Vai trò của giáo viên thay đổi thế nào trong phương pháp dạy theo chủ đề?

(Dân trí) - Phương pháp dạy học theo chủ đề được áp dụng rộng rãi sau cuộc cải cách giáo dục năm 2016 tại các trường học phổ thông Phần Lan đang được thế giới nhìn nhận như một cuộc cách mạng. Hãy cùng tìm hiểu xem vai trò của giáo viên trong lớp sẽ thay đổi thế nào khi áp dụng phương pháp này.

Một bước tiến mới từ việc dạy lấy học sinh làm trung tâm

Trong một cuộc chia sẻ với báo giới quốc tế hồi tháng 9 về phương pháp này, giáo sư Kirsti Lonka ở trường ĐH Helsinki chia sẻ: "Ở Phần Lan trước đây, các lớp học cũng diễn ra theo kiểu học sinh ngồi im nghe thầy/cô giảng bài.

Nhưng phần lớn các thầy cô ở đây đã dừng cách dạy này từ những năm 1980 và chuyển sang phương pháp dạy thông qua việc tổ chức các hoạt động cho học sinh".

"Và trong cuộc cải cách giáo dục năm 2016, chúng tôi đưa vào phương pháp dạy theo chủ đề, cũng vẫn lấy học sinh làm trung tâm," giáo sư Lonka nói.

"Chương trình học mới của Phần Lan dựa trên quan điểm rằng học sinh phải tích cực, chủ động trong học tập. Các em phải có khả năng tự đặt mục tiêu và tự giải quyết chúng một mình cũng như thông qua làm việc nhóm. Việc học tập sẽ hiệu quả khi học sinh tích cực đặt câu hỏi, tư duy, tra cứu kiến thức, hợp tác và trao đổi với thầy cô và bạn bè trong nhóm".

Giải thích thêm về khái niệm học theo chủ đề, thầy hiệu trưởng tại trường phổ thông Vesala, Juha Juvonen, cho biết, các chủ đề thường là những vấn đề hiện hữu đang diễn ra xung quanh như một thảm họa môi trường, một phát minh khoa học, hay một xu hướng thời trang...

"Với mỗi chủ đề đưa ra, các học sinh sẽ được khuyến khích đặt các câu hỏi và giáo viên từ nhiều bộ môn liên quan sẽ cùng hợp tác với nhau và với học sinh để tìm ra các câu trả lời thông qua việc tìm kiếm thông tin, làm thí nghiệm, khảo sát... Và qua quá trình này học sinh sẽ thu nhận kiến thức".

Thầy chia sẻ tại trường, giáo viên từ các bộ môn khác nhau thường lập nhóm để triển khai các chủ đề. Ví dụ như giáo viên vật lý và giáo viên nghệ thuật sẽ hợp tác để giải thích cho học sinh cách sử dụng ánh sáng trong nhiếp ảnh; giáo viên bộ môn sinh học và giáo viên môn nấu ăn sẽ cùng nhau dạy về chủ đề cuộc sống ở đại dương trong đó bao gồm cả hướng dẫn học sinh nấu các món ăn hải sản.

Trong một đề tài nghiên cứu mang tên "Trang bị cho sinh viên sư phạm các phương pháp học trong thế kỷ 21", Giáo sư Kati Mäkitalo-Siegl tại Khoa Sư phạm trường ĐH Chydenius thành phố Kokkola cho biết vai trò của giáo viên trong lớp đã thay đổi đáng kể khi áp dụng phương pháp dạy theo chủ đề.

"Giáo viên sẽ phải có khả năng điều chỉnh và đánh giá toàn bộ quá trình học", bà giải thích. "Họ có nhiệm vụ khuyến khích học sinh đặt câu hỏi và sau đó sàng lọc, chọn các câu hỏi phù hợp với lượng kiến thức trong chương trình học rồi cùng hợp tác với học sinh tìm các câu trả lời. Giáo viên sẽ theo sát và đánh giá học sinh qua các hoạt động, từ việc đặt câu hỏi đến việc thuyết trình báo cáo".


Các em học sinh lớp 3 của trường Phổ thông Vesala trong giờ học chế tạo robot

Các em học sinh lớp 3 của trường Phổ thông Vesala trong giờ học chế tạo robot

Lợi ích của việc dạy theo chủ đề

Theo giáo sư Lonka, lợi ích lớn nhất của việc học tập theo chủ đề là rèn luyện cho học sinh kỹ năng hợp tác, tư duy sáng tạo và giải quyết vấn đề.

"Phương pháp học này sẽ thôi thúc học sinh khám phá, sáng tạo, hợp tác và hành động", bà nhấn mạnh. "Đây đều là những kỹ năng quan trọng trong cuộc sống, đặc biệt là công việc ngày nay. Và học sinh không học được những kỹ năng này nếu chỉ ngồi im nghe thầy/cô giảng bài và làm bài tập được giao".

Bà Lonka lấy dẫn chứng một nhóm học sinh lớp 7 tìm hiểu về chủ đề lượng nước sinh hoạt sử dụng trong khu dân cư các em đang sống.

"Với chủ đề này các em sẽ tra cứu, thu thập các thông tin rồi mô tả bằng sơ đồ. Bên cạnh đó, các em còn thiết kế các robot LEGO làm các nhiệm vụ sản xuất, vận chuyển, sử dụng và thải nước. Cuối cùng, nhóm sẽ thuyết trình báo cáo và đề xuất các giải pháp bảo tồn nguồn nước trước ban giám khảo là các thầy cô của các môn liên quan.

Vậy quá trình học này bắt đầu với việc học sinh tò mò khám phá một hiện tượng thực tế, sáng tạo những cách tiếp cận riêng và sau đó các em sẽ đề xuất hành động".

Ngoài ra, giáo sư Lonka cũng cho biết thêm việc học các môn đơn lẻ đôi khi khiến học sinh bối rối không biết sự liên quan giữa các môn thế nào.

"Nhưng khi một chủ đề đưa ra, các em sẽ phải vận dụng kiến thức từ nhiều môn học liên quan để giải quyết", bà giải thích. "Lúc này các em sẽ hiểu rõ vai trò và ý nghĩa của các môn khác nhau".

Không khai trừ việc dạy các môn

Giáo sư Kati Mäkitalo-Siegl cho biết nhiều người đang hiểu lầm rằng với việc đưa vào phương pháp dạy theo chủ đề, Phần Lan đã bỏ hẳn việc dạy các môn riêng.

"Nếu chỉ dạy theo chủ đề, kiến thức của học sinh sẽ phân tán và không được sâu", bà nói. "Vậy nên chúng tôi áp dụng phương pháp này chỉ để bổ sung thêm các kỹ năng cần thiết cho học sinh chứ không phải để thay thế hoàn toàn cách dạy cũ.

Thầy hiệu trưởng trường Vesala cũng cho biết hiện tại trường vẫn tiến hành dạy các môn riêng lẻ và xen kẽ tổ chức các buổi học theo chủ đề để giúp học sinh nhìn nhận mối liên hệ giữa các môn học với thực tiễn.

"Mỗi chủ đề chúng tôi thường tổ chức cho nhiều khối cùng thực hiện trong vòng 1-2 tuần", thầy nói.

"Ví dụ như gần đây chúng tôi cho học sinh học về chủ đề thời gian. Các em lớp 1 và lớp 2 sẽ tìm hiểu về những người thợ đồng hồ của Phần Lan và học cách làm đồng hồ từ bìa giấy.

Học sinh lớp 3 tìm hiểu về lịch của các nền văn hóa khác nhau qua các thời kỳ lịch sử. Học sinh lớp 4 và lớp 5 thiết kế bản đồ chi tiết cho thành phố tương lai. Còn học sinh lớp 6 lên kế hoạch hành trình cho chuyến đi tham quan tới nước Anh của lớp.

Quá trình học sẽ xoay quanh các câu hỏi của học sinh và kết thúc bằng việc học sinh viết và trình bày báo cáo về những gì đã học được từ chủ đề đó".

Phong Lan

(Từ Helsinki, Phần Lan)