Vợ chồng bệnh binh nuôi 6 con đại học

(Dân trí) - "Thằng anh ra trường chưa được bao lâu, thằng em lại vào, chị đậu năm trước thì năm sau em có giấy trúng tuyển. Có thời điểm vợ chồng tôi nuôi 4 đứa ăn học đến cơ cực nhưng vì sự nghiệp trồng người nên chúng tôi không nản chí...".

Đó là lời tâm sự của vợ chồng ông Nguyễn Hữu Tuyên và bà Trần Thị Ngân (xóm Hòa Bình, xã Thanh Hòa huyện Thanh Chương, Nghệ An) khi kể về những đứa con "đại học" của mình.

Kỳ tích những đứa con "cử nhân"

Năm 1975, hai người lính cùng đơn vị kết hôn với nhau trong niềm vui thống nhất đất nước. Và sau gần 35 năm chung sống, hai vợ chồng ông Tuyên bà Ngân có với nhau 6 đứa con.

Năm 1996, con trai đầu của ông là Nguyễn Hữu Hà (SN 1977) đậu ĐH Sư phạm Vinh. Lúc đó, ở cái vùng đất này có người trở thành "ông cử" là như một kỳ tích của xóm làng, xã. "Vui là vậy nhưng lúc ấy cả hai vợ chồng tôi lại lo cho gia cảnh của mình, con đông, nhà nghèo, quanh năm chỉ bám vào 6 sào ruộng nên không biết lấy tiền đâu nuôi nó học đại học", bà Ngân nhớ lại.
 
Vợ chồng bệnh binh nuôi 6 con đại học - 1
Vợ chồng ông Tuyên rất tự hào khi cả 6 đứa con học đại học và trưởng thành.

Trong căn nhà tuềnh toàng, cũ nát của ông bà để lại, những người con của ông bà nối tiếp nhau vào giảng đường ĐH. Ông Tuyên kể: "Lúc ấy vợ chồng tôi chỉ biết làm để có thêm cái ăn chứ chuyện học của chúng giao cho người anh đầu chỉ bảo. Mặc dù khổ cực nhưng cả 4 đứa đều xoay quanh một chiếc bàn học mà quên cả ăn nên tui cũng được an ủi phần nào".

Biết hoàn cảnh gia đình khó khăn nên các con ông không bao giờ nghĩ đến chuyện đi học thêm. Có đủ thời gian học ở nhà cũng là một vấn đề nan giải. Những lúc nghỉ học, đứa thì giúp mẹ bán rau ở chợ, thằng thì về cuốc đất với cha.

Thế rồi, thằng anh sau 4 năm đèn sách cũng đến ngày tốt nghiệp, vợ chồng ông nghĩ sẽ đỡ phần nào nhưng rồi đứa kế tiếp Nguyễn Hữu Hải (SN 1982) trúng tuyển vào trường Cao đẳng Sự phạm kỷ thuật Vinh. Hai năm sau em gái Nguyễn Thị Phương theo bước hai người anh trước nhận giấy báo trúng tuyển trường CĐ Giao thông vận tải Đà Nẵng.

"Có thời điểm cơ cực nhất một lúc 4 đứa ở giảng đường đại học. Lúc ấy vì tương lai của các con nên chẳng nghĩ chi cả, giờ nghĩ lại thấy mình liều. Lúc đó cái ăn chưa đủ mà lại nuôi tới 4 đứa đi học...", ông Tuyên nghĩ lại.

Năm 2005 người con thứ 4 trở thành sinh viên ngành xây dựng (ĐH Vinh), một năm sau, cô con gái thứ 5 cũng đậu vào ngành này.

Khi 6 người con đều đến trường, đứa nhập học, đứa vào cấp III, đứa thi đại học, tiền sách vở, tiền học, tiền trường… làm cho vợ chồng ông quay như chong chóng, vừa lo được đứa này lại đến đứa khác. Dồn tiền cho con ăn học, nhiều lúc vợ chồng ông còn phải nhịn đói, đi vay tiền cho con nộp học. Thế nhưng, vợ chồng ông Tuyên đều có chung suy nghĩ: “Chỉ có học hành thì mới có thể thay đổi được cuộc sống nghèo, lạc hậu” nên vợ chồng ông chấp nhận gian nan vất vả mong có kết quả tốt sau này.

Hiện 4 người con đầu của ông Tuyên đều đã tốt nghiệp và công tác tại các cơ quan của nhà nước. Hiện em Nguyễn Thị Thế sinh viên K47 Xây dựng - Đại Học Vinh và cô em út Nguyễn Thị Lợi sinh viên năm 3 trường ĐH GTVT ở Hà Nội.

Cơm độn khoai... gian nan con đường đến trường

Để có được như ngày hôm nay, những đứa con hiếu học của vợ chồng ông Tuyên đã phải gian nan vượt qua những khó khăn trên con đường đi tìm cái chữ. "Những năm phổ thông, cứ đến mùa mưa lụt người cha của bọn em trở thành người chèo đò bất đắc dĩ. Nếu không có chiếc bè nứa tự tạo của cha chắc chúng em cũng phải giang dở chuyện học", em Nguyễn Thị Thế tâm sự.
 
Vợ chồng bệnh binh nuôi 6 con đại học - 2
Tranh thủ những lúc nhàn rỗi, em Thế về nhà giúp bố mẹ.

Sở dĩ có chuyện đó là vì năm 1976 cả ngôi làng Hòa Bình nằm bên cạnh con sông quanh năm lụt lội. Sau đó được chuyển sâu vào trong một ngọn đồi, bên một cái hói quanh năm cũng ngập nước. Cứ đến mùa mưa, nước ngập cả tháng trời, lúc đó ông Tuyên lên rừng lấy nứa kết thành cái bè rồi ngày ngày đưa con đi học, nghe trống đánh lại bỏ việc ra khe đưa con về.

Mặc dù khó khăn vất vả, cuộc sống thiếu thốn, nhiều tháng liền gia đình ông phải ăn độn thêm khoai thêm sắn, nuôi được con gà cũng bán dành dụm cho con ăn học. Vì vậy các con ông luôn ý thức được giá trị của việc học, trong những năm học phổ thông cả 6 người con ông Tuyên luôn là học sinh giỏi khiến người dân nơi đây tâm phục.

Bản thân ông Tuyên xuất ngũ trở về mang trong mình nhiều vết thương chiến tranh. Ông Tuyên hiện là bệnh binh mất sức 61%, phụ cấp hàng tháng không đủ mua một bao gạo nhưng với phẩm chất người lính, ông đã nuôi con khôn lớn trưởng thành.

Giờ đây ở tuổi 68, ông Tuyên có thể tự hào với bà con hàng xóm không phải vì giàu sang, cũng không phải nhà cao cửa rộng... Mà bởi những thành quả các con của ông thành đạt trên con đường học vấn.

"Thành quả mà gia đình chúng tôi có được là nhờ sự phấn đấu vượt mọi khó khăn của tất cả các thành viên trong gia đình. Giờ đây các con tôi thật sự trưởng thành. Hai đứa đang theo học những năm cuối rồi cũng sẽ ra trường và công tác, điều mà vợ chồng tôi mong mỏi nhất là chúng tiếp tục phát huy tinh thần hiếu học, ý chí tự vươn lên để góp công vào xây dựng quê hương", ông Tuyên chân thành nói.

Điền Bắc

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm