Vĩnh Phúc từ chối tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp ĐHQGHN?

( Dân trí) - Nhiều sinh viên có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Vĩnh Phúc tốt nghiệp trường ĐH Giáo dục và ĐH Ngoại ngữ (thuộc ĐHQGHN) tỏ vẻ bất bình trước việc Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc loại ra khỏi danh sách được phép nộp hồ sơ dự tuyển vào các trường trực thuộc Sở năm 2011.

Bức xúc vì bị đối xử thiếu công bằng

Tiếp xúc với phóng viên chiều ngày 25/8, nhiều sinh viên tốt nghiệp trường ĐH Giáo dục và ĐH Ngoại ngữ - thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) cho hay: “Mặc dù đã làm việc với Phòng tổ chức cán bộ của Sở, cũng như Ban giám đốc để tìm hiểu nguyên nhân vì sao lại có sự phân biệt “kì lạ” đến vậy nhưng Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc chỉ trả lời theo hình thức chung chung đó là do trường mới được thành lập, chất lượng đào tạo chưa được thẩm định nên không tuyển…”.
 
Vĩnh Phúc từ chối tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp ĐHQGHN? - 1

Nhiều sinh viên và phụ huynh nóng lòng đứng trước cửa phòng Tổ chức cán bộ Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc chiều ngày 25/8 bày tỏ bức xúc với phóng viên.
 
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngày 21/7/2011, Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc đã ban hành hướng dẫn tuyển dụng năm 2011. Trong hướng dẫn này nêu rõ: “Đối tượng tuyển là những người có bằng tốt nghiệp loại hình đào tạo chính quy cao đẳng sư phạm, ĐH Sư phạm và có bằng tốt nghiệp ĐH loại hình đào tạo chính quy ở các trường công lập phù hợp với môn học cần tuyển. Người có bằng tốt nghiệp ngoài ngành Sư phạm thì phải có chứng chỉ sư phạm, chứng chỉ học phần quản lý Nhà nước và quản lý ngành do các trường được Bộ GD-ĐT cho cấp phép”.
 

Theo lãnh đạo của trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQGHN lượng kiến thức đối giữa sinh viên của trường và ĐH Giáo dục là tương đương nhau. Trong khi năm cuối các em sinh viên ĐH Giáo dục học về nghiệp vụ sư phạm thì sinh viên của trường cũng bước vào giai đoạn làm luận văn , đồ án để bảo vệ tốt nghiệp.

Tuy nhiên trong phần đăng ký xét tuyển Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc lại đưa ra quy định khá “trái khoáy”. Cụ thể, các trường trực thuộc Sở chỉ tiếp nhận hồ sơ của các ứng viên có bằng tốt nghiệp chính quy ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Sư phạm Hà Nội 2, ĐH Sư phạm Thái Nguyên (ngành Sư phạm); ĐH Bách khoa, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Hà Nội (khoa tiếng Anh) và ĐH TDTT khoa chuyên ngành Giáo dục thể chất.

Còn đối với đăng ký xét tuyển vào các đơn vị thuộc Phòng GD-ĐT thì ngoài các đối tượng nêu trên còn được mở rộng sang các trường khác.

Như vậy chiếu theo văn bản này thì những sinh viên tốt nghiệp ĐH Giáo dục hay ĐH Ngoại ngữ (ĐHQGHN) chỉ được phép dự tuyển vào các trường mầm non, tiểu học hoặc THCS. Tuy nhiên điều “oái ăm” là ở chỗ, năm 2011 các phòng giáo dục không có chỉ tiêu cho các chuyên ngành đào tạo của hai trường nói trên. Chính vì thế dẫn đến sinh viên tốt nghiệp hai trường này không còn cơ hội để thực hiện giấc mơ làm giáo viên cho dù trong tay sở hữu tấm bằng khá, giỏi.

Ứng viên L.T.H, vừa tốt nghiệp trường ĐH Giáo dục bức xúc chia sẻ: “Không hiểu Sở GD-ĐT căn cứ trên tiêu chí nào để đánh giá chất lượng đào tạo giữa các trường. Nếu tính chất lượng đầu vào thì rõ ràng trường ĐH Giáo dục hay ĐH Ngoại Ngữ đều ổn định hơn so với ĐH Thái Nguyên. Bên cạnh đó chúng em cũng tốt nghiệp hệ Sự phạm hẳn hoi”.

Trước việc Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc “từ chối” tuyển dụng, nhiều sinh viên Trường ĐH Giáo dục đã “cầu cứu” lên Ban giám hiệu nhà trường. Bất bình trước cách cư xử của Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc, trong công văn số 400/ĐHGD-ĐT ngày 16/8/2011 gửi đơn vị này cùng Sở Nội vụ Vĩnh Phúc, GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc - hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục đã phải nhấn mạnh: “Việc sinh viên tốt nghiệp ĐH Giáo dục không thuộc đối tượng được đăng ký xét tuyển vào giáo viên tại tỉnh Vĩnh Phúc đang gây hoang mang, nguy cơ bất ổn không chỉ cho sinh viên có hộ khẩu tại tỉnh nhà đã tốt nghiệp nói riêng và còn đối với các sinh viên khác đang theo học tại Trường ĐH Giáo dục”.

GS.TS Mỹ Lộc cũng cho hay, trường ĐH Giáo dục - ĐH QGHN được thành lập trên cơ sở phát triển khoa Sư phạm ĐHQGHN, với nhiệm vụ đào tạo giáo viên chất lượng cao cho các bậc học, trước mắt là bậc THPT, cùng với nhiệm vụ đào tạo các nhà khoa học, nhà quản lý trong lĩnh vực giáo dục.

Trước động thái của ĐH Giáo dục, ngày 22/8 Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc đã phúc đáp trả lời những thiếu sự giải thích vì sao các ứng viên tốt nghiệp trường này không được phép nộp hồ sơ dự tuyển vào các trường trực thuộc Sở.

Nhằm “xoa dịu” vấn đề Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc cho biết: “Do điều kiện đội ngũ giáo viên THCS và THPT tỉnh Vĩnh Phúc không thiếu nhiều, nhất là cấp THCS hiện đang thừa giáo viên. Vì vậy, công tác tuyển dụng giáo viên năm 2011, ngành giáo dục Vĩnh Phúc chỉ lựa chọn tuyển ở một số ngành học, một số ngành không tuyển. Tuy nhiên, năm học 2011-2012 tỉnh Vĩnh Phúc có nhiều giáo viên đi học sau ĐH hoặc được nghỉ hưu, Sở GD-ĐT sẽ xem xét nhận một số sinh viên đã tốt nghiệp ở những môn học thiếu giáo viên để hợp đồng giảng dạy”.

Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc nói gì?

Trao đổi với Dân trí chiều ngày 25/8, giải thích về không đưa tên Trường ĐH Giáo dục, ĐH Ngoại ngữ vào danh sách được phép nộp hồ sơ dự tuyển vào khối các trường trực thuộc Sở, ông Hoàng Minh Quân, giám đốc Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc cho hay: “Việc không có tên hai trường ĐH Giáo dục và ĐH Sư phạm Ngoại ngữ (ĐHQGHN) trong danh mục nhận hồ sơ xét tuyển là do hai trường này mới, khung chương trình đào tạo chưa đáp ứng được so với yêu cầu của địa phương”.

“Khi trao đổi với lãnh đạo trường ĐH Giáo dục, bản thân tôi có nghe về chương trình đào tạo của trường này là 3 năm + 1 (3 năm đào tạo các môn khoa học cơ bản Toán, Lí, Hóa, Sinh, Ngữ Văn, Lịch Sử tại trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHKHTN) và ĐH Khoa học Xã hội Nhân văn (ĐHKHXH&NV) và 1 năm đào tạo phương pháp sư phạm). Chính vì thế trong quan điểm của tôi về nhận thức đào tạo giáo viên (3+1) như các thầy ở ĐH Giáo dục nêu ra chưa thật sự đảm bảo. Sau khi học mấy tháng chứng chỉ Sư phạm, như vậy là lượng kiến thức của ĐH KHXH&NV và ĐH KHTN nhiều hơn lượng kiến thức của các môn đó ở ĐH Giáo dục.

Về mặt kiến thức sư phạm ở ĐH Giáo dục, tôi cũng giao cho cấp dưới nghiên cứu nhưng chưa có đánh giá. Nhưng cứ coi như kiến thức sư phạm của Trường ĐH Giáo dục như các trường sư phạm khác, như vậy thời gian sẽ bị dồn nén một năm.

Như vậy, nếu so sánh về mặt kiến thức khoa học thì ở ĐH giáo dục về cảm nhận, số lượng, hình thức thì kiến các chuyên ngành đào tạo của ĐH Giáo dục sẽ thấp hơn ĐH KHXH&NV, ĐH KHTN. Về mặt giáo trình sư phạm và kiến thức sư phạm thì lại chưa đảm bảo so với các trường sư phạm truyền thống như ĐH Sư phạm Hà Nội, SP Hà Nội 2 hay SP Thái Nguyên.

Đối với ĐH Ngoại ngữ, trước đây việc tuyển vào các trường học trong tỉnh thì ĐH Sư phạm Ngoại ngữ và ĐH Ngoại ngữ (nay là ĐH Hà Nội) là bình đẳng như nhau. Theo quan điểm chung trước đây, về kĩ năng ngoại ngữ của ĐH Ngoại ngữ là tốt hơn, còn trường ĐH Sư phạm Ngoại ngữ có yếu tố là vừa đào tạo sư phạm và cử nhân” - ông Quân lý giải.
 
Vĩnh Phúc từ chối tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp ĐHQGHN? - 2

"Việc “bỏ qua” hai trường ĐH Giáo dục và ĐH Ngoại ngữ có ý phân biệt. Trong chỉ tiêu tuyển năm nay Sở có ý chọn các trường sư phạm truyền thống, lâu đời" - giám đốc Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc Hoàng Minh Quân.

Cũng theo ông Quân thì năm nay số lượng tuyển giáo viên của tỉnh Vĩnh Phúc không nhiều. Số lượng giáo viên THCS tính tổng thể trên toàn tình đang thừa khoảng hơn 400. Đối giáo viên tiểu học và THPT thì có thiếu những cũng ít.

Giám đốc Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc chia sẻ: “Do điều kiện như thế nên đối tượng vào trường nào thì chúng tôi đã có trao đổi với anh em trong Hội đồng để có sự lựa chọn dựa trên thông tin, điều kiện thực tế các trường đại học, theo thực tế việc giảng dạy ở các trường đại học hiện đại. Do vậy, chúng tôi có lựa chọn từng đối tượng để tuyển chỉ tiêu theo từng trường. Trong chỉ tiêu tuyển năm nay, Sở có ý chọn các trường sư phạm truyền thống, lâu đời. Ngoài ra, sẽ chọn thêm các trường tốp cao như ĐH Bách khoa, ĐH KHXH&NV, ĐH KHTN”

Trước câu hỏi của chúng tôi là vì sao các trường đào tạo các ngành Sư phạm đều thực hiện theo khung chương chương trình đào tạo của Bộ GD-ĐT nhưng khi ra trường đi xin việc lại có sự phân biệt? “Đây là quan điểm của tôi, cũng có thể chưa đúng, nhưng do chúng tôi hiểu như thế” - ông Quân biện bạch.

Ông Quân cũng cho biết, hiện nay văn bản hướng dẫn tuyển dụng đã ban hành nên việc xét tuyển hay không thì Sở GD-ĐT không quyết định được, mà phải thống nhất với Sở nội vụ báo cáo UBND tỉnh để UBND tỉnh cho chủ trương. Nếu UBND tỉnh đồng ý cho bổ sung đối tượng thì hồ sơ đó được xét bình thường, nếu tỉnh không cho thì Sở xem xét những môn còn thiếu để cho vào dạy hợp đồng với Sở và được hưởng chế độ như giáo viên biên chế.

Như vậy, các sinh viên tốt nghiệp trường ĐH Giáo dục hay ĐH Ngoại ngữ (ĐHQGHN) vẫn phải chờ đợi các ban ngành liên quan của tỉnh Vĩnh Phúc “ngồi lại” với nhau để đưa ra quyết định cuối cùng. Tuy nhiên với việc lãnh đạo Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc đánh giá cảm quan định tính để loại bớt chính con em họ tham dự cuộc đua xét tuyển giáo viên sẽ khiến dư luận đặt ra câu hỏi: Cách tuyển chọn này có thực sự minh bạch và liệu ngành giáo dục Vĩnh Phúc có lựa chọn được những giáo viên ưu tú và tâm huyết với nghề?
 

Băn khoăn nhưng vẫn nhận!

Theo ông Nguyễn Quang Bằng, Trưởng phòng tổ chức cán bộ Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc, mục đích của việc đưa ra các quy định tuyển dụng như trên là nhằm mục đích chọn được giáo viên chất lượng. Năm nay các trường trực thuộc Sở được phép tuyển 238 chỉ tiêu, trong đó Sở đứng ra trực tiếp tuyển 210 chỉ tiêu còn 28 chỉ tiêu còn lại giao cho một số trường tự tuyển.

Cũng theo ông Bằng, nhiều sinh viên Trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên có bằng tốt nghiệp loại giỏi đã nộp hồ sơ xét tuyển. Tuy nhiên khi chúng tôi đặt ra câu hỏi: “Ông nghĩ gì khi một thí sinh dự thi đầu vào có điểm rất thấp nhưng ra trường lại tốt nghiệp loại giỏi?”

“Bản thân tôi rất băn khoăn nhưng vẫn phải nhận vì căn cứ vào hồ sơ các em đủ điều kiện”  - ông Bằng thẳng thắn trả lời.

Ông Bằng cũng cho biết thêm, nếu lãnh đạo Sở Nội vụ và Sở GD-ĐT đồng ý bổ sung đối tượng là sinh viên trường ĐH Giáo dục, ĐH Ngoại ngữ được phép tham gia xét tuyển như sinh viên các trường khác thì thời gian nộp hồ sơ xét tuyển vẫn đảm bảo bởi Sở tiến hành nhận hồ sơ cả thứ 7 và chủ nhật.

 
Nguyễn Hùng