“Vét” tận ngày cuối ôn thi lớp 10
(Dân trí) - Đã sát cận kề ngày thi, nhiều học sinh chuẩn bị bước vào kỳ thi lớp 10 ở TPHCM tranh thủ “vét” thời gian quý báu cuối cùng cho việc ôn thi.
Chỉ còn hai ngày nữa, gần 78.000 học sinh (HS) ở TPHCM sẽ bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10. Đây được xem là kỳ thi quan trọng không nằm ở tỷ lệ "chọi" hay độ khó mà hơn hết các em chỉ có một cơ hội duy nhất để tìm được một suất ở trường cấp 3 công lập.
Năm nay, kỳ thi căng thẳng với HS và giáo viên bởi nhiều yếu tố. Trước hết phải kể đến, so với năm ngoái, số lượng thí sinh dự thi tăng lên khoảng 9.000, trong chỉ tiêu chỉ tăng thêm 2.500.
Ngoài ra, so với mọi năm, kỳ thi năm nay diễn ra sớm hơn 10 ngày, HS bị co ngắn đáng kể thời gian ôn thi. Cô Nguyễn Thị Cẩm Vân, hiệu phó Trường THCS Lê Quý Đôn, quận Thủ Đức cho biết năm nay trường kết thúc ôn thi vào ngày 5/6, tính ra các em chỉ có 4 tuần ôn tập nên gấp gáp hơn rất nhiều.
Và một điều làm nhiều giáo viên băn khoăn là xu hướng ra đề thi môn Văn theo hướng mở của Sở GD-ĐT TPHCM đòi hỏi HS phải nắm bắt được vấn đề, tư tưởng, thời sự hay sự việc diễn ra trong cuộc sống. Chưa nói đến HS mà ngay cả giáo viên, nhất là ở các trường xa, trường vùng ven cũng khó “bắt nhịp” kịp với đề thi mới.
Thời điểm này, các trường THCS đã khóa việc ôn thi. Nhưng trên thực tế, nhiều em HS vẫn đang “chạy sô", tận dụng những giây phút cuối để nạp thêm kiến thức.
Chiều ngày 9/6, đón con tại một trung tâm bồi dưỡng văn hoá ở Q.1, chị Đào Ngọc Thảo, có con chuẩn bị thi vào Trường THPT Bùi Thị Xuân cho hay, lịch ôn của con mình còn đến ngày mai, buổi chiều ôn xong là sáng ngày kia đi thi. Do năm nay thi sớm nên thành ra việc ôn thi càng gấp rút, phải tận dụng từng ngày.
“Ngoài việc ôn ở trường, cháu ôn thêm ở trung tâm cho chắc. Trường THPT Bùi Thị Xuân giảm chỉ tiêu so với năm trước nên cháu thi mà cả gia đình áp lực. Học lực của cháu không đến nỗi nhưng nếu ôn không tốt, có thể “rớt” ra khỏi trường công ngay”, người mẹ lo lắng.
Bên cạnh việc ôn thi ở trường học, ở lò luyện, để “đương đầu” với kỳ thi lớp 10, rất nhiều HS còn đi học thêm ở tại nhà giáo viên luyện thi có tiếng hay thuê gia sư về kèm tại nhà.
Một giáo viên dạy Toán tại nhà ở Tân Bình cho hay, cô dự tính “đóng lớp”cách đây 4 ngày để các em nghỉ ngơi trước khi thi. Nhưng thời gian ôn thi năm nay bị rút ngắn, một số em chưa nắm chắc kiến thức nên muốn học thêm đến sát ngày thi.
“Tôi động viên các em nghỉ ngơi sớm vài ngày, nhẹ nhàng xem lại bài vở để không bị căng thẳng khi vào phòng thì làm bài mới hiệu quả”, cô giáo này bày tỏ. Cô cũng chia sẻ thêm, mọi năm đã có nhiều trường hợp HS học lực tốt nhưng rớt lớp 10 trường công do chọn trường chưa phù hợp hoặc do o lắng quá mức nên làm bài không tốt.
Khoảng 64.600 HS sẽ được chọn học ở hệ công lập từ kỳ thi này, đồng nghĩa với việc hơn 13.000 thí sinh “rớt” ở kỳ thi này. Tuy nhiên, các em vẫn còn nhiều lựa chọn khác cho mình như học trường ngoài công lập, giáo dục thường xuyên, học nghề…
Học sinh tham gia kỳ thi sẽ trải qua ba môn thi Văn, Toán, tiếng Anh và thêm môn chuyên đối với HS thi vào lớp 10 chuyên vào hai ngày 11 và 12/6.
Đề Văn theo hướng mở Theo hướng dẫn đổi mới về đề thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2015 - 2016 của Sở GD-ĐT TPHCM, yêu cầu về nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp chiếm từ 20% đến 30% và yêu cầu vận dụng cao từ 70% đến 80% trên tổng số điểm của bài thi. Đề thi có thời gian làm bài là 120 phút gồm phần đọc hiểu (3 điểm) yêu cầu trả lời các câu hỏi tự luận ngắn về văn bản đã học trong sách giáo khoa hoặc văn bản ngoài sách giáo khoa; trả lời các câu hỏi tự luận ngắn về tiếng Việt; giải bài tập tiếng Việt theo yêu cầu. Mục đích đánh giá khả năng vận dụng kiến thức, kỹ năng, phương pháp để đọc hiểu, tiếp nhận văn bản; đánh giá năng lực tư duy sáng tạo, tư duy phản biện… Phần tạo lập văn bản (7 điểm) gồm viết bài nghị luận xã hội ngắn về một tư tưởng đạo lý hoặc hiện tượng đời sống gần gũi, phù hợp với lửa tuổi và phần nghị luận văn học. Phần thi này nhằm đánh giá khả năng thu thập, xử lí thông tin và khả năng vận dụng tổng hợp kiến thức, kĩ năng để giải quyết một vấn đề trong cuộc sống; đánh giá khả năng nhận thức, khám phá bản thân và thế giới xung quanh, khả năng thấu hiểu các giá trị nhân văn; đánh giá năng lực cảm thụ thẩm mĩ, năng lực tư duy hình tượng và tư duy logic, năng lực sử dụng tiếng Việt để bộc lộ, biểu đạt tư tưởng, tình cảm. |
Hoài Nam