Bạn đọc gửi:
Vụ thầy giáo đánh học sinh dã man: Tăng sự thù hận, mất dần sự kính trọng
(Dân trí) - Vừa qua, mạng xã hội lan truyền đoạn clip ghi lại cảnh thầy giáo tại Trung tâm giáo dục thường xuyên bắt nhiều HS lên bục giảng rồi liên tục tát, đá, lăng mạ trước cả lớp, khiến nhiều người bức xúc.
Theo lãnh đạo Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện Lục Ngạn, Bắc Giang người đánh các học sinh được xác định là ông Khúc Xuân H. (SN 1997), giáo viên tại trung tâm.
Cụ thể: Trong giờ sinh hoạt lớp chiều ngày 29/4, do nóng giận vì nhắc nhở nhiều lần nhưng nam học sinh vẫn vi phạm Luật an toàn giao thông, không chấp hành nội quy, quy định của trường (không mặc áo đồng phục, mặc quần bò), thầy giáo Khúc Xuân Hòa, giáo viên chủ nhiệm lớp 10A3 được cho là đã đánh mắng học sinh.
Việc làm của thầy Hòa đã được ghi lại trong một clip và phát tán trên mạng xã hội.
Ngay khi nhận được thông tin trên, ngày 30/4, Ban Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Lục Ngạn đã tổ chức họp, yêu cầu thầy Hòa kiểm điểm, tường trình sự việc. Cá nhân thầy Hòa cũng nhận thấy hành động của mình là sai, không đúng với quy định của người giáo viên
Thầy Hòa sinh năm 1997 được Trung tâm ký hợp đồng giảng dạy môn Sinh học từ tháng 4/2020. Trước mắt, thầy Hòa bị tạm dừng giảng dạy để tập trung giải quyết sự việc.
Đây là hành vi rất phản cảm trong môi trường giáo dục, dù thầy giáo có biện minh cho hành vi của mình với lý do gì đi chăng nữa nhưng việc sử dụng hành vi bạo lực và lời lẽ thô tục để giáo dục học sinh là không thể chấp nhận được. Hành vi này phải được lên án và có hình thức xử lý nghiêm theo quy định.
Thực tế thời gian qua, tình trạng giáo viên đánh học sinh vẫn thường xuyên xảy ra, gây bức xúc trong dư luận; phụ huynh thì lên tiếng phản đối kịch liệt, yêu cầu nhà trường phải có hình thức xử lý thích đáng; không cho giáo viên đánh học sinh tiếp tục dạy học và yêu cầu bố trí công tác khác.
Nhiều giáo viên bị kỷ luật và buộc phải công khai xin lỗi hoặc có trường hợp giáo viên bị kỷ luật ra khỏi ngành vì đã có hành vi bạo lực đối với học sinh...
Giáo viên đánh học sinh với nhiều lý do như các em học yếu, nghịch ngợm, không nghe lời... Ở góc độ nào đó cũng cần có sự thông cảm, chia sẻ với giáo viên, vì việc giáo dục, quản lý học sinh là rất khó khăn và áp lực.
Mỗi người thầy khi đứng trên bục giảng đều mong học sinh của mình ngoan ngoãn, nghe lời, chú ý tiếp thu bài giảng,…Và đôi khi trong lớp xuất hiện một vài học sinh ngỗ nghịch, phá vỡ trật tự của lớp nên giáo viên phải có biện pháp để duy trì trật tự.
Một giáo viên có kỹ năng sư phạm sẽ biết cách duy trì trật tự của lớp sao cho phù hợp, hiệu quả. Khi xảy ra tình trạng giáo viên xử phạt học sinh bằng những đòn roi và lời nói thô tục thì có thể khẳng định rằng giáo viên đó không có kỹ năng sư phạm và không biết tự trọng, tự kiềm chế bản thân mình.
Thời gian qua, tình trạng giáo viên sử dụng đòn roi và có lời nói thô tục đối với học sinh vẫn còn xảy ra, tuy là số ít nhưng nó vẫn tồn tại trong môi trường giáo dục nhưng chưa có giải pháp hữu hiệu để khắc phục tình trạng này.
Học sinh cần phải được giáo dục bằng phương pháp mềm dẻo, linh hoạt và có sự phối hợp chặt chẽ giữa giáo viên và phụ huynh. Sử dụng đòn roi và những lời lẽ thô tục để giáo dục học sinh là phản tác dụng, sẽ làm các em thêm căm ghét, thù hận và mất dần đi sự kính trọng đối với giáo viên.
Để không còn xảy ra tình trạng giáo viên sử dụng đòn roi và có lời nói thô tục đối với học sinh, trước hết mỗi giáo viên phải biết cách kiềm chế, tự tìm tòi biện pháp giáo dục tối ưu nhất, vừa nhẹ nhàng, vừa có tác dụng giáo dục mà không cần phải sử dụng đòn roi…
Phải để môi trường giáo dục luôn là nơi thể hiện tình thầy trò một cách chân thành, kính trọng và thương yêu nhất; để các thế hệ học sinh được hình thành nhân cách đúng đắn; để khi các em trưởng thành luôn luôn lưu luyến, trân trọng tình cảm của thầy và trò khi xưa.
Đỗ Văn Nhân
* Mọi ý kiến đóng góp về giáo dục, độc giả gửi tin, bài về hộp thư: giaoduc@dantri.com.vn. Trân trọng cám ơn!