Việt Nam sẽ gặp nhiều rào cản trong xây dựng Xã hội học tập

(Dân trí) - Đề án xây dựng Xã hội học tập (XHHT) đã được triển khai từ năm 2012 nhưng đến nay khái niệm xây dựng XHHT vẫn chưa được rõ ràng và còn nhiều rào cản để thực hiện.

Vậy mô hình XHHT tại Việt Nam được "thiết kế" ra sao và đâu là rào cản trên chặng đường này, đó là những nội dung được đề cập tại hội thảo "Xây dựng xã hội học tập: Từ tầm nhìn đến hành động" diễn ra trong hai ngày 17 và 18/12 tại Hà Nội với sự tham gia của 120 đại biểu trong nước và quốc tế.

Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm phát biểu tại diễn đàn xây dựng Xã hội học tập.

Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm phát biểu tại diễn đàn xây dựng Xã hội học tập.

Cơ hội học tập - học tập suốt đời mới trở thành Xã hội học tập

Phát biểu tại diễn đàn, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm cho biết, buổi hội thảo diễn ra rất kịp thời. Bởi chúng ta đang thực hiện Nghị quyết 11 là Đẩy mạnh xây dựng XHHT, tạo điều kiện cơ hội cho mọi công dân được học tập suốt đời. Tuy nhiên, để thực hiện tốt XHHT cần phải hiểu rõ thế nào là XHHT.

Phân tích về vấn đề cơ hội học tập và học tập suốt đời, Chủ tịch Nguyễn Mạnh Cầm cho rằng, đây là 2 vấn đề có quan hệ với nhau trên nguyên tắc “nhân quả” vì có nhận thức được học tập suốt đời mới xây dựng được XHHT. Có xây dựng XHHT mới có điều kiện học tập suốt đời.

"Tất cả chúng ta đều biết, xây dựng XHHT và học tập suốt đời được nêu ra từ những năm 70 thế kỷ trước. Trong quá trình, trí thức nhân loại phát triển vượt bậc và khoa học công nghệ phát triển đạt được thành tựu kỳ diệu. Đây đã trở thành xu thế của thời đại và đã trở thành xu thế của thời đại thì không có một nước nào không theo được. Do đó, Đảng và Nhà nước ta coi giáo dục là quốc sách hàng đầu nên vấn đề xây dựng XHHT, học tập suốt đời là yếu tố của Chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Vừa qua chúng ta có Đề án đổi mới căn bản và toàn diện về giáo dục, tôi tin chắc rằng XHHT sẽ gắn liền và thể hiện chủ trương này".

Về vấn đề triển khai XHHT tại Việt Nam, Chủ tịch Nguyễn Mạnh Cầm cho rằng sẽ gặp rất nhiều khó khăn so với các nước khác bởi nhiều nước phổ cập giáo dục của họ cao hơn. Thậm chí, nhiều nước đã phổ cập qua trung học, một số nước đã phổ cập đại học nên chuyển qua thực hiện XHHT dễ hơn. Còn ở nước ta, là một nước có rất nhiều khác biệt giữa các vùng miền, khác biệt trình độ dân trí, khác biệt về kinh tế, khác biệt về địa lý… cụ thể, ở vùng cao trẻ em đi học phải mất cả buổi mới đến được trường. Đó là vấn đề khó khăn.

Chủ tịch Nguyễn Mạnh Cầm khẳng định: “Nghị quyết 11 đã viết rõ, xây dựng XHHT là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân như vậy cả hệ thống chính trị phải làm, toàn nhân dân tham gia chứ không một tổ chức nào làm hết được. Do đó, để mọi người hiểu hết được quan niệm của XHHT, sự cần thiết của XHHT là một vấn đề cần thiết, cũng như làm cho mọi người hiểu được học tập suốt đời? Như thế nào là XHHT? Liệu đó có phải là xây dựng XHHT từ các cấp cơ sở? Chỉ số về XHHT gồm những gì? Đó là những câu hỏi chưa có lời giải thống nhất. Vì dù là mô hình ra sao thì chúng ta cần có nhận thức chung rằng, phải có sự gắn kết giữa giáo dục trong và ngoài nhà trường. Giáo dục trong nhà trường để tạo ra nhân lực cao, còn Giáo dục ngoài xã hội là nhằm tạo cơ hội để những người lao động chưa được học tập đầy đủ, có thể tiếp thu được những tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao tri thức và năng suất lao động.

"Vừa qua, Ban chỉ đạo xây dựng XHHT, giao cho Hội Khuyến học nghiên cứu một số tiêu chí về vấn đề gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học, cộng đồng khuyến học. Phải chăng đó là yếu tố thành tố sau này trở thành một XHHT. Nên tôi nghĩ xây dựng XHHT ở Việt Nam còn nhiều khó khăn" - Chủ tịch Cầm cho biết.

Học sinh miền núi.

Học sinh miền núi.

Nhiều rào cản!

Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) đã xác định một trong những vấn đề cấp thiết của việc xây dựng XHHT tại Việt Nam hiện nay là "hoàn thiện hệ thống giáo dục (GD) quốc dân theo hướng hệ thống GD mở, học tập suốt đời và xây dựng XHHT".

TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến cho rằng, xây dựng XHHT ở Việt Nam gặp khó khăn là vì có nhiều rào cản. Trước hết là rào cản về nhận thức. Ở Việt Nam, đến nay học suốt đời (HSÐ) và XHHT vẫn là những khái niệm không rõ ràng. Ngay trong giới nghiên cứu khoa học giáo dục, hiện vẫn chưa đi đến một cách hiểu thống nhất và chính thức về các khái niệm HSÐ, học chính quy, học không chính quy, học phi chính quy. Lợi ích của XHHT trong việc tạo công ăn việc làm, hoàn thiện đời sống cá nhân, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thực hiện tiến bộ xã hội và phát triển bền vững cũng chưa được các cơ quan, doanh nghiệp, cộng đồng và cá nhân hiểu rõ và nhận thức đầy đủ. Rào cản về nhận thức này là nguyên nhân cốt lõi dẫn đến những rào cản khác, cụ thể là các rào cản về thể chế, về cơ cấu và về tài chính.

Bên cạnh đó phải kể thêm một số rào cản khác, rất đặc trưng trong bối cảnh HSÐ và xây dựng XHHT ở nước ta. Rào cản đáng kể hơn cả là tính hình thức trong các tuyên bố về học suốt đời và XHHT. Một rào cản dai dẳng khác là bệnh bằng cấp trong xã hội Việt Nam. Ðiều này góp phần quan trọng để giữ chân giáo dục Việt Nam trong mô hình giáo dục truyền thống, với bộ phận giáo dục chính quy nặng về thi cử và văn bằng, còn giáo dục thường xuyên cũng chạy theo văn bằng với một chất lượng chưa được xã hội tin tưởng.

Theo TSKH Phạm Nhật Tiến giải pháp quan trọng nhất trong việc triển khai xây dựng XHHT là phải nâng cao nhận thức về mục đích, ý nghĩa, lợi ích của việc xây dựng XHHT. Tiếp đó là các giải pháp về củng cố, phát triển mạng lưới các cơ sở giáo dục; đẩy mạnh giáo dục phi chính quy; đẩy mạnh hình thức học từ xa, học qua mạng; hỗ trợ người học; xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cấp, các ngành, các tổ chức, doanh nghiệp; hợp tác quốc tế.

Bên cạnh đó, cần xây dựng và ban hành Luật Giáo dục suốt đời, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc xây dựng XHHT trên nhiều phương diện. Tiến tới hình thành hệ thống giáo dục mở, cần khẩn trương xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện khung trình độ giáo dục, coi đó là một công cụ thể chế quan trọng để tái cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân theo định hướng hệ thống giáo dục mở, HSÐ và xây dựng XHHT… đồng thời xây dựng và ban hành bộ chỉ số xây dựng XHHT như một công cụ quản lý và đánh giá bước tiến trong xây dựng XHHT.

Tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết: “Nhóm nghiên cứu XHHT đã làm việc tích cực và khoa học; đồng thời căn cứ vào đặc điểm, tình hình thực tiễn và những yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam đến năm 2020 để đề ra những đặc điểm mong muốn về một XHHT và công dân học tập ở Việt Nam, từ đó đề xuất các giải pháp chính để hiện thực hóa các mong muốn đó, góp phần thực hiện thành công Đề án Xây dựng XHHT đến năm 2020 mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt...”.

Được biết, từ tháng 3/2013, Bộ GD-ĐT phối hợp với các bộ, ngành liên quan bắt đầu triển khai đề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020". Cụ thể, 7 đề án thành phần được triển khai trong năm 2013 như tập trung hoàn thiện đề án xóa mù chữ giai đoạn 2012-2020 với nội dung cơ bản là đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi 15-60, chủ yếu là ở 14 tỉnh miền núi, vùng khó khăn có tỷ lệ người biết chữ thấp. Mục tiêu là ưu tiên xóa mù chữ cho người dân tộc thiểu số, phụ nữ, trẻ em gái và những người có hoàn cảnh khó khăn.

6 đề án thành phần còn lại sẽ hoàn thành vào cuối năm, bao gồm những nội dung chính như phát triển đào tạo từ xa, đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa; hỗ trợ cho người lao động nông thôn, người khuyết tật có điều kiện thuận lợi để học tập suốt đời; đẩy mạnh việc học tập cho công nhân trong các doanh nghiệp...

Hồng Hạnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm