Việt Nam đăng cai Olympic Hóa học quốc tế: Những “tiết lộ” thú vị

(Dân trí)-Năm nay, lần đầu tiên Việt Nam đăng cai tổ chức kì thi Olympic Hóa học quốc tế, với sự tham gia của 77 quốc gia và vùng lãnh thổ. Dù là nước chủ nhà nhưng với quy định “khắt khe” của UB Olympic Hóa học quốc tế, sân chơi này không thể phát sinh tiêu cực.

4 học sinh của đội tuyển Việt Nam dự Olympic Hóa học quốc tế năm 2014
4 học sinh của đội tuyển Việt Nam dự Olympic Hóa học quốc tế năm 2014. (Ảnh: Nguyễn Hùng)
 
PGS.TS Nguyễn Văn Nội - Trưởng ban đề thi Olympic Hóa học quốc tế (IChO) 2014 cho biết: Đề thi của IChO có những nét đặc trưng riêng so với các môn Olympic quốc tế khác. Trước hết chúng ta phải có các đề chuẩn bị ở cả phần lý thuyết và thực hành. Theo quy định của Ủy ban Olympic Hóa học quốc tế, con số đề chuẩn bị tối thiểu là 25 bài lý thuyết và 5 bài về thực hành. Bộ đề chuẩn bị này phải đưa lên mạng vào tháng 1 của năm tổ chức, nước chủ nhà phải đăng lên.

Đề chuẩn bị về lý thuyết và thực hành được ra trong giới hạn chương trình khung mà Ủy ban Olympic Hóa học quốc tế đưa ra. Đây là phần khung cố định cho tất cả các kì IChO. Khung chủ yếu rơi vào chương trình giáo dục phổ thông và có những kiến thức nâng cao. Phần kiến thức nâng cao thì có thể tiệm cận với kiến thức năm thứ nhất bậc đại học của chúng ta bởi mỗi quốc gia sẽ có một chương trình phổ thông khác nhau.

Việt Nam chúng ta đã thực hiện đúng thời hạn và đưa lên mạng được 29 đề lý thuyết, 7 bài thực hành.
 
Những tiết lộ “thú vị” về kì thi Olympic Hóa học quốc tế tại Việt Nam
Quang cảnh lễ khai mạc IChO 2014 diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội) sáng ngày 21/7/2014. (Ảnh: Nguyễn Hùng)

“Bí mật” về đề thi IChO

Theo tìm hiểu của phóng viên Dân trí, Bộ GD-ĐT tổ chức thành lập một Ban chuyên môn và PGS.TS Nguyễn Văn Nội là trưởng ban. Ban chuyên mộn gồm các nhà hóa học của các trường ĐH, viện nghiên cứu. Ban chuyên môn liên tục họp (bắt đầu từ năm 2010) nhằm trao đổi để ra bộ đề thi chuẩn bị. Ban tổ chức có mời sự phản biện của các giáo sư quốc tế mà chủ yếu ở đây là Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế để góp ý.

Các khâu chuẩn bị đề rất phức tạp, trước hết phải đưa ra “đề thô” kể cả lý thuyết lẫn thực hành sau đó tiền hành phản biện nhiều vòng (thông thường là 3 vòng), sau đó góp ý trao đổi, sửa chữa rất nhiều lần để đưa ra phiên bản cuối. Sau khi có phiên bản cuối thì lại phải tiến hành dịch thuật ra Tiếng Anh.

Có hai vấn đề xảy ra, một số tác giả thì đưa luôn Tiếng Anh, một số thầy cô thì lại đưa Tiếng Việt. Việc đưa sẵn đề thi bằng tiếng Anh thì sẽ thuận lợi hơn bởi lúc đó chỉ cần chỉnh sửa về dịch thuật. Nếu tác giả đưa Tiếng Việt thì phải có những nhà khoa học khác về Hóa học dịch ra Tiếng Anh, dịch xong lại phải trao đổi lại với tác giả xem có đúng ý tưởng hay không.

Cuối cùng bộ đề dự bị được đưa lên mạng. Các nước và vùng lãnh thổ có học sinh tham dự đều có quyền tiếp cận với bộ đề thi chuẩn bị này. Dựa vào bộ đề học sinh sẽ biết mức độ đề thi của Việt Nam ra như thế nào, độ khó ra sao.

Đề thi chính thức là một bồ đề hoàn toàn khác với bộ đề chuẩn bị, bắt buộc là không thể lấy một tí nào trong đề chuẩn bị. Tuy nhiên mức độ khó là tương đương song nội dung là hoàn toàn khác kể cả về lý thuyết lẫn thực hành. Quá trình chuẩn bị đề chính thức lại càng phức tạp hơn bộ đề chuẩn bị vì mức độ tin cậy phải cao hơn, đặc biệt là với bài thực hành.

Đề Lí thuyết chính thức được thiết lập dự thi trong vòng 5 tiếng, bộ đề thi Thực hành cũng làm thực nghiệm trong 5 tiếng. Thiết lập đề thi chính thức này, các tác giả có thể nằm trong ban chuyên môn cũng có thể là tác giả khác. Việc bảo mật đề thi là ở cấp độ bí mật quốc gia.

Đề thi Lí thuyết thông thường có 8-9 bài thi; đối với đề thi Thực hành có 2-3 bài thi. Đáp án được hình thành luôn, và đáp án chi tiết cho từng bài một.

Các thí sinh trao đổi kinh nghiệm trước khi làm bài thi. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)
Các thí sinh trao đổi kinh nghiệm trước khi làm bài thi Lí thuyết ngày 25/7/2014. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Tuyệt đối đảm bảo bí mật đề với đội tuyển nước chủ nhà

Trước câu hỏi đặt ra: Với việc mình ra đề rồi lại làm đáp án thì có thể “tiết lộ” cho đoàn học sinh Việt Nam dự thi hay không, PGS.TS Nguyễn Văn Nội khẳng định: Thành truyền thống Olympic, nước chủ nhà bao giờ cũng phải đảm bảo bí mật đề với đội tuyển của mình. Đây là một nguyên tắc bắt buộc.

Đến nay đã trải qua 46 kì IChO thì chưa từng phát hiện ra một trường hợp nào có sự tiết lộ đề thi từ nước chủ nhà cho học sinh của mình. Từ đó dẫn đến, không phải nước chủ nhà tổ chức sẽ đạt kết quả cao, điển hình năm 2013 tổ chức ở Nga, 2012 tổ chức ở Mỹ... thì nước chủ nhà chỉ có kết quả ở mức bình thường. Nghĩa là cuộc chơi phải đẹp đẽ và công bằng.

Luật lệ kì thi này là rất nặng nề, nếu phát hiện có dấu hiện gian lận thì sẽ bị loại ra khỏi cuộc chơi quốc tế.

“Chính vì thế có những chính sách mà Ban chuyên môn đề ra. Những thầy cô trong ban ra đề thì tuyệt đối không tham dự việc chuẩn bị ôn luyện đội tuyển. Đây là một lệnh cấm! Nội dung từng đề thi một chỉ có tác giả, trưởng ban chuyên môn và thư ký ban chuyên môn biết. Mỗi tác giả chỉ biết bài của mình” - PGS.TS Nguyễn Văn Nội cho biết.

Tranh luận nảy lửa giữa nước chủ nhà với các quốc gia tham dự

Sau ngày khai mạc thì đề thi Thực hành được phát cho các trưởng đoàn, lúc này học sinh đã được tách ra khỏi đoàn đến ở một khu riêng và không được mang phương tiện thông tin liên lạc nào.
 
Các thí sinh làm bài thi thực hành. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)
Các thí sinh làm bài thi thực hành ngày 23/7/2014. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)
 
Đến ngày hôm sau, có một cuộc họp Hội đồng quốc tế bao gồm tất cả các trường đoàn của các quốc gia có học sinh tham dự, các thành viên của Ủy ban Olympic Hóa học quốc tế và Ban chuyên môn của nước chủ nhà để tiến hành bảo vệ đề.
 
Các tác giả của từng đề lần lượt lên bảo vệ. Đề và đáp án được chiếu lên để tranh luận từng ý một. Một cuộc tranh luận nảy lửa diễn ra giữa các đoàn. “Cãi nhau” có thể kéo dài 3-4 tiếng thậm chí 5-6 tiếng. Sau khi sửa xong sẽ giơ tay biểu quyết, nếu 75% nhất trí thì thông qua. Khi thống nhất đề và đáp án thì các đoàn có học sinh tham dự bắt đầu dịch theo ngôn ngữ của nước mình. Sau đó đề thi được niêm phong và chuyển đến cho thí sinh để làm bài. Đối với đề thi Lí thuyết thì cũng tương tự nhưng căng thẳng hơn vì có nhiều bài hơn.

Về chấm bài thi thì việc “cãi nhau” còn gay cần hơn bởi nó là quyền lợi của chính các nước tham dự. Bài thi của thí sinh sẽ được phô tô thành hai bản. Bản gốc lưu, một bản giao cho nước chủ nhà chấm, một bản giao cho nước có thí sinh tham dự chấm.

Chấm thi thì không cần phải dịch thuật bởi nguyên tắc ra đề là hạn chế tối đa dùng lời mà chỉ có công thức ký hiệu, việc chuyển ngữ là không cần thiết.

Khi chấm xong lại tiếp tục “chọi” nhau. Ví dụ nước chủ nhà chấm được 80 điểm, nước có thí sinh tham gia chấm được 85 điểm thì bắt đầu “cãi nhau”. Lúc này chẳng hạn đề thi có 8 câu chẳng hạn thì nước chủ nhà sẽ kê 8 cái bàn mà ở đó người phụ trách ra đề câu nào thì đến bàn đó ngồi cùng với hai người có khả năng nói Tiếng Anh tốt. Các đoàn thắc mắc chấm ở câu nào thì đến bàn đó tranh luận.

Tranh luận thỏa hiệp được thì tốt nhưng nếu không được thì lại thực hiện “cãi vã” không thương tiếc...Tuy nhiên cuối cùng cũng sẽ phân định người thắng, người thua.

Nguyễn Hùng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm