Vừ A Ký - Đảng viên trẻ nghị lực, năng động
27 tuổi, đảm nhận cương vị Chủ tịch UBND xã Trung Thu (huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên), với đảng viên trẻ Vừ A Ký quả là một niềm vinh dự lớn nhưng cũng là một thử thách lớn. Thế nhưng, anh đã rèn luyện, phấn đấu được đồng bào dân tộc Mông ở Trung Thu tin yêu.
Tốt nghiệp Trường trung cấp Nông nghiệp tỉnh Điện Biên, Vừ A Ký về nhận công tác tại Phòng Văn hoá - Thông tin huyện Tủa Chùa. Nhận thấy ở Vừ A Ký sự hăng hái, nhiệt tình trong công tác, am hiểu thực tiễn địa phương, cùng với kiến thức nông nghiệp đã học, UBND huyện Tủa Chùa đã luân chuyển và bổ nhiệm Vừ A Ký giữ chức Chủ tịch UBND xã Trung Thu. Với Vừ A Ký, đây là một niềm vinh dự lớn nhưng đồng thời cũng là những khó khăn, thách thức.
Đảng viên Vừ A Ký.
Với nghị lực, khát vọng cống hiến của tuổi trẻ, không chùn bước trước khó khăn, Vừ A Ký cùng tập thể Đảng ủy và UBND xã lãnh đạo nhân dân phát triển kinh tế - xã hội, từng bước xóa đói, giảm nghèo. Là người con dân tộc Mông, sinh ra và lớn lên tại quê hương Trung Thu, anh thấu hiểu rõ cụm từ “nào châu, náng sú” (nghĩa là con người ai cũng cần ăn no, mặc ấm) khát vọng của đồng bào Mông quê anh từ bao đời nay.
Để từng bước xua đi cái đói, cái nghèo, tiến tới đủ ăn cho nhân dân, anh cùng cấp uỷ, chính quyền chủ động phối hợp với Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Trạm Khuyến nông huyện Tủa Chùa mở các lớp tập huấn và sử dụng giống lúa L838 có hiệu quả trên 50 ha ruộng ở cánh đồng Chếu Tính cho năng xuất vượt 15 tạ/ha so với giống lúa địa phương. Với giống ngô VN10 trồng trên diện tích nương hơn 600 ha, năng xuất vượt 4 tạ /ha so với giống ngô bản địa. Từ sử dụng giống lúa và ngô mới, bình quân lương thực của bà con nơi đây đã đạt 350kg/người/năm. Với Trung Thu, đó là một thành công lớn trên đường xoá đói giảm nghèo. Không chỉ dừng lại ở đó, để nhân dân có nguồn thu nhập, anh cùng cấp uỷ, chính quyền vận động nhân dân trồng 47 ha đậu tương hai vụ, 60 ha cây chủ thả cánh kiến; đồng thời tận dụng diện tích các bãi chăn thả tự nhiên để phát triển chăn nuôi trâu, bò, dê với số lượng trên hai ngàn con. Từ đó, đời sống nhân dân trong xã cơ bản được cải thiện, số hộ nghèo giảm còn 5-7% / năm.
Cùng với xoá đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế, Vừ A Ký tập trung chỉ đạo vào khâu đột phá thứ hai là bảo vệ rừng. Khi độ che phủ rừng ở các xã của huyện Tủa Chùa đạt tỷ lệ thấp do bà con phát rừng làm nương, rẫy thì tỷ lệ che phủ rừng của xã Trung thu vẫn đạt gần 50%. Vừ A Ký cho biết: Để đồng bào hiểu được tác dụng của độ che phủ rừng, trước hết tăng cường tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức cho đồng bào. Phát huy vai trò già bản, người có uy tín, trưởng các dòng họ làm gương để tuyên truyền giáo dục con cháu ý thức tự giác trồng và bảo vệ rừng. Đồng thời triển khai kế hoạch quản lý, bảo vệ, xây dựng và ký cam kết thực hiện quy ước bảo vệ rừng. Tiến hành kiện toàn ban chỉ đạo và các tổ đội phòng cháy, chữa cháy rừng ở 9 bản. Một khi người dân đã nhận thức rừng gắn chặt với lợi ích của mình thì các hộ gia đình sẽ tự giác, trách nhiệm cùng nhau bảo vệ.
Với cách làm như thế, nhiều năm liên tục, tài sản quý là 50 ha rừng thông của xã luôn được bảo vệ nguyên vẹn, xanh tốt. Điều anh tâm đắc rút ra trong việc chỉ đạo về công tác bảo vệ rừng là: Làm cho chủ hộ gia đình có ý thức thì mọi người trong gia đình làm theo. Khi mọi gia đình làm theo thì mọi người trong từng dòng họ sẽ tự giác thực hiện quy ước. Khi các dòng họ nghiêm chỉnh thực hiên quy ước thì xã sẽ làm tốt công tác bảo vệ rừng.
Đồng chí Giàng A Dơ, Bí thư Đảng uỷ xã Trung Thu khi nói về người đồng chí của mình đã khẳng định: Đồng chí Vừ A Ký luôn gương mẫu đi đầu, năng động, nghị lực, thực sự là điển hình tiên tiến trong "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", là người con yêu của đồng bào dân tộc Mông xã Trung Thu chúng tôi.
Theo Tạp chí Xây dựng Đảng