Vụ giáo viên “tố” bị bớt lương 2 buổi/ngày: Phòng Giáo dục nói gì?

(Dân trí) - Liên quan đến việc một số giáo viên Trường tiểu học Hoàng Hoa Thám (quận Ba Đình, Hà Nội) “tố” bị bớt lương 2 buổi/ngày, chiều 26/12, ông Nguyễn Đắc Hùng - Trưởng Phòng Giáo dục Quận Ba Đình đã chia sẻ với PV Dân trí về sự việc.

Đã thông qua quy chế chi tiêu nội bộ

+ Một số giáo viên Trường tiểu học Hoàng Hoa Thám kiến nghị họ bị bớt lương 2 buổi/ngày. Sự việc này đúng/sai ra sao, thưa ông?

Theo tôi, mỗi trường có thể trả tiền 2 buổi/ngày cho giáo viên theo mức khác nhau phụ thuộc vào số học sinh.

Trên cơ sở phân công chuyên môn để dạy 2 buổi/ngày, nhà trường sẽ xây dựng cơ chế chi tiêu nội bộ, trong đó có chi thu về dạy 2 buổi/ngày. Quy chế này phải thông qua liên tịch và hội nghị viên chức đầu năm của nhà trường. Các cán bộ viên chức của nhà trường sẽ đóp góp ý kiến vào quy chế đó và nhà trường lấy căn cứ để thực hiện.

Hàng năm, nhà trường đều có quyết toán công khai tài chính. Tất cả các năm qua, ở Trường tiểu học Hoàng Hoa Thám đều không có ý kiến gì nhưng nay lại có chuyện một số giáo viên đứng ra kiến nghị.

Ông Nguyễn Đắc Hùng, Trưởng phòng GD-ĐT quận Ba Đình (Hà Nội). Ảnh: Thanh Hùng.
Ông Nguyễn Đắc Hùng, Trưởng phòng GD-ĐT quận Ba Đình (Hà Nội). Ảnh: Thanh Hùng.

+ Phòng Giáo dục quận đã vào cuộc về sự việc này chưa? Thưa ông?

Trước khi báo chí đưa tin, chúng tôi đã chỉ đạo nhà trường họp ban giám hiệu, Công đoàn, họp với tổ trưởng tổ Văn thể mỹ (tổ có kiến nghị) và Hiệu trưởng đã giải thích rõ. Tất cả đều đã kí vào văn bản nhưng không hiểu sao, sau đó họ lại gửi đơn cho báo chí.

+ Theo một số giáo viên ở đây, từ trước đến nay, họ không được tiếp cận với cách tính số tiết dạy 2 buổi/ngày như thế nào vì việc đó chỉ có Hiệu trưởng và Kế toán thực hiện. Qua tìm hiểu, giáo viên được biết, thay vì chia cho số tiết là 3,5 thì nhà trường đang chia cho 12 nên số tiền chia cho mỗi người bị giảm?

Hiệu trưởng đã giải thích với chúng tôi về cách tính này dựa trên số tiết dạy và số tiết của giáo viên chủ nhiệm. Và quan trọng nhất, quy chế chi tiêu nội bộ đã thống nhất trong toàn trường tại hội nghị viên chức đầu năm, tất cả đã được đóng góp ý kiến và nhà trường mới ban hành. Như vậy, đương nhiên nhà trường phải bám sát theo quy chế chi tiêu nội bộ ấy nên không sai.

Thông thường các trường thường tính sao để có lợi nhất cho giáo viên. Việc trường này trả cao hay trường kia trả thấp là do căn cứ vào số lượng học sinh. Do đó, nếu trường đông thì sẽ được trả cao và ngược lại.

+ Nếu nói số tiền sẽ biến động vì số học sinh các trường không giống nhau. Vậy theo con số chúng tôi có được, số học sinh các năm biến động hàng trăm em (năm học 2015-2016 số học sinh là 1.496 em, năm học 2016-2017 tăng lên là 1.513 em) nhưng số tiền các giáo viên nhận thời điểm đó vẫn chỉ 34.000 đồng/tiết? Điều này phải giải thích thế nào?

Điều này do cách tính của nhà trường. Cái quan trọng nữa là cách tính đã được công khai, có sự thống nhất trong nhà trường và được thông qua hội nghị công nhân viên chức vào đầu năm. Nhà trường cũng phải quyết toán công khai việc thu chi trong hội đồng nhà trường.

Hàng năm UBND Quận cũng có văn bản chấp nhận các khoản thu theo Quyết định 51/2013/ QĐ- UBND của Thành phố Hà Nội về việc thu, sử dụng các khoản thu khác trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập. Sau đó, nhà trường sẽ thực hiện các khoản thu được quy định tại văn bản này dựa trên quy chế chi tiêu nội bộ. Một khi quy chế này đã được công khai, minh bạch và đã được công bố thì không có vấn đề gì nữa.

Do nội bộ nhà trường quyết định

+ Một số giáo viên cho biết, ở văn bản số 296 do Sở GD&ĐT ban hành ban hành ngày 15/1/2007 đã có quy định cách tính rõ ràng. Theo đó, chỉ cần lấy tổng thu của 60% được phép chi cho giáo viên, chia cho số tiết dạy sẽ ra số tiền. Theo ông, công thức riêng của Hiệu trưởng có vi phạm văn bản 296 của Sở GD&ĐT?

Việc văn bản 296 đã có quy định cách tính nhưng mỗi trường được phép có cách tính riêng sao cho phù hợp với trường mình. Do đó, nhà trường căn cứ vào tình hình thực tế để xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ, thông qua liên tịch, thông qua hội nghị viên chức của nhà trường, được sự đồng ý của tất cả các giáo viên trong nhà trường thì được phép thực hiện.

Vì thế, nếu cách tính có khác đi so với văn bản 296 nhưng đã được thông qua quy chế chi tiêu nội bộ nghĩa là đã được toàn trường thống nhất. Và đồng thời theo tôi được biết, vừa rồi nhà trường đã có cuộc họp công khai các văn bản thu chi và được các cán bộ giáo viên kí tên đồng ý.


Đơn trình bày gửi báo Dân trí của một số giáo viên Trường tiểu học Hoàng Hoa Thám.

Đơn trình bày gửi báo Dân trí của một số giáo viên Trường tiểu học Hoàng Hoa Thám.

+ Theo Đơn trình bày gửi báo Dân trí, một số giáo viên cho biết, nếu nhà trường không sai, tại sao lại có việc tăng tiền dạy 2 buổi/ngày từ 34.000 đồng/tiết lên 52.000 đồng/tiết vào đầu tháng 11/2017? Điều này vô hình trung nhà trường đã thừa nhận sai sót?

Theo giải thích của Hiệu trưởng, do trước đó nhà trường có đưa vào danh sách trả tiền 2 buổi/ngày cho các đối tượng là Giáo viên thư viện, Tổng phụ trách, giáo viên CNTT. Sau khi có kiến nghị, nhà trường muốn tăng thu nhập cho giáo viên nên đưa các đối tượng này ra ngoài và thay vào biên chế nên số tiền chia cho anh em không những 60% mà tăng lên 71,5%.

Việc tăng tiền trên đây cũng được họp toàn trường và thông qua quy chế chi tiêu nội bộ, được các cán bộ giáo viên thông qua. Như vậy điều này là do nội bộ nhà trường quyết định.

+ Vậy theo ông, tại sao việc nhà trường tăng thu nhập chỉ được thực hiện ngay sau khi có kiến nghị của các giáo viên chứ không phải một thời điểm nào khác?

Tôi nghĩ có thể việc tăng lương bị rơi vào thời điểm nhạy cảm. Và điều này do chính nhà trường quyết định.

+ Nhiều giáo viên cho biết, họ chưa bao giờ được biết về cách tính của nhà trường như thế nào. Vậy trong thời gian tới, đoàn làm việc có sự tham gia của Phòng Giáo dục quận, vấn đề này có được đưa ra để lấy ý kiến của giáo viên không, thưa ông?

Tôi nghĩ mọi thứ đã được ghi lại tại biên bản các cuộc họp. Một số giáo viên có thể do chưa hiểu hết các văn bản và các hoạt động tài chính trong nhà trường phải thông qua quy chế chi tiêu nội bộ. Một khi các giáo viên đã đồng ý, quy chế đã ban hành, nhà trường cứ căn cứ vào đó để làm.

Hiện tại nhà trường đã có báo cáo.UBND quận đã giao cho Phòng Giáo dục, Phòng Tài chính về làm việc cụ thể, trên cơ sở căn cứ vào chi tiêu nội bộ và theo văn bản chấp thuận của UBND quận về các khoản thu trong nhà trường về các khoản thu để chúng tôi làm căn cứ xử lý.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Mỹ Hà (thực hiện)