Vị giáo sư gốc Việt tâm huyết với sự nghiệp giáo dục nước nhà

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Ðăng Hưng, Việt kiều tại Bỉ được nhiều người gọi là "người mang tiến sĩ về cho Việt Nam".

Hiện nay có gần bốn triệu người Việt Nam đang sinh sống, lao động và học tập tại hơn 100 nước và vùng lãnh thổ, trong đó có khoảng 300 nghìn Việt kiều có trình độ đại học trở lên.

Rất nhiều trí thức Việt kiều đang ngày đêm mang công sức đóng góp cho sự nghiệp giáo dục nước nhà. Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Ðăng Hưng, Việt kiều tại Bỉ là một người như thế. Ông được nhiều người gọi là "người mang tiến sĩ về cho Việt Nam".
 
Vị giáo sư gốc Việt tâm huyết với sự nghiệp giáo dục nước nhà - 1
Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Ðăng Hưng.

Giáo sư Nguyễn Ðăng Hưng sinh năm 1941 tại tỉnh Quảng Nam. Ông nhận được học bổng đại học ngành kỹ thuật tại Vương quốc Bỉ năm 1960. Sau khi tốt nghiệp đại học năm 1966, ông được giữ lại nghiên cứu tại phòng thí nghiệm Kỹ thuật Hàng không (L.T.A.S.), một trung tâm nghiên cứu thuộc ÐH Liège nổi tiếng trong cộng đồng khoa học thế giới. Giai đoạn 1991-2006, ông là Trưởng khoa Cơ học Phá hủy, Ðại học Liège, Bỉ. Ông đã được trao huy chương Louis BAES của Viện Khoa học, Văn học và Nghệ thuật Hoàng gia Bỉ năm 1984, Huy chương Lao động hạng nhất của Chính phủ Bỉ năm 1996, Huân chương Ðại sĩ quan của Vua Léopold II của Bỉ năm 1999, Bằng khen của Bộ Ngoại giao Việt Nam năm 2001, Bằng khen của UBND TPHCM khen thưởng cho kiều bào có công với đất nước năm 2002. Tháng 7-1999, ông được tạp chí hàng tuần của Bỉ Le Vif - L'Express bình chọn là một trong 12 người nước ngoài "đã làm thay đổi nước Bỉ". Nhà khoa học gốc Việt này còn là một thành viên tích cực của Hội Việt kiều yêu nước tại Bỉ. Từ khi còn là sinh viên, ông đã tham gia các cuộc biểu tình chống chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam ở Brúc-xen. Ông đã được trao tặng danh hiệu "Vinh danh đất Việt" dành cho các trí thức, doanh nhân, các nhà hoạt động xã hội là Việt kiều có công lao với đất nước năm 2005.

Nặng lòng với quê hương, nhiều năm qua Giáo sư Nguyễn Ðăng Hưng mang hết công sức đóng góp vào sự nghiệp giáo dục, đào tạo của nước nhà. Từ năm 1976, khi lần đầu tiên trở về Việt Nam giảng dạy tại ÐH Giao thông vận tải Hà Nội, Giáo sư Hưng đã cảm nhận sâu sắc truyền thống hiếu học của thế hệ trẻ ở Việt Nam. Từ đó, ông trăn trở tìm cách đóng góp vào sự nghiệp phát triển nguồn nhân lực trẻ cho quê hương. Từ năm 1990, với uy tín và lòng nhiệt tình, ông thuyết phục các tổ chức quốc tế và nhiều nước châu Âu giúp đỡ tài chính cho hàng loạt chương trình đào tạo thạc sĩ ngành cơ học và nhiều ngành khác cho Việt Nam. Các chương trình đào tạo sau đại học này được xây dựng theo tiêu chuẩn châu Âu, được nhiều trường đại học nổi tiếng thế giới cấp bằng. Một số học bổng tiến sĩ được cấp cho các sinh viên xuất sắc nhất tiếp tục học tập ở châu Âu, Mỹ, Ca-na-đa, Nhật Bản và Ô-xtrây-li-a... Với vai trò cầu nối, giai đoạn 1995-2007, Giáo sư Hưng đã góp phần đào tạo tại chỗ cho đất nước 318 thạc sĩ cấp bằng châu Âu,  trong đó hơn 100 người tiếp tục học lên tiến sĩ và 20 người đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ. Ông được nhiều người biết đến với tên gọi "người mang tiến sĩ về cho Việt Nam". Ngoài ra, Giáo sư Hưng còn là sáng lập viên và điều phối viên các đề án hợp tác Bắc-Nam và nhiều dự án đa quốc gia. Ông là Phó chủ tịch Ban Ðiều hành và Ðiều phối viên phía Bỉ của đề án "Hợp tác đào tạo tiến sĩ một số chuyên ngành kỹ thuật tại châu Âu dưới hình thức đồng hướng dẫn bằng ngân sách Nhà nước Việt Nam" giai đoạn 2003-2008.

Là một người tâm huyết với nền giáo dục nước nhà, ông cho rằng, đại bộ phận Việt kiều trí thức rất quan tâm và muốn huy động mọi tài lực xây dựng đất nước. Người Việt Nam sống xa Tổ quốc nhưng trái tim vẫn luôn hướng về quê cha đất tổ, về cội nguồn dân tộc, ngày đêm mong được góp phần nhỏ bé xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh. Ông tâm sự: "Bà con người Việt ta ở nước ngoài rất quan tâm tình hình trong nước, vui với những bước phát triển mới của đất nước và tự hào về quê cha đất tổ, về dòng máu Lạc Hồng".

Theo Bích Hạnh
Nhân Dân