Vụ giáo viên bị học sinh ném dép ở Tuyên Quang (kỳ 2)
Hiệu trưởng nói cô giáo bị ném dép tự có nghiệp vụ xử lý
(Dân trí) - Theo hiệu trưởng nhà trường, khi xảy ra sự việc, cô giáo cầm điện thoại trên tay nhưng không gọi ai ứng cứu. Tuy nhiên, cô giáo cho rằng lời hiệu trưởng nói chưa chính xác.
Vụ việc cô giáo P.T.H., giáo viên âm nhạc Trường THCS Văn Phú, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang, bị học sinh ném dép, lăng mạ tại trường nhưng không ai can thiệp giúp đỡ đang khiến dư luận rất bất bình.
Phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi nhanh với ông Phan Duy Sáng, Hiệu trưởng nhà trường về vụ việc.
Nội dung cuộc trao đổi như sau:
Cô H. cho biết, việc giáo viên này bị học sinh ném dép vào người và lăng mạ xảy ra nhiều lần, vì sao nhà trường vẫn để cho tình trạng này tiếp diễn?
- Đó là cung cấp của cô H. với báo chí.
Khi học sinh quây, dồn cô H. vào góc phòng ngày 29/11, nhà trường có biết không và đã làm gì để bảo vệ cô?
- Công an đang điều tra làm rõ sự việc. Mọi người xem video có thể thấy, nếu cô báo nhà trường sẽ can thiệp.
Nhưng cô giáo đang bị nhiều học sinh đồng loạt quây đánh, lăng mạ, không thể thoát ra để báo cáo?
- Cô H. vẫn cầm điện thoại để quay lại sự việc cơ mà. Cô có nghiệp vụ và kỹ năng xử lý, tại sao cô không làm vậy?
Cô H. cho rằng, sự việc xảy ra nhiều lần. Trước đây cô đã báo cáo nhưng không được nhà trường can thiệp nên lần này cô chọn cách im lặng chịu đựng. Ông nói sao về điều này?
(Hiệu trưởng giữ im lặng trước câu hỏi này).
Cũng theo cô H., do bức xúc vì bị học sinh bạo hành cả về thể xác lẫn tinh thần, cô từng xin nghỉ việc có đúng không, thưa ông?
- Chưa bao giờ có chuyện đó. Cô H. chưa bao giờ nộp đơn xin nghỉ việc lên hiệu trưởng.
Được biết ông Sáng về làm việc tại ngôi trường này từ năm 2016. Sau đoạn đối thoại trên đây với phóng viên Dân trí, ông Sáng cho biết mình muốn nghỉ ngơi và từ chối trò chuyện.
Sáng 7/12, ông Giang Tuấn Anh, Chủ tịch UBND huyện Sơn Dương, Tuyên Quang, cho biết đã tạm đình chỉ công tác của Hiệu trưởng Trường THCS Văn Phú.
Việc tạm đình chỉ nhằm phục vụ công tác xác minh, làm rõ sự việc liên quan đến nội dung công tác quản lý giáo viên, học sinh của nhà trường.
Trước đó, ngày 29/11, lúc 10h30, tiết 3 môn âm nhạc của lớp 7C, cô giáo P.T.H. nhắc nhở một số học sinh chưa chịu vào lớp thì bị các em phản ứng.
Khi tiết học bắt đầu, một số học sinh xin ra ngoài nhưng cô H. không đồng ý. Một số học sinh đã chống đối cô giáo ngay tại lớp.
Chưa dừng lại ở đó, sau giờ dạy tiết 3 của lớp 7C, cô H. sang dạy tiết 4 của lớp 6A, một số học sinh lớp 7C sang lớp 6A ném dép, lăng mạ cô giáo, quay video và đăng lên mạng xã hội.
Trao đổi thêm với phóng viên Dân trí về việc Hiệu trưởng cho rằng cô giáo phải tự có nghiệp vụ, kỹ năng xử lý khi bị học sinh bạo hành, cô H. cho biết lãnh đạo nhà trường nói chưa chính xác.
Cụ thể theo cô H., giáo viên này bị học sinh bạo hành đã xảy ra vài tháng nay. Sự việc được cô ghi lại ở một số clip khác ngoài clip bị tung lên mạng tối 29/11.
Đã nhiều lần cô báo cáo sự việc lên Ban giám hiệu nhà trường, một số em chưa ngoan cũng được ghi vào sổ đầu bài, nhưng nhà trường chỉ phạt các em tưới nước cho hoa, dọn nhà vệ sinh nên không đủ sức răn đe.
Mới đây nhất là sự việc xảy ra ngày 29/11, khi học sinh "quây" cô ở lớp 7C, bảo vệ đã báo cáo lên nhà trường nhưng không ai can thiệp dẫn đến cô tiếp tục bị học sinh ném dép, lăng mạ ở lớp 6A.
"Ngay sau buổi học đó, mặc dù rất khó thở và mệt mỏi, tôi cố nán lại gặp Hiệu trưởng báo cáo sự việc nhưng chỉ nhận được cái gật đầu, nói: "Tôi đã nắm được rồi".
Nếu nhà trường vào cuộc xử lý sớm, áp dụng các biện pháp kỷ luật mạnh mẽ hơn, sẽ không có vụ việc học sinh quây tôi vào góc lớp để lăng mạ và ném dép như ngày 29/11 vừa qua", cô H. khẳng định.