Việt Nam với những đặc trưng mong muốn ở công dân học tập
(Dân trí) - GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam đã có bài viết phân tích khoa học về “Công dân học tập” rất sâu sắc. Dân trí xin giới thiệu phần 2 của bài viết này.
Trên cơ sở các báo cáo khoa học tại các Hội thảo quốc gia về “Xây dựng xã hội học tập - từ tầm nhìn đến hành động” diễn ra trong những năm 2013, 2014 và 2015 cũng như một số nghiên cứu của những chuyên gia giúp việc cho Ban Chỉ đạo Quốc gia về xã hội học tập, ta có thể khái quát những đặc trưng mong muốn về năng lực và phẩm chất của công dân học tập Việt Nam những năm 2016 - 2020 và trong tầm nhìn 2030.
Cụ thể: Năng lực định hướng việc học và ý thức cam kết học tập suốt đời; Năng lực sử dụng công nghệ thông tin một cách hiệu quả trong học tập và làm việc; Hiểu biết về quyền và nghĩa vụ công dân; Lối sống lành mạnh, an toàn và thân thiện với môi trường; Tư duy phê phán, sáng tạo, suy luận và năng lực giải quyết các vấn đề đặt ra.
Tinh thần đoàn kết, hợp tác, trao đổi, chia sẻ với người khác; Có ý thức và khả năng lập nghiệp, tự tạo việc làm, lao động có năng suất cao; Yêu hoà bình, quan tâm đến những vấn đề của khu vực và toàn cầu có liên quan đến đất nước. (Nguồn: Những Hội thảo Quốc gia về “Xây dựng xã hội học tập - Từ tầm nhìn đến hành động”, 2013 - 2014).
Ở Việt Nam, việc lựa chọn địa bàn xây dựng xã hội học tập lại là cấp hành chính xã. Các mô hình học tập đang được triển khai gồm Gia đình học tập, Dòng họ học tập, Cộng đồng (thôn bản, tổ dân phố…) học tập và Đơn vị học tập theo Quyết định 281/QĐ-TTg cùng Cộng đồng học tập cấp xã theo Thông tư 44/2014/TT-BGDĐT.
Quá trình nghiên cứu các mô hình học tập trên chưa tính tới yếu tố hạt nhân là con người trong các mô hình đó. Nói cách khác, ở nước ta chưa có một chủ trương và quyết định của Đảng và Nhà nước về mô hình công dân học tập.
Điều ấy có nghĩa là, mục tiêu của xã hội học tập cũng như động lực để xây dựng xã hội học tập là con người học tập lại chưa được nghiên cứu. Nếu như ở trên kia có nói đến những đặc trưng mong muốn của công dân học tập trong xã hội học tập ở nước ta giai đoạn trước mắt thì đấy cũng chỉ là một ý muốn, một suy nghĩ.
Đặc trưng ấy có phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện kinh tế - xã hội ở nước ta nói chung, và với một vùng kinh tế, một địa phương nào đó hay không là điều chưa có cơ sở khoa học và cơ sở thực tiễn để xác định.
Rõ ràng, trong lĩnh vực nghiên cứu xây dựng xã hội học tập ở nước ta, tuy đã có hàng chục công trình nghiên cứu về cấu trúc xã hội học tập, về các mô hình học tập, về các thiết chế học tập, nhưng vẫn còn một khu vực chưa được khai phá: Mô hình “Công dân học tập” phù hợp với các mô hình học tập đã có là gì.
Theo Quyết định 281/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2012 đến năm 2020, có 4 mô hình học tập trên địa bàn cấp xã phải được xây dựng. Đó là: Mô hình gia đình học tập; Mô hình dòng họ học tập; Mô hình cộng đồng học tập (thôn xóm học tập, bản làng học tập, tổ dân phố học tập…) ; Mô hình đơn vị học tập (trường học học tập, hợp tác xã học tập, cơ quan học tập…)
Con người học tập hay công dân học tập là một yếu tố hạt nhân trong các mô hình nói trên.
Để xác định những năng lực cốt lõi của công dân học tập ở nước ta và xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá những năng lực đó, chúng ta phải đặt con người vào bối cảnh xây dựng xã hội học tập từ cơ sở.
Nội dung học tập của công dân học tập được cụ thể hoá ở 4 trụ cột giáo dục mà UNESCO đề xuất:
- Học để biết.
- Học để làm.
- Học để chung sống.
- Học để hoàn thiện nhân cách.
Triết lý xây dựng công dân học tập là Học để làm người.
Ở Việt Nam, trong những năm tới, chúng ta nên phát động toàn dân noi gương sáng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về học tập suốt đời, thực hiện tốt quá trình “Học, Hỏi, Hiểu, Hành” một cách thường xuyên trong cuộc sống.
GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam