận nhưng lại trả về Sở, chứ không đề nghị cùng gặp gỡ cả Sở và thầy Khoa. Nếu bình thường thì phải tổ chức buổi gặp gỡ này để thầy Khoa trình bày vấn đề trước mặt Sở.

 

Bộ nhận tố cáo từ thầy giáo Khoa rồi giao lại cho Sở và sở đã không làm gì. Điều đó cũng dễ hiểu vì Sở không bao giờ tự đi chặt chân mình. Ông Giám đốc Sở vẫn phát biểu rất hùng hồn trên báo chí về sự trong sạch của kỳ thi này. Rất nhiều người đặt ra câu hỏi: Vậy thì Bộ và Sở đã làm việc thế nào? Phải chăng vì họ tin sẽ bịt được miệng thầy giáo Khoa nên ông Giám đốc Sở dám phát biểu như vậy?

 

Sự dũng cảm đang được nhân lên

 

Từ sự việc có thể thấy chúng ta đang rất có vấn đề trong quản lý giáo dục. Những người có trách nhiệm liên quan đến việc này mà đã im lặng là có tội. Chỉ xét ở khía cạnh học sinh: nếu như ngành giáo dục làm sớm, kiên quyết ngay từ đầu vụ việc này thì nhiều học sinh ở Phú Xuyên đã yên tâm, thảnh thơi bước vào kỳ thi đại học chứ không bị hoang mang như vừa qua. Chưa kể, biết bao phụ huynh học sinh cũng đang ở vào tâm trạng này… Cả một phần dân cư bị xao động thời gian dài như vậy là không được.

 

Theo tôi, không chỉ phụ huynh học sinh ở Phú Xuyên mà ở tất cả các nơi, trong nhiều trường hợp cần chấp nhận cho con mình… học lại. Nếu con chỉ gánh được 30kg, đừng bắt các cháu gánh 50kg.

 

Nếu chúng ta cứ bắt các cháu gánh thì rồi các cháu cũng “đứt gánh” giữa đường học hoặc có thể trở thành những sinh viên hối lộ ở đại học. Và khi ra đời, các cháu này cũng sẽ tiếp tục hối lộ bởi vì đã phải hối lộ bước đầu thì đến cuối đời vẫn phải hối lộ. Kiến thức đã hổng và sẽ còn tiếp tục hổng nên luôn luôn phải hối lộ. Thậm chí, có thể bị những kẻ xấu ép làm nhiều chuyện xấu.

 

Việc vỡ ra ở Phú Xuyên cũng giống như việc vỡ ra ở PMU18 mà thôi. Chúng ta có rất nhiều PMU và cũng có rất nhiều trường như trường Phú Xuyên A, Hà Tây. May mắn là ở Phú Xuyên A có một thầy giáo dũng cảm và tôi mừng là sự dũng cảm đó đang được nhân lên vì công luận, vì trình độ dân trí cao hơn. Việc công luận đấu tranh không phải là vì một mình thầy Khoa mà còn vì con em của chính mình.

 

Cấn Cường - Phương Thảo (ghi)

Dòng sự kiện: Giám thị tố giám thị