Hà Nội:

Vụ côn trùng trong bữa sáng ở trường tư: Huyện Thanh Oai yêu cầu báo cáo

Hoàng Hồng

(Dân trí) - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Oai cho biết đang yêu cầu nhà trường khẩn trương báo cáo về thông tin có côn trùng giống như gián trong đĩa mì ăn sáng của học sinh tiểu học.

Sáng 20/8, mạng xã hội chia sẻ rầm rộ thông tin có gián trong bữa ăn sáng của học sinh tại một trường tư thục có tiếng ở khu đô thị Thanh Hà, huyện Thanh Oai, Hà Nội.

Theo nội dung lan truyền, phụ huynh đã lên nhóm lớp trao đổi về việc con phát hiện có ong trong đĩa mì Ý. Bạn cùng lớp đã dùng đồng hồ thông minh chụp lại hình ảnh.

Phụ huynh xem hình ảnh con chụp, xác định đây là gián chứ không phải ong. Tuy nhiên, con kể rằng cô giáo nói đó là ong chứ không phải gián. 

Trả lời phóng viên Dân trí, ông Lê Thanh Quân - hiệu trưởng nhà trường - khẳng định: "Việc này là không chính xác".

Sự việc "gián trong đĩa mì" sau đó đã được ban đại diện cha mẹ học sinh trường tiếp nhận và gửi câu hỏi lên lãnh đạo trường đề nghị xác minh. Điều phụ huynh lo lắng không phải ong hay gián mà là vấn đề an toàn thực phẩm trong nhà trường.

Bởi trước đó, theo phản ánh của một số phụ huynh, bữa ăn bán trú tại trường còn xảy ra việc có dòi trong thanh long và sữa đậu nành bị chua.

Vụ côn trùng trong bữa sáng ở trường tư: Huyện Thanh Oai yêu cầu báo cáo - 1

Phụ huynh Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, TPHCM, tham gia giám sát bếp ăn của trường (Ảnh minh họa : N.D).

Trả lời ban phụ huynh trường, nhà trường đã thông tin như sau: "Nhà bếp luôn có khoảng hơn 20 người phục vụ, dọn dẹp liên tục, cuối buổi ăn đều được tổng vệ sinh sạch sẽ.

Sự việc trên thầy Quân đã kiểm tra lại với bếp và bán trú, không có gián nào vào được bún vì được bảo quản 2 lớp (tủ và bọc giấy bóng bảo quản thức ăn đậy kín) và khi lấy bún thì luôn có nhân viên túc trực lấy cho các con đảm bảo sạch sẽ vệ sinh, do đó xác suất có gián trong đó là gần như không xảy ra".

Nhà trường cũng trả lời về vụ thanh long và sữa đậu nành. Theo đó, thanh long tươi ngon khi vào bếp nhưng có một quả bề mặt tươi mà bên trong sâu nên không phát hiện ra. Sau vụ việc, ban giám hiệu đã yêu cầu thay thanh long bằng chuối hoặc sữa chua.

Về sữa đậu nành có mùi chua, nhà trường giải thích rằng sữa đậu nành được nhà bếp chế biến từ hạt đậu nành tươi, do đó có thể có con không thích mùi vị. Nhà trường đã yêu cầu bếp chuyển sang loại sữa tươi đóng hộp sẵn để phù hợp cho tất cả học sinh.

Ông Đoàn Việt Dũng - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Oai - cho phóng viên Dân trí biết, Phòng đã yêu cầu nhà trường khẩn trương báo cáo về sự việc nêu trên.

Liên quan tới vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm tại trường học trên địa bàn Hà Nội, ngày 28/3 vừa qua, khoảng 50 học sinh đa phần thuộc khối 2 Trường Tiểu học Kim Giang đã bị ngộ độc thực phẩm sau khi đi tham quan trải nghiệm.

Đồ ăn trưa của học sinh được nấu tại trường và vận chuyển đến địa điểm trải nghiệm. Cơ quan chức năng đã yêu cầu đóng cửa bếp ăn nhà trường để làm nguyên nhân và những vi phạm.

Vụ côn trùng trong bữa sáng ở trường tư: Huyện Thanh Oai yêu cầu báo cáo - 2

Học sinh Trường THCS Lạc Hồng, TPHCM, trong bữa ăn bán trú (Ảnh minh họa: Hoài Nam).

Theo số liệu từ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, toàn thành phố có gần 4.400 bếp ăn tập thể trường học.

Sở Y tế Hà Nội đã xây dựng mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể của 215 trường tiểu học thuộc 10 quận, huyện của Hà Nội với mục tiêu 100% bếp ăn được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Lãnh đạo nhà trường, người chế biến, người kinh doanh, người nấu ăn tại các trường tiểu học áp dụng mô hình này được bồi dưỡng kiến thức về an toàn thực phẩm để đảm bảo quy trình vận hành.

Các bếp ăn trường học phải niêm yết công khai địa chỉ nhập nguyên liệu tại bảng tin nhà trường để thuận tiện cho việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm đưa vào bếp.

Nguyên liệu thực phẩm đầu vào phải có hồ sơ giao nhận, biên bản ký giao nhận, có sự tham gia của ban đại diện cha mẹ học sinh để học sinh có bữa ăn an toàn, dinh dưỡng và chủ động phòng, chống ngộ độc thực phẩm.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm