Vì sao có tới 510 thí sinh bị điểm liệt môn Ngữ Văn?
(Dân trí) - Nhìn vào phổ điểm thi môn Ngữ THPT quốc gia 2017 mà không khỏi giật mình: Cả nước có 510 học sinh bị điểm liệt (< = 1), số học sinh từ 7 điểm trở lên rất ít, đặc biệt có tới 29,74% học sinh có điểm dưới trung bình (< 5), cả nước chỉ có 1 bài đạt điểm 10. Câu hỏi có lẽ được nhiều người đặt ra là: Đề thi dễ mà sao kết quả lại như vậy?
Trả lời câu hỏi này thật không đơn giản. Nhưng dưới góc nhìn cá nhân, tôi có điều băn khoăn là: Phải chăng đáp án chấm đoạn văn đã khiến học sinh bị mất điểm, là một trong những nguyên nhân của hiện tượng nêu trên? Tôi xin bày tỏ những suy nghĩ của mình dưới đây.
Câu 1 (2,0 điểm), phần Làm văn trong đề thi là:
Từ nội dung đoạn trích phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của sự thấu cảm trong cuộc sống.
Đáp án của Bộ Giáo dục đưa ra như sau:
Trong quá trình học tập, đặc biệt là khi ôn luyện thi, chắc chắn học sinh đã được học cách viết đoạn văn (có mở đoạn, thân đoạn, kết đoạn). Trong chương trình Ngữ văn 12, học sinh cũng có học hai dạng đề: nghị luận về một tư tưởng, đạo lí và nghị luận về một hiện tượng đời sống. Đề bài trên thuộc dạng đề nghị luận về một tư tưởng, đạo lí. Căn cứ câu hỏi của đề bài và kiến thức đã biết, học sinh sẽ viết đoạn văn với các ý chính về nội dung đó là:
Dẫn từ phần Đọc hiểu để nêu vấn đề. Giải thích “sự thấu cảm”. Làm rõ ý nghĩa của “sự thấu cảm”. Bài học nhận thức và hành động.
Tôi đã thử viết thành đoạn văn như sau:
Nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu đã gợi ra ý nghĩa của sự thấu cảm trong cuộc sống. Theo tác giả: “Thấu cảm là sự hiểu biết thấu đáo, trọn vẹn một ai đó, khiến ta hiểu được những suy nghĩ của họ, cảm được những cảm xúc của họ…”. Từ đó ta thấy sự thấu cảm có ý nghĩa sâu sắc trong cuộc sống. Sự thấu cảm là nguồn gốc tạo nên lòng trắc ẩn, tình yêu thương con người, khiến con người biết đồng cảm, sẻ chia, giúp đỡ lẫn nhau. Vậy sự thấu cảm cũng chính là nguồn gốc tạo nên mối quan hệ tốt đẹp giữa con người với con người, khiến cho xã hội tốt đẹp hơn. Qua tìm hiểu ý nghĩa của sự thấu cảm, em nhận thức được trong cuộc sống cần phải có sự thấu cảm. Và cần luôn quan tâm đến những người xung quanh, đặt mình vào hoàn cảnh của họ mới có được sự thấu cảm. Từ đó mới có được sự đồng cảm, yêu thương, biết sẻ chia, giúp đỡ người khác, đặc biệt với người có hoàn cảnh khó khăn để xã hội ngày càng tốt đẹp. (Đoạn văn này khoảng 200 chữ - chính xác là 202 chữ)
*
Vậy theo đáp án Bộ Giáo dục thì về nội dung đoạn văn, học sinh chỉ cần làm rõ hai ý nghĩa của sự thấu cảm thôi sao? Không cần nêu vấn đề ? Không cần giải thích “sự thấu cảm” là gì? Và không cần rút ra bài học cho bản thân? (Một nội dung quan trọng mang tính giáo dục học sinh)
Nếu chấm theo đáp án của Bộ Giáo dục đưa ra thì đoạn văn học sinh viết như trên sẽ không được chấm điểm ở ba ý: Nêu vấn đề/ Giải thích “sự thấu cảm”/ Bài học nhận thức, hành động.
Tôi cho rằng chấm theo đáp án của Bộ Giáo dục thì phần lớn học sinh sẽ chỉ đạt tối đa là 1,25 điểm (mục b, c). Vì: Phần lớn học sinh sẽ không biết “trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành” (mục a) " mất 0,25 điểm.
Phần lớn học sinh sẽ không: “Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ nghĩa, ngữ pháp tiếng Việt” (mục d) " mất 0,25 điểm. Phần lớn học sinh sẽ không “Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận” (mục e) " mất 0,25 điểm. Thực tế, nhiều giáo viên chấm thi cho biết: Rất ít học sinh đạt 1,5 điểm ở câu này.
Ngoài những điều nói trên, tôi còn có một băn khoăn nữa: Đáp án có yêu cầu về hình thức mà không có yêu cầu về nội dung. Nếu cho rằng mục b,c là yêu cầu nội dung thì cũng không đầy đủ, rõ ràng. Ngay cả yêu cầu về hình thức cũng có điều bất ổn: chính tả, ngữ pháp, diễn đạt và “viết một đoạn văn”, và cả “khoảng 200 chữ” cũng phải là yêu cầu về hình thức chứ?
Vẫn dựa theo ý trong đáp án của Bộ Giáo dục, tôi xin đề xuất đáp án chấm đoạn văn như sau:
Tôi nghĩ rằng làm đáp án như trên vừa ngắn gọn, vừa phù hợp với phương pháp viết đoạn văn mà học sinh đã học trong chương trình. Và đa số học sinh sẽ đạt từ 1,5 đến 1,75 điểm, và sẽ có nhiều học sinh đạt điểm tối đa của câu làm văn này.
Rất mong nhận được những thảo luận, phản hồi từ những nhà chuyên môn, thầy cô dạy văn và bạn đọc!
Nguyễn Văn Ưng- Tổ trưởng Ngữ văn
Trường THPT Lê Hồng Phong - TP. Biên Hòa - Đồng Nai