Vụ giáo sư bị tố “đạo văn” học trò: GS Tồn gửi đơn kiến nghị tới Thủ tướng

(Dân trí) - GS Nguyễn Đức Tồn người bị tố “đạo văn” học trò, đồng nghiệp… đã gửi đơn kiến nghị tới Thủ tướng mong có thẩm tra một cách trung thực vì không chỉ ảnh hưởng tới sinh mệnh chính trị và nhân phẩm công dân của cá nhân ông mà còn liên quan đến uy tín của cả ngành Ngôn ngữ học Việt Nam.


GS Nguyễn Đức Tồn

GS Nguyễn Đức Tồn

Trong đơn kiến nghị tới Thủ tướng, GS.TS Nguyễn Đức Tồn cho biết: “Hoàn toàn nhất trí với Công văn số 29 của Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước và cũng đang rất mong chờ cơ quan chức năng sẽ tiến hành thẩm tra vấn đề được một số báo đưa tin có liên quan đến tôi để xác định và kết luận rõ ràng tôi có "đạo văn" hay không”.

GS Tồn cho rằng, vấn đề báo chí đưa tin là hết sức hệ trọng, không chỉ liên quan đến sinh mạng khoa học, sinh mệnh chính trị và nhân phẩm công dân của cá nhân ông mà còn liên quan uy tín của cả ngành Ngôn ngữ học Việt Nam vì ông đã từng là Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học kiêm Tổng biên tập tạp chí Ngôn ngữ và hiện nay là đương kim Chủ tịch Hội đồng biên tập tạp chí Ngôn ngữ.

Mặt khác cũng liên quan đến uy tín, chất lượng hoạt động của Hội đồng CDGS các cấp năm 2009 (năm ông được xét phong học hàm giáo sư), do đó cần phải được tiến hành thẩm tra một cách cẩn trọng, theo đúng pháp luật.

GS Tồn kiến nghị, việc thành lập Ban thẩm tra phải bao gồm các thành viên có chuyên môn và đảm bảo sự công tâm, khách quan.

GS Tồn tố cáo GS Trần Ngọc Thêm

GS Tồn kiến nghị, không cử vào Ban thẩm tra những người đã trả lời phỏng vấn trên báo chí quy kết ông "đạo văn" (trong đó có hai người là thành viên của HĐCDGS ngành Ngôn ngữ học ở thời điểm hiện tại là ông Trần Ngọc Thêm và ông Phạm Hùng Việt) và những người mà ông đã và đang đấu tranh lên án những hành vi tiêu cực, có dấu hiệu phạm pháp của họ.

GS Tồn cho biết: "Trong HĐCDGS ngành Ngôn ngữ học hiện tại là ông Lý Toàn Thắng, ông Phạm Hùng Việt năm 2003 đã bị tôi tố cáo đạo văn cuốn Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên) khi làm đề tài khoa học; ông Nguyễn Văn Hiệp - đối tượng đang bị tôi trực diện đấu tranh vì các hành vi tiêu cực tại Viện Ngôn ngữ học và đang được các cơ quan chức năng điều tra xem xét; ông Trần Ngọc Thêm đang là đối tượng được tôi kiến nghị trong phiên họp rút kinh nghiệm đợt xét phong chức danh GS và PGS năm 2017 của Hội đồng CDGS Ngành tháng 12/2017; ông Thêm đã không còn nghiên cứu ngôn ngữ học hàng mấy chục năm nay mà vẫn ngồi Chủ tịch Hội đồng CDGS Ngành Ngôn ngữ học)”.

GS Tồn cũng đề nghị cần có các đại diện của Vụ Pháp lí và Thanh tra của Bộ GD&ĐT. Đồng thời, cho phép luật sư của ông được tham dự quan sát quá trình thẩm tra để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho ông.

Đã bị tố cáo "đạo văn" nhiều lần?

GS Tồn cho biết, tài liệu thẩm tra cần phải đầy đủ và đảm bảo tính hợp pháp, trong đó có Hồ sơ đề nghị xét phong GS của ông năm 2009 hiện đang lưu tại Hội đồng CDGSNN phải được niêm phong, đảm bảo đúng hồ sơ gốc để chuyển cho Ban thẩm tra, không tùy tiện lấy bất cứ cuốn nào trên thị trường để thẩm định.

Thời gian và quy trình thẩm tra cần chặt chẽ, tránh sự dồn ép, vội vàng, cần phải đảm bảo thực hiện các công đoạn thẩm tra trung thực, đúng luật định để có kết luận chính xác, đúng người đúng tội, tránh gây oan sai” – GS Tồn nói

GS Tồn cho rằng, nếu cơ quan quản lí nhà nước có chủ trương thẩm tra tư cách khoa học và điều kiện phong học hàm của ông trong tình huống "một số phương tiện thông tin đại chúng có phản ánh việc "đạo văn" của ông thì đề nghị Cơ quan quản lí Nhà nước cần phải chỉ đạo xem xét tất cả các trường hợp tương tự khác cũng đã được thông tin đại chúng phản ánh đạo văn (chẳng hạn như trường hợp ông Trần Ngọc Thêm về các công trình: Cơ sở văn hóa Việt Nam Văn hóa người Việt vùng Tây Nam Bộ, để đảm bảo kỉ cương và sự bình đẳng của các công dân trước pháp luật.

Theo GS Tồn, việc có người bằng nhiều cách thức, kể cả viết thư nặc danh, hay thông qua phương tiện thông tin đại chúng,... tố cáo ông "đạo văn" đã xảy ra nhiều lần.

Cách đây hơn 10 năm, khi tôi đứng lên đấu tranh với những tiêu cực tại Viện Ngôn ngữ học thì tôi cũng đã chịu cảnh tương tự và đã được các cơ quan chức năng giải quyết, kết luận rõ ràng tôi không đạo văn của học trò mình hướng dẫn” – ông Tồn nói.

Bên cạnh đó, GS Tồn cũng đề nghị cơ quan chức năng điều tra người đã gửi mail đe dọa ông nếu không dừng đấu tranh sẽ bị tố cáo đạo văn như hiện nay.

Giáo sư ngôn ngữ học Nguyễn Đức Tồn, người được phong chức danh GS năm 2009, bị tố "đạo văn" từ chính các luận văn, luận án của học trò mà ông hướng dẫn.

Trước đó, trả lời trên báo VNN, GS Trần Ngọc Thêm, Chủ tịch Hội đồng Chức danh Giáo sư ngành Ngôn ngữ học khẳng định, việc ông Nguyễn Đức Tồn "đạo văn" của học trò là có thật.

Việc "đạo văn" đã khiến ông Tồn trải qua 7 năm hồ sơ xét giáo sư không được thông qua, tuy nhiên cuối cùng đến năm 2009 vẫn được thông qua vì tinh thần nhân văn và lòng vị tha.

Các ý kiến Hội đồng phát biểu đều nhận định rằng ông Tồn đã có lỗi và đã trả giá trong 7 năm qua, 2 lần hồ sơ không được thông qua; không nên bắt một người phải trả giá cho một sai lầm cũ suốt đời” – GS Thêm cho hay.

Cũng theo GS Thêm, vào năm trước đó (năm 2008), ông Tồn đã vừa mới được Viện KHXH Việt Nam bổ nhiệm làm Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học. Để bổ nhiệm, Viện KHXH chắc chắn cũng đã cân nhắc chuyện này.

Với tinh thần nhân đạo và nhân văn của truyền thống văn hóa Việt Nam, vì sự đoàn kết và phát triển chung của ngành, các thành viên Hội đồng đã đồng ý đưa ông Tồn vào danh sách bỏ phiếu kín. Kết quả là ông Tồn đã được thông qua với số phiếu 10/10.

Đến năm 2011, GS Nguyễn Đức Tồn với tư cách là Viện trưởng, Tổng biên tập tạp chí Ngôn ngữ (cùng hai vị nữa) được đề nghị bổ sung vào làm thành viên Hội đồng CDGS Ngành ngôn ngữ học.

Hồng Hạnh