Vụ hàng trăm phụ huynh phản đối giải thể trường: Học sinh đi học xa là không có cơ sở
(Dân trí) - Thời gian qua, nhiều phụ huynh có con em theo học tại Trường THPT Trần Ân Chiêm, huyện Yên Định (Thanh Hóa) bày tỏ lo lắng khi con em sẽ phải đi học xa sau khi giải thể trường. Sở GD&ĐT khẳng định việc học sinh phải đi học xa khi giải thể trường là không có cơ sở.
Theo Sở GD&ĐT Thanh Hóa, hiện tại, huyện Yên Định có 5 trường THPT công lập, các trường học có quy mô số lớp như kế hoạch được giao của UBND tỉnh; bình quân 23,6 lớp/trường (hạng 2); bình quân 41,69 học sinh (HS)/lớp. Các trường THPT Yên Định 1, Trần Ân Chiêm có xấp xỉ 10% HS của huyện Thiệu Hóa.
Căn cứ tình hình phát triển giáo dục của huyện Yên Định, số lượng HS các khối lớp có tăng nhẹ. Tuy nhiên, quy mô cấp THPT từ 2018-2025 không tăng (thực hiện tuyển sinh lớp 10 giảm dần từ 70% năm 2020 giảm xuống 60% năm 2025 theo Quyết định 522/QĐ-TTg ngày 14/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ).
Khi thực hiện sắp xếp huyện Yên Định còn 4 trường THPT với quy mô trung bình khoảng 22 - 23 lớp/trường và không có trường THPT có quy mô trên 45 lớp.
Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên (GV) đủ đáp ứng về số lượng và trình độ để thực hiện hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Khi giải thể, sắp xếp trường THPT Trần Ân Chiêm, các trường THPT khác trên địa bàn vẫn có cơ sở vật chất đảm bảo tốt hoạt động giáo dục.
Trước ý kiến của các bậc phụ huynh, sau khi tiến hành khảo sát, Sở GD&ĐT đã tổ chức Hội nghị trao đổi, đối thoại với đại diện công dân có đơn kiến nghị về tình hình, quy mô phát triển cấp THPT trên địa bàn huyện đến năm 2025 và các năm tiếp theo; quy trình tham mưu xây dựng và ban hành Nghị quyết 103/NQ-HĐND.
Đồng thời giải thích, chứng minh để phụ huynh hiểu rõ về việc HS phải đi học xa khi giải thể Trường THPT Trần Ân Chiêm là không có cơ sở; báo cáo phương án sắp xếp HS, GV khi giải thể Trường THPT Trần Ân Chiêm.
Đại diện phụ huynh, UBND huyện Yên Định bày tỏ nguyện vọng được giữ lại Trường THPT Trần Ân Chiêm và đề nghị cho chuyển về địa điểm mới tại xã Định Hòa.
Mặt khác, để lại trường học mang tên Danh nhân Trần Ân Chiêm góp phần giáo dục truyền thống, vinh danh những người có công lao đối với quê hương đất nước.
Theo bà Phạm Thị Hằng, Giám đốc Sở GD&ĐT: Việc giải thể, sắp xếp Trường THPT Trần Ân Chiêm vào các trường THPT trên địa bàn huyện Yên Định là chủ trương đúng đắn của tỉnh, thực hiện nghiêm chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước (đảm bảo bình quân khoảng 4 vạn dân/trường).
Sau khi giải thể, sắp xếp Trường THPT Trần Ân Chiêm, các trường THPT trên địa bàn huyện đảm bảo đáp ứng nhu cầu học tập của con em trên địa bàn đến năm 2028. Trường THPT Yên Định 1 hoàn toàn đáp ứng nhu cầu học tập của HS cấp THPT của các xã Vùng Định và giữ được quy mô trường đạt chuẩn quốc gia. Mặt khác, HS trên địa bàn có thể học ở tất cả các trường THPT của huyện theo nguyện vọng.
Phương án đề xuất sắp xếp khi giải thể trường THPT Trần Ân Chiêm đảm bảo cho HS của các xã vùng Định đang học tại trường THPT Trần Ân Chiêm và THPT Yên Định 1 không bị ảnh hưởng đến việc học tập do không phải đi học xa (học tại trường THPT Yên Định 1).
Đối với cán bộ, quản lý, GV, nhân viên Sở GD&ĐT sẽ có phương án để đảm bảo quyền lợi và tạo thuận lợi nhất do đã có kinh nghiệm thực tế khi sắp xếp 5 trường trong năm 2018.
Về nguyện vọng có Trường THPT mang tên danh nhân Trần Ân Chiêm, Sở GD&ĐT thống nhất và đề nghị UBND huyện lựa chọn trường THPT có bề dày và chất lượng, hoàn thiện các thủ tục theo quy định về đổi tên trường báo cáo UBND tỉnh quyết định.
Sở GD&ĐT Thanh Hóa cũng đã ghi nhận ý kiến của lãnh đạo UBND huyện và đại diện công dân, phụ huynh về nguyện vọng giữ lại và chuyển địa điểm Trường THPT Trần Ân Chiêm về xã Định Hòa để báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh xem xét.
Đồng thời, đề nghị UBND huyện Yên Định phối hợp để tuyên truyền cho nhân dân nhận thức đúng và ủng hộ chủ trương sắp xếp lại mạng lưới trường học, trong đó có nội dung sắp xếp mạng lưới trường THPT công lập trên địa bàn đến năm 2025.
Yêu cầu Hiệu trưởng Trường THPT Trần Ân Chiêm chịu trách nhiệm tổ chức tuyên truyền cho cán bộ, GV, nhân viên và HS hiểu đúng và đầy đủ về chủ trương giải thể sắp xếp trường để yên tâm công tác và học tập, chịu trách nhiệm về công tác chính trị tư tưởng trước Ban Giám đốc Sở.
Theo khẳng định của Sở GD&ĐT Thanh Hóa, việc học sinh phải đi học xa sau khi trường giải thể là không có cơ sở.
Sau kết luận Hội nghị, đại diện công dân, phụ huynh HS không có thêm ý kiến trao đổi yêu cầu trả lời.
Từ đó, Sở GD&ĐT đề xuất UBND tỉnh Thanh Hóa phương án sắp xếp sau khi giải thể trường THPT Trần Ân Chiêm năm học 2019-2020, cụ thể:
Phương án 1: HS vùng Định của THPT Trần Ân Chiêm chuyển tất cả về Yên Định 1; HS vùng Yên đang học tại Trường THPT Trần Ân Chiêm chuyển về Trường THPT Yên Định 2 (do vùng giao thoa gồm Yên Lạc, Yên Ninh, Yên Thái chủ yếu học tại Yên Định 2); HS của các xã thuộc huyện Thiệu Hóa chuyển về Trường THPT Thiệu Hóa.
Trường THPT Yên Định 1 có quy mô 45 lớp. Từ năm học 2020 đến năm học 2027, Trường THPT Yên Định 1 có quy mô dưới 45 lớp.
Phương án 2: HS vùng Định chuyển tất cả về Yên Định 1; HS vùng Yên của các xã thuộc huyện Thiệu Hóa đang học tại Trường THPT Trần Ân Chiêm chuyển về Trường THPT Yên Định 2 và vẫn tổ chức học tại cơ sở cũ của Trường THPT Trần Ân Chiêm.
Về quy hoạch tuyển sinh năm học 2019 - 2020, 12 xã vùng Định và thị trấn Quán Lào thuộc vùng tuyển sinh của Trường THPT Yên Định 1; 16 xã vùng Yên thuộc vùng tuyển sinh của các trường THPT Yên Định 2; Yên Định 3 và THCS&THPT Thống Nhất.
HS trên địa bàn huyện có thể lựa chọn dự tuyển vào bất kỳ trường THPT trên địa bàn để đạt được nguyện vọng.
Duy Tuyên