Vì sao 2020 là năm học "đặc biệt nhất lịch sử" của giáo dục phổ thông?
(Dân trí) - Năm 2020 đặc biệt nhất lịch sử với kì nghỉ tết kéo dài gần 3 tháng. Bộ GD&ĐT điều chỉnh kế hoạch năm học 2 lần, nhiều trường phổ thông tư thục "lao đao" hoặc trên bờ vực phá sản...
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đánh giá, đây là năm học rất đặc biệt. Học sinh phải nghỉ học nhiều tháng vì dịch Covid-19.
Thay vì nghỉ học hoàn toàn, Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn các địa phương dạy học từ xa, học trực tuyến.
Bộ GD&ĐT cũng đã 2 lần điều chỉnh lịch học, tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT trong bối cảnh một số địa phương còn giãn cách và nhiều thí sinh phải lùi kỳ thi sang đợt 2.
Nghỉ tết kéo dài gần 3 tháng
Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2020, học sinh nhiều tỉnh, thành trở lại trường với chiếc khẩu trang.
Tuy nhiên ngày 3/2, toàn bộ 63 tỉnh, thành và hơn 200 trường đại học đóng cửa vì dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Đây là điều chưa từng xảy ra trong lịch sử.
Hàng loạt trường học buộc phải tạm đóng cửa. Để đảm bảo sự an toàn của học sinh, các tỉnh/ thành phải đắn đo trong việc lùi lịch trở lại trường lớp.
Nhiều công văn hỏa tốc ở các tỉnh thành được phát đi trong đêm, điều chỉnh lịch học của học sinh vì liên quan đến dịch Covid-19.
Thay thế bảng đen bằng máy tính
Với phương châm nghỉ đến trường nhưng không ngừng việc học, học sinh và thầy cô giáo bắt đầu làm quen với những phương pháp dạy và học mới qua màn hình máy tính.
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, khoảng gần 80% học sinh Việt Nam đã học trực tuyến, xếp 17/200 quốc gia và vùng lãnh thổ kịp thời ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục để ứng phó đại dịch.
Thầy trò đeo khẩu trang, đội mũ chống giọt bắn trong lớp
Ngày 4/5, học sinh trên cả nước quay trở lại trường sau hơn 3 tháng nghỉ để phòng, chống dịch Covid-19.
Những ngày đầu tiên học sinh trở lại trường sau thời gian dài học trực tuyến tránh dịch Covid-19, cả thầy lẫn trò đều đeo khẩu trang, mũ chắn giọt bắn suốt buổi học.
Sự việc cũng gây tranh cãi bởi làm sao vừa an toàn chống dịch nhưng không quá khổ với cô trò trong tiết trời nắng nóng.
Ở nhiều trường, học sinh và cán bộ giáo viên ăn bán trú qua vách ngăn. Điều này cũng chưa từng có trong lịch sử của ngành giáo dục.
Đặc biệt, "năm học Covid-19", giờ chào cờ, thậm chí học thể dục và sinh hoạt tập thể đều thực hiện trong lớp.
"Đau đầu" vì điều hòa
Những ngày học sinh bắt đầu đi học trở lại cũng rơi vào thời điểm thời tiết cả nước bắt đầu nắng nóng.
Dựa trên hướng dẫn của ngành GD&ĐT và khuyến cáo của Bộ Y tế không bật điều hòa, mở cửa lớp học để lưu thông không khí, phòng chống dịch Covid-19, nhiều trường "đau đầu" vì điều hòa.
Để giảm bớt cái nóng, các quạt trần của nhà trường được mở hết công suất. Một số lớp, các phụ huynh tự huy động thêm quạt cây cho các con.
Một số trường đành bật điều hòa nhưng ở mức nhiệt không quá cao vì nếu không bật, có khi học sinh ốm vì nóng trước khi mắc Covid- 19.
Bằng nhiều biện pháp phòng chống dịch, từ khi bắt đầu bùng phát, các tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt việc phun trùng khử khuẩn trường học, tuyên truyền phòng chống dịch nên chưa có ca lây nhiễm chéo nào từ học sinh.
Khai giảng trực tuyến và trực tiếp
Sau 2 lần điều chỉnh lịch học, kéo dài thời gian tựu trường muộn hơn so với mọi năm, ngày 5/9, gần 23 nghìn học sinh cả nước khai giảng.
Điều đặc biệt chưa từng có trong lịch sử, năm nay các địa phương vừa khai giảng trực tiếp và trực tuyến.
Theo đó, địa phương nào vẫn đang trong thời gian giãn cách xã hội và không thể tổ chức lễ khai giảng, có thể tổ chức khai giảng trực tuyến.
Nhiều trường tư thục "lao đao"
Ngoài hoạt động dạy và học bị ảnh hưởng, dịch Covid-19 tác động mạnh mẽ đến các trường tư.
Hàng loạt trường tư thục bị đóng cửa, tuyên bố phá sản. Rất nhiều trung tâm giáo dục phải đóng cửa vì phá sản, vì thiếu học viên.
Giáo viên, đặc biệt là bậc mầm non phải nghỉ việc không lương, thậm chí bị sa thải. Nhiều giáo viên phải xoay đủ nghề từ bán hàng online đến trông thêm trẻ tại nhà.
Các trường tư thục phải vay ngân hàng, vay phụ huynh, vay cổ đông để cố gắng cầm cự trong những tháng đóng cửa nghỉ dịch.
Lần đầu tiên có 2 đợt thi THPT trong năm
GS.TS. Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, năm học 2019-2020, kế hoạch năm học từ phổ thông đến đại học, thi cử đều đã được ấn định cụ thể, nhưng sự xuất hiện của dịch Covid-19 làm đảo lộn tất cả.
Công tác chuẩn bị cho đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, việc bồi dưỡng, tập huấn giáo viên về chương trình mới, chuẩn bị thay sách đều bị ảnh hưởng, tác động trực tiếp.
Đặc biệt, từ kỳ thi THPT quốc gia được chuyển sang thi tốt nghiệp THPT và giao trách nhiệm cho địa phương.
Việc thi cử cũng khó khăn trong bối cảnh một số tỉnh bùng phát dịch nên lần đầu tiên trong lịch sử, Bộ GD&ĐT phải tổ chức 2 đợt thi trong năm.
Tuy nhiên, việc tổ chức thi diễn ra chặt chẽ, được sự quan tâm của Chính phủ và cả hệ thống chính trị. Các địa phương vào cuộc nhanh chóng, chuẩn bị kì thi kĩ càng để kì thi diễn ra an toàn, đúng quy chế.