Vụ Giáo dục Mầm non kiến nghị thu hồi sách in cờ Trung Quốc
(Dân trí) - Vụ Giáo dục Mầm non - Bộ GD-ĐT đang giao cho các chuyên viên của Vụ xem xét xem sách có phù hợp với lứa tuổi chuẩn bị vào lớp 1 hay không. Vụ đã kiến nghị thu hồi cuốn sách trên và không cho phát hành nữa.
Bà Ngô Thị Hợp - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non (Bộ GD-ĐT) cho biết như trên trong cuộc trao đổi với báo Dân trí liên quan đến việc cuốn sách “Phát triển toàn diện trí thông minh cho trẻ" dành cho các em nhỏ chuẩn bị vào lớp 1 có in cờ của Trung Quốc.
Trước việc NXB Dân trí cho phát hành cuốn sách dành cho trẻ chuẩn bị vào lớp 1 nhưng trong đó có trang in cờ Trung Quốc trên cổng trường, bà có ý kiến như thế nào về vấn đề này?
Bà Ngô Thị Hợp: Ngay sau khi biết được thông tin qua kênh báo chí, chúng tôi đã trao đổi với NXB Dân Trí và yêu cầu cung cấp đầu sách cũng như hợp đồng ký kết với bên nhập khẩu chương trình. Sau khi xem chúng tôi thấy, đây là cuốn sách dành cho lứa tuổi chuẩn bị bước vào lớp 1. Tuy nhiên có mấy vấn đề mà chúng tôi cảm thấy băn khoăn.
Một là trong lời giới thiệu có nói dựa theo chương trình giáo dục của Bộ GD-ĐT, nhưng lại không nói rõ Bộ GD-ĐT Trung Quốc hay Bộ GD-ĐT Việt Nam, chỗ này không minh bạch và cần phải được làm rõ.
Theo thông tin từ các chuyên viên của Vụ Giáo dục Mầm non, qua rà soát bước đầu thấy có nhiều nội dung của sách “Phát triển toàn diện trí thông minh cho trẻ" dành cho các em nhỏ chuẩn bị vào lớp 1 không phù hợp với trẻ chuẩn bị bước vào lớp 1. Nhiều lượng kiến thức quá khó, vượt khỏi chương trình khung của Bộ GD-ĐT Việt Nam.
Thứ hai, ở phần nhóm tác giả thì có ghi là của một số giáo sư đầu ngành và không biết là giáo sư đầu ngành của Trung Quốc hay của Việt Nam, tên tác giả thì cũng không có. Thứ ba, là có in cờ Trung Quốc ở trên cổng trường.
Về mặt nội dung, chúng tôi cũng đang giao cho các chuyên viên của Vụ Giáo dục Mầm non - Bộ GD-ĐT xem xét xem có phù hợp với lứa tuổi chuẩn bị vào lớp 1 hay không. Tuy nhiên với 3 vấn đề trên cũng đã nhận thấy sự không minh bạch và chúng tôi kiến nghị thu hồi cuốn sách trên và không cho phát hành nữa.
Vậy đối với chương trình giáo dục mầm non, sách như thế nào thì được Bộ GD-ĐT thẩm định về nội dung trước khi cho phát hành?
Bà Ngô Thị Hợp: Đối với giáo dục mầm non thì chỉ có một văn bản duy nhất là Chương trình Giáo dục Mầm non - được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT thẩm định và ban hành. Với Giáo dục Mầm non thì không có sách giáo khoa, chỉ có sách tham khảo phục vụ cho chương trình khung. Do chương trình khung rất mở nên các địa phương có thể vận dụng chương trình đó để xây dựng kế hoạch giáo dục để phù hợp ứng với từng vùng, miền.
Bà Ngô Thị Hợp - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non.
Còn đối với sách tham khảo thì Bộ GD-ĐT không có trách nhiệm thẩm định, trừ khi có những đơn vị làm sách tham khảo mời chuyên gia nào đó của Bộ GD-ĐT tham gia, tuy nhiên đó cũng chỉ là tư cách cá nhân.
Bà Ngô Thị Hợp cho biếtđối với sách tham khảo thì Bộ GD-ĐT không có trách nhiệm thẩm định, trừ khi có những đơn vị làm sách tham khảo mời chuyên gia nào đó của Bộ GD-ĐT tham gia, tuy nhiên đó cũng chỉ là tư cách cá nhân.
Vậy chúng ta có nên đưa ra quy định, dù là đầu sách tham khảo thì cũng cần phải qua sự thẩm định của Bộ GD-ĐT về nội dung và chương trình?
Bà Ngô Thị Hợp: Tôi nghĩ tất cả các đầu sách đều được kiểm duyệt rất là chặt chẽ kể cả nội dung và kiến thức. Ngay cả khâu thực hiện phát hành cũng được kiểm soát chặt chẽ rồi.
Chính vì thế theo tôi, những đơn vị làm sách tham khảo cần có đội ngũ, chuyên gia sâu về các lĩnh vực đó để kiểm duyệt chặt chẽ về mặt nội dung trước khi phát hành thì mới đảm bảo chất lượng của sách, để làm sao những cuốn sách đó đến người sử dụng thực sự mang ý nghĩa giáo dục. Đặc biệt là những cuốn sách dành cho phụ huynh và trẻ em ở lứa tuổi mầm non.
Trong sách “Phát triển toàn diện trí thông minh cho trẻ" dành cho các em nhỏ chuẩn bị vào lớp 1, ở trang 5 có phần "Lời giới thiệu": "Nối tiếp giai đoạn mầm non là vấn đề khó khăn đối với cả cha mẹ và con trẻ. Bộ sách Chuẩn bị toàn diện cho trẻ bước vào lớp 1 là bộ sách giới thiệu các kiến thức trên nhiều phương diện cần thiết cho trẻ bước vào giai đoạn tiểu học [...]. Cuốn sách được biên tập dựa trên chương trình giáo dục mầm non của Bộ GD-ÐT cùng với những vấn đề trẻ gặp phải trong cuộc sống hằng ngày [...]".
Theo bà Ngô Thị Hợp - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non (Bộ GD-ĐT), lời giới thiệu này quá "nhập nhèm" khiến dư luận hiểu nhầm.
Vậy đối với chương trình sách nhập khẩu thì như thế nào?
Bà Ngô Thị Hợp: Theo Luật thì chúng ta không cấm việc nhập khẩu chương trình giáo dục từ nước khác vào. Tuy nhiên để cho những cuốn sách nhập khẩu đó phù hợp truyền thống văn hóa, giáo dục… của chúng ta thì nơi tiếp nhận phát hành bắt buộc phải xem xét kỹ lưỡng nội dụng để chỉnh sửa phù hợp với nền giáo dục nước nhà.
Quay lại với cuốn sách của NXB Dân trí, họ cho rằng vì tôn trọng bản quyền nên không được phép thay đổi nên dẫn đến sự sai sót trên?
Bà Ngô Thị Hợp: Đã gọi là bản quyền thì cần phải tuân thủ. Tuy nhiên, trong hợp đồng mà NXB Dân trí cung cấp cho chúng tôi, trong đó có điều khoản cho phép mình chỉnh sửa nội dung cho nó phù hợp với yêu cầu của nơi phát hành sách. Do đó, việc cho rằng vì tôn trọng bản quyền mà lại phát hành sách cho học sinh chuẩn bị vào lớp 1 có in cờ Trung Quốc ngay trên cổng ngôi trường là không chấp nhận được.
Qua đây tôi cũng mong muốn, khi các đơn vị nhập khẩu chương trình giáo dục nước ngoài cần phải đưa ra những điều khoản để đảm bảo được việc biện soạn lại phù hợp với chương trình giáo dục của chúng ta.
Tất cả các đầu sách trước khi xuất bản đều phải thông qua Cục Xuất bản của Bộ Thông tin và Truyền thông. Mặc dù đã qua các khâu kiểm duyệt được cho là chặt chẽ nhưng vẫn “lọt sạn", bà có kiến nghị gì về vấn đề này?
Chúng tôi đang nghiên cứu nội dung cuốn sách này và sẽ báo cáo lãnh đạo Bộ GD-ĐT để có ý kiến chỉ đạo cuối cùng. Đối với cá nhân tôi thì mong rằng Cục xuất bản cần phải kiểm soát chặt chẽ, thậm chí là thẩm định nội dung trước khi cấp phép. Việc làm này đảm bảo khi sách được phát hành sẽ không có những sai sót đáng tiếc như báo chí phản ánh vừa qua.