Vụ bé 5 tuổi bị xâm hại và giết: Nỗi ám ảnh mang tên "người thân"
(Dân trí) - Đã có vô vàn các cháu nhỏ bị người thân thiết trong gia đình xâm hại nhưng khi mách, bố mẹ không tin con. Khi hậu quả nghiêm trọng xảy ra, gia đình biết thì quá muộn.
Phụ huynh và trẻ em đều dễ tin người thân
Vụ việc bé gái 5 tuổi ở Vũng Tàu bị hàng xóm xâm hại và giết chết làm nhiều người phẫn nộ.
Theo TS tâm lý Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, tỉ lệ trẻ bị người thân xâm hại luôn cao.
Thứ nhất, do trẻ dễ dàng tiếp xúc với người quen thân nhiều hơn người lạ. Bố mẹ tin tưởng giao con cho người thân hơn người chưa quen biết.
"Nhìn vào nhóm các mẹ trẻ, chắc chắn chúng ta đọc được hàng loạt bài chia sẻ, ông bà ngoại, ông bà nội trông con cho các bố mẹ vì các mẹ tin tưởng họ sẽ luôn yêu thương và chăm sóc lũ trẻ.
Sự tin tưởng này luôn hiện hữu từ trước khi con ra đời. Do vậy, việc các mẹ giao con cho người thân thiết hết sức bình thường", TS Vũ Thu Hương cho hay.
Cũng theo chuyên gia này, các gia đình giao trẻ cho ông bà nội ngoại có thể dễ hiểu nhưng giao cho hàng xóm hoặc họ hàng xa lơ xa lắc, quả thật rất không an toàn.
Cha mẹ đừng ỉ vào sự quen biết, thân thiết với những người khác mà giao con. Đó là mối nguy hiểm tiềm tàng.
Thứ hai, nhiều gia đình không cho con đi học vì nhà có người giữ trẻ. Họ nghi kị, soi xét cô giáo thật lực nhưng lại hết sức chủ quan với những người trong gia đình.
Con ăn không được cũng ý kiến cô giáo, con khóc nhẹ cũng trách cô, thậm chí cô dạy học mà chưa kịp để ý đến con thì cũng soi.
Thế nhưng, những người thân thiết trong gia đình hoặc quen biết lâu năm có làm gì con mình, cha mẹ không mấy quan tâm.
"Có rất nhiều mẹ than thở với tôi về việc con bị chó cắn, bị ngã, bị bầm tím,..... khi ở nhà với người thân. Nhưng sau đó, vụ việc qua đi, gia đình lại vẫn được giao cho chính những người đó chăm nom chứ không phải là đi lớp", chuyên gia này chia sẻ.
Thứ 3, nhiều gia đình không tin con mình bị người thân xâm hại. Đã có vô vàn các cháu nhỏ bị người thân thiết trong gia đình xâm hại nhưng khi mách mẹ, mẹ không tin con. Vì thế, con bị xâm hại rất nhiều lần, đến mức xảy ra hậu quả nghiêm trọng, sự việc mới lộ ra và xử lý.
"Tôi cho rằng không hẳn là cha mẹ không tin con. Vấn đề ở chỗ, nếu sự thật đúng như lời con nói, cha mẹ sẽ đối diện với sự thật vô cùng tàn khốc nên họ tìm cách coi như chuyện đó không xảy ra.
Đặc biệt có thực tế, cha mẹ thường dạy con phải thể hiện tình cảm với người thân. Nếu thể hiện tình cảm không có khoảng cách, nguy hiểm rình rập con là đương nhiên.
Do đó quan điểm của tôi, không nên cho con quá gần gũi với người thân khiến con có nguy cơ bị xâm hại", TS Vũ Thu Hương nói.
Khoảng 98% người xâm hại trẻ do có quen biết
PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa các khoa học Giáo dục (Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội) cũng cho biết, ông bàng hoàng và sốc về vụ việc bé gái 5 tuổi ở Vũng Tàu bị hàng xóm xâm hại và giết chết.
Theo một số nghiên cứu, trẻ em từ 3-8 tuổi có nguy cơ bị xâm hại nhiều nhất, trong đó, 98% do người có quen biết.
Nguyên nhân các gia đình tập trung cho cuộc sống nhiều quá nên lãng quên nguyên tắc an toàn của trẻ em.
Đặc biệt, có thể trẻ đã từng kể về việc mất an toàn nhưng cha mẹ bỏ qua dấu hiệu nguy cơ con từng nói trước đó, khi xảy ra thì đã quá muộn.
"Có người đặt câu hỏi với tôi, có phải hiện nay nhiều gia đình sai lầm trong cách dạy con. Họ dạy trẻ phải thân thiện, gần gũi với mọi người nhưng không biết, đấy có thể là một trong những hiểm họa?
Những hành vi này có thể bao gồm: Quan tâm quá mức; Tặng đồ chơi hay tiền; Âu yếm quá mức; Yêu cầu được ở một mình với trẻ; Tới thăm trẻ mà không có sự giám sát...
Tôi cho rằng, chính vì gia đình bỏ qua những dấu hiệu trên nên khi xảy ra sự việc đau lòng mới tá hỏa", TS Trần Thành Nam cho hay.
* Mọi ý kiến đóng góp về giáo dục - đào tạo, độc giả gửi tin, bài về hộp thư: giaoduc@dantri.com.vn. Trân trọng cám ơn!