Giao ban ngành giáo dục ĐBSCL năm học 2012- 2013:
Vẫn “nóng” tình trạng học sinh bỏ học, thiếu giáo viên
(Dân trí) - Theo báo cáo của ngành giáo dục các tỉnh ĐBSCL, tình trạng học sinh bỏ học còn ở mức cao, số phòng học tạm mượn còn khá nhiều, thiếu thừa cục bộ giáo viên… vẫn là những khó khăn mà vùng đang gặp phải.
Cuối tuần trước, tại tỉnh Bến Tre, ngành giáo dục vùng 6 (12 tỉnh ĐBSCL, trừ TP Cần Thơ) đã tiến hành tổ chức hội nghị giao ban năm học 2012- 2013. Tại hội nghị, các đại biểu đã có những đánh giá thẳng thắn về thuận lợi cũng như khó khăn của ngành giáo dục vùng đầu năm học này.
Theo ông Lê Ngọc Bữu - Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bến Tre (Trưởng vùng 6) cho biết, đầu năm học 2012- 2013, toàn vùng có 6.625 trường học các cấp với tổng số học sinh (HS) trên 3,1 triệu HS. Nhìn chung, quy mô trường và HS các bậc đều tăng so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, ở một số tỉnh thì quy mô HS THCS và THPT có giảm như Bến Tre, Vĩnh Long, Cà Mau, Long An…
Tính đến cuối tháng 9/2012, tổng số phòng học, phòng chức năng xây dựng mới là 3.387 phòng với kinh phí trên 1.765 tỷ đồng; tổng số phòng học được sửa chữa nâng cấp: 9.769 phòng, kinh phí trên 376 tỷ đồng; tổng số nhà công vụ giáo viên (GV): 432 phòng, kinh phí trên 47 tỷ đồng…đã đáp ứng kịp thời cho việc tổ chức tựu trường ngay trong tháng 8/2012.
Dù vậy, cơ sở vật chất của một số tỉnh cũng còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Trưởng vùng 6 Lê Ngọc Bữu cho biết, hiện nhiều tỉnh vẫn còn phải tạm mượn phòng học để phục vụ công tác giảng dạy, nhất là ở bậc Mầm non (MN) và Tiểu học (TH). Qua thống kê của các tỉnh, tổng số phòng học tạm mượn của vùng là 5.465 phòng (riêng MN: 3.157 phòng và TH: 1.491 phòng). Các tỉnh còn mượn phòng tạm nhiều như Sóc Trăng: 1.871 phòng, Cà Mau: 1.160 phòng, Tiền Giang: 511 phòng, An Giang: 445 phòng...
Về tình hình HS các cấp bỏ học, theo Trưởng vùng 6 cho hay, số HS bỏ học trong hè ở các cấp phổ thông khoảng 3,8% (trong đó TH: 0,25%, THCS: 1,52%, THPT: 2,09%). Số HS bỏ học đầu năm học này ở các tỉnh tính đến cuối tháng 9/2012 không đáng kể và có phần giảm so với năm học trước khoảng 1,3%. Các tỉnh có số HS bỏ học nhiều như ở cấp TH là Cà Mau: 1,06%; cấp THCS có Kiên Giang: 2,68%, Trà Vinh: 2,6%; cấp THPT có Sóc Trăng: 3,26%, Long An: 3,01%...
Theo lãnh đạo ngành giáo dục các tỉnh đánh giá, tình trạng HS bỏ học có chuyển biến tích cực so với năm trước nhưng vẫn còn ở mức cao. Nguyên nhân chủ yếu do một số nơi giao thông đi lại khó khăn không thuận lợi cho các em HS đi học, nhất là HS ở vùng sâu, vùng xa; một bộ phận HS bỏ học để theo gia đình đi nơi khác hoặc đi làm ăn xa mưu sinh; một bộ phận phụ huynh lại chưa quan tâm nhắc nhở, động viên con em đến trường học tập; một phần các em HS có học lực yếu kém, bản thân lại ham chơi bị lôi cuốn vào các trò chơi online, bỏ tiết học dẫn đến mất căn bản, học yếu nên mặc cảm dẫn đến bỏ học, đây được xem là nguyên nhân chủ yếu xảy ra tình trạng này.
Trưởng vùng 6 cũng cho biết, tổng số cán bộ quản lý, GV, nhân viên trong vùng trên 207 ngàn người. Nhìn chung, đội ngũ GV ở các tỉnh cơ bản đáp ứng được hoạt động dạy và học. Tuy nhiên so với yêu cầu thì tình trạng thừa thiếu cục bộ GV vẫn còn xảy ra, trong đó đa số các tỉnh còn thiếu GV MN nhưng thừa GV một số bộ môn ở cấp trung học. Qua thống kê cho thấy, tỉnh Kiên Giang còn thiếu 81 GV MN, 25 GV TH, 17 GV THCS; An Giang thiếu 32 GV MN, 36 GV TH; Hậu Giang thiếu 446 GV MN, 175 GV TH, 30 GV THCS, Tiền Giang thiếu 122 GV MN...
Trong khi đó, công tác xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý nhìn chung vẫn còn gặp nhiều bất cập do quy định về biên chế và chính sách đãi ngộ không phù hợp nên việc điều động cán bộ quản lý, GV có năng lực quản lý và chuyên môn giỏi về Sở, về Phòng GD không được thuận lợi. Sức ép công việc đối với cán bộ quản lý ngày càng tăng dẫn đến một bộ phận cán bộ thiếu an tâm trong công tác, dẫn đến họ có xu hướng xin chuyển về trường làm công tác giảng dạy.
Cũng theo Trưởng vùng 6, công tác quản lý dạy thêm, học thêm được các Sở quan tâm chỉ đạo và tăng cường thanh tra kiểm tra nên việc dạy thêm tràn lan đã có xu hướng giảm. Tuy nhiên, tình trạng này tại một số địa phương vẫn còn những hạn chế như: một số Phòng GD- ĐT và đơn vị trực thuộc chưa quan tâm đúng mức, thường xuyên; một số nơi vẫn còn tình trạng GV tổ chức dạy thêm chưa đúng quy định về điều kiện lớp học chưa đảm bảo, thiếu tính sư phạm, số lượng HS/lớp đông, bố trí giờ dạy không phù hợp, mức thu học phí lại cao…
Để thực hiện tốt nhiệm vụ trong năm học mới 2012- 2013, ngành giáo dục các tỉnh ĐBSCL cho biết sẽ tiếp tục thực hiện những biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng HS bỏ học như vận động gây quỹ giúp HS nghèo, tổ chức phụ đạo HS yếu kém, đổi mới phương pháp giảng dạy để phù hợp vối tâm lý lứa tuổi HS; tiếp tục tăng cường điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục cho các trường học theo hướng đạt chuẩn; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý giáo dục và dạy học; tiếp tục rà soát, điều chỉnh nội dung dạy học và kiểm tra, đánh giá HS phổ thông theo hướng giảm tải; tăng cường các giải pháp khắc phục hiện tượng HS ngồi sai lớp; tiến hành thanh tra, kiểm tra công tác dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường hơn nữa.
Ông Lê Ngọc Bữu - Trưởng vùng 6 cho biết, vùng 6 tiếp tục kiến nghị Bộ GD-ĐT nghiên cứu, đề xuất việc thực hiện chế độ chính sách đối với viên chức khi được điều động về công tác tại Sở, Phòng GD để tránh bị thiệt thòi, nhằm thu hút được nhân tài làm công tác quản lý; kiến nghị Bộ tăng cường các chương trình, dự án đầu tư cơ sở vật chất cho bậc học MN, miễn học phí đối với cấp học MN như cấp TH hiện nay.
Ngành giáo dục vùng 6 cũng kiến nghị đề xuất Chính phủ có chế độ đãi ngộ để hỗ trợ thêm cho cán bộ quản lý, GV MN bởi hiện tại công việc của cán bộ quản lý cơ sở và GV MN thực hiện dạy 2 buổi/ngày rất nhiều khó khăn nhưng chưa có chế độ đãi ngộ để khuyến khích họ an tâm công tác.
Huỳnh Hải