Đắk Lắk:

Vụ hơn 500 giáo viên bị chấm dứt hợp đồng: Nỗi buồn trước thềm năm học mới

(Dân trí) - Năm học mới 2018 - 2019 cận kề, những ngày này các giáo viên đã tề tựu về trường để được phân công nhiệm vụ năm học mới. Vậy mà, 550 giáo viên bị chấm dứt hợp đồng tại huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) lại ngẹn ngào khi đây là năm học các thầy cô chính thức phải rời xa bục giảng.

Xót xa rời bục giảng, bươn chải đủ nghề để mưu sinh

Vừa qua, UBND tỉnh Đắk Lắk đã quyết định chấm dứt hợp đồng với 550 giáo viên (GV) hợp đồng dôi dư tại huyện Krông Pắk. Như vậy, các GV hợp đồng sẽ buộc phải rời xa bục giảng, tìm công việc mới.


Các giáo viên xót xa khi sẽ bị chấm dứt hợp đồng lao động.

Các giáo viên xót xa khi sẽ bị chấm dứt hợp đồng lao động.

Cô Hồ Thị Ngọc Dung - GV Ngữ văn trường THCS Ngô Mây (xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắk), cho biết, tại trường THCS Ngô Mây có tổng cộng 23 GV sẽ bị chấm dứt hợp đồng, do không có việc làm nên người phải đi làm rẫy, người làm thuê, phụ bán quần áo… đời sống vô cùng bấp bênh.

Cũng theo cô Dung, cô nằm trong số GV sẽ bị chấm dứt hợp đồng trong tháng 10/2018 nên trong tháng 8 và tháng 9, cô vẫn sẽ đến trường để dạy.

“Đứng trên bục giảng 2 tháng này quả thực tôi rất tâm trạng, buộc kìm lòng mình lại để dạy các học sinh. Cứ nghĩ đến việc mãi mãi không được đi dạy nữa, lòng dạ tôi xót xa vô cùng”, cô Dung tâm sự.

Cũng theo cô Dung, hiện mức lương đi dạy của cô chỉ khoảng 1 triệu đồng/tháng và những GV như cô vẫn chưa biết khi chấm dứt hợp đồng sẽ được huyện hỗ trợ bao nhiêu, có thỏa đáng hay không, nên đang đợi động thái từ huyện.

Hiện tại, cô Dung vẫn đang ở nhà chưa có dự định công việc gì vì không có vốn để làm, tất cả mọi thu nhập đều nhờ người chồng đi làm thuê ở xa gửi về.

Khó khăn hơn cô Dung, trường hợp của thầy Võ Văn Tuấn - GV Toán trường THCS Ea Uy, ngoài thầy thì cả vợ và em gái của thầy Tuấn đều bị chấm dứt hợp đồng trong đợt này.


Thầy Võ Văn Tuấn làm nương rẫy để mưu sinh.

Thầy Võ Văn Tuấn làm nương rẫy để mưu sinh.

Theo thầy Tuấn, thầy đi dạy từ năm 2014 đến nay, trong công việc thầy luôn tâm huyết, cống hiến hết mình vì vậy việc bị chấm dứt hợp đồng là cú sốc lớn cho cả gia đình thầy.

“Bố mẹ tôi đã vất vả nuôi anh em tôi khôn lớn, ăn học nên người đến ngày ra trường mong kiếm được công việc ổn định thì nay tất cả hi vọng đều tan vỡ. Gia đình hụt hẫng, chúng tôi thì mông lung chưa có hướng nào cụ thể cho tương lai mình khi cả vợ chồng đều không có việc làm”, thầy Tuấn chua chát nói.

Để kiếm thêm thu nhập, thầy Tuấn dùng số tiền tích cóp được mua vài sào đất trống để trồng cà phê, thời gian rảnh, thầy đi làm MC đám cưới, làm đủ nghề để kiếm sống...

“Tôi được biết sắp tới UBND huyện sẽ chi trả, hỗ trợ cho các GV bị chấm dứt hợp đồng chỉ mong phía huyện sẽ có giải pháp nhân văn cho chúng tôi như họ đã nói”, thầy Tuấn nói.

Còn thầy Nguyễn Tuấn Anh - GV Tin học, trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai cho biết, thầy được hợp đồng của huyện về trường dạy từ năm 2015. Đến ngày 20/1/2017, nhà trường gọi lên yêu cầu 22 GV dạy hợp đồng ký lại hợp đồng thời vụ (từ tháng 2 đến tháng 7/2017), mức lương 1.500.000 đồng/tháng/người, trừ các loại bảo hiểm, mỗi người chỉ còn được nhận chỉ còn 1.002.500 đồng.

Nhận thấy yêu cầu của nhà trường trái với hợp đồng đã ký theo quyết định của UBND huyện nên 5 thầy cô đã từ chối việc ký và bị mất việc làm. Sau đó, các thầy cô đã quyết định làm đơn khởi kiện để đòi quyền lợi cho mình.

“Sau khi bị nghỉ dạy, tôi làm đủ nghề từ lái xe, phụ hồ, bốc vác... rồi ra mở quán nhậu nhưng bị thất bại. Nay mới xin làm phụ bếp cho một nhà hàng ở TP. Đà Nẵng với mức lương thấp chỉ đủ trả tiền phòng trọ, chi tiêu qua ngày. Tôi cũng định cưới vợ nhưng với cuộc sống còn khó khăn thế này tôi cứ buộc hoãn cưới từ đợt này qua đợt khác”, thầy Tuấn Anh thở dài.

Cũng theo thầy Tuấn Anh, vừa qua nhà trường đã mời các thầy cô có đơn kiện lên để thỏa thuận việc bồi thường và cho biết sẽ trả 40 triệu đồng/người nhưng các thầy cô đều chưa đồng ý.

“Việc thực hiện sai hợp đồng lao động nhưng trả cho chúng tôi số tiền ấy là quá thấp so với chừng ấy thời gian bị mất việc nên tất cả đều chưa chấp nhận việc rút đơn kiện”, thầy Tuấn Anh cho hay.

“Nghiêm túc thực hiện việc chấm dứt hợp đồng với các giáo viên”

Bà Ngô Thị Minh Trinh - Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk cho biết, chậm nhất đến tháng 10/2018 huyện sẽ chấm dứt hợp đồng với 550 GV hợp đồng. Về việc hỗ trợ cho các GV, theo phương án UBND tỉnh giao về cho huyện phía Phòng Tài chính sẽ tham mưu vì ngân sách này thuộc về huyện.

Cũng theo bà Trinh, việc chấm dứt hợp đồng là theo chỉ đạo quyết liệt từ Trung ương và phía UBND huyện đã có thông báo gửi về các đơn vị, các trường, GV để biết về việc này. “Chúng tôi không có cách nào khác dù đã cố gắng hết sức nhưng quy định chung nó như vậy…”, bà Trinh cho hay.

Trước đó, ngày 2/8 ông Y Suôn Byă - Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk (người đặt bút ký trên 100 hợp đồng GV dôi dư) đã có văn bản gửi đến các phòng ban, nhà trường yêu cầu “thực chấm dứt hợp đồng” với các GV dôi dư đúng quy định.

Điều đáng nói, liên quan đến việc dôi dư hàng trăm GV tại huyện Krông Pắk, ông Y Suôn Byă với trách nhiệm người đứng đầu bị kỷ luật khiển trách và mới đây lại trực tiếp ký văn bản chỉ đạo các ban, ngành, đơn vị “nghiêm túc thực hiện việc chấm dứt hợp đồng với các GV”.

Như Dân trí đưa tin, từ năm 2011 - 2016, hai đời Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk đã ký hợp đồng với trên 500 GV. Cụ thể, ông Nguyễn Sỹ Kỷ - Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk giai đoạn năm 2011 - 2015 đã ký hơn 400 hợp đồng lao động dù GV của huyện đã dư thừa. Đến năm 2016, ông Y Suôn Byă giữ chức Chủ tịch UBND huyện đã ký tuyển dụng trên 100 hợp đồng GV, nhân viên trường học dù trước đó Thanh tra tỉnh đã đề nghị UBND huyện này phải khắc phục việc tuyển dụng dư thừa từ thời Chủ tịch huyện trước.

Thúy Diễm