"Vá" lỗ hổng giáo dục giới tính để bảo vệ trẻ khỏi "quỷ ấu dâm"

Kiều Phương Kiều Mỹ

(Dân trí) - Để bảo vệ trẻ trước nạn ấu dâm, điều quan trọng nhất mà nhà trường, gia đình cần hướng tới là trang bị kiến thức về giới tính cho trẻ.

Bởi đây là cách tốt nhất giúp trẻ biết yêu quý bản thân, nhận biết nguy cơ và cách phòng tránh bị kẻ xấu xâm hại.

Vá lỗ hổng giáo dục giới tính để bảo vệ trẻ khỏi quỷ ấu dâm - 1

Theo các chuyên gia, bên cạnh sự nỗ lực của phụ huynh, thì giáo viên, nhà trường cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc giáo dục giới tính cho trẻ. (Ảnh: minh họa).

Đừng ngại giáo dục giới tính cho trẻ

Chuyên viên tâm lý Đào Lê Tâm An cho biết, trước vấn nạn xâm hại tình dục trẻ em ngày một gia tăng và mang tính phức tạp, thì trẻ em - những mầm cây non nớt cần được bảo vệ triệt để, công bằng và không phân biệt về giới tính.

Theo đó, việc quan trọng trước tiên mà mỗi gia đình, nhà trường cần hướng tới đó chính là trang bị kiến thức về giới tính cho trẻ. Điều này được thực hiện càng sớm càng tốt, bởi đây là cách giúp trẻ biết yêu quý bản thân, nhận biết nguy cơ và cách phòng tránh bị kẻ xấu xâm hại.

"Có hai phương pháp chủ yếu được áp dụng khi giáo dục giới tính cho trẻ, thứ nhất là việc nói chuyện khoa học, cởi mở để trẻ tự có những hàng rào bảo vệ của riêng mình. Và thứ hai - cũng là cách mà đa số gia đình đang áp dụng, đó là việc ngăn cấm, nói rằng "đây là việc xấu, việc người lớn".

Điều này có thể xuất phát từ sự thiếu hụt kiến thức, không biết phải trang bị điều gì cho con về chủ đề giới tính và tình dục, và cũng có thể đến từ quan niệm "Vẽ đường cho hươu chạy". Sự lo sợ đó vô tình tước đi kiến thức phòng vệ, phản ứng với những tình huống nguy hiểm của trẻ. Do đó, người lớn cần phải thay đổi nhận thức, tư duy thì mới có thể lấp đầy "lỗ hổng" trong công tác giáo dục giới tính" - chuyên viên tâm lý cho biết.

PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học giáo dục (Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng đồng tình với quan điểm này. Trao đổi với Dân trí, PGS khẳng định, cha mẹ chính là những người đóng vai trò quan trọng nhất trong việc giáo dục giới tính cũng như phòng ngừa các vấn đề tình dục cho trẻ.

Cha mẹ không nhất thiết phải là chuyên gia am hiểu về vấn đề này mới giáo dục được mà chính thái độ của cha mẹ với vấn đề giới tính, tình dục mới quan trọng để giúp trẻ định hướng đúng đắn.

"Tuy nhiên, để có thể dạy con một cách hiệu quả thì đầu tiên cha mẹ cần đấu tranh để gạt bỏ những niềm tin sai lầm như: con sẽ mất đi sự ngây thơ nếu tôi dạy chúng về vấn đề giới tính, tình dục; dạy con về các nguy cơ bị xâm hại sẽ làm cho con chấn thương tâm lý…

Thứ hai, cha mẹ cần học cách bao dung những vấn đề giới tính bình thường của con. Ví dụ, ở một độ tuổi nhất định, hành vi con sờ vào bộ phận sinh dục là hoàn toàn bình thường. Cha mẹ chỉ cần nhắc nhở con không được làm như vậy ở nơi công cộng.

Bên cạnh đó, bản thân cha mẹ cũng không được có những hành động vi phạm liên quan đến vấn đề giới tính của con. Ví dụ, trẻ dây bẩn thì cha mẹ cũng tuyệt đối không được lột quần áo trẻ ở nơi công cộng hoặc ở những hoàn cảnh làm cho trẻ cảm thấy xấu hổ hoặc tội lỗi, mất thể diện".

Về vấn đề này, theo PGS.TS Trần Thành Nam, ở mỗi độ tuổi, cha mẹ có thể dạy con những bài học về giới tính sao cho phù hợp với độ tuổi ấy.

Ví dụ, khi trẻ bắt đầu bập bẹ tập nói, phụ huynh có thể dạy cho trẻ cách gọi tên chính xác của các bộ phận cơ thể, bao gồm cả bộ phận sinh dục; hay chỉ cho trẻ hiểu sự khác biệt giới tính.

Ở giai đoạn trẻ 4-5 tuổi, bố mẹ có thể thông tin cho con về chức năng của các bộ phận cơ thể cũng như bộ phận sinh dục; dạy con về những đụng chạm an toàn và không an toàn, những trường hợp nào phải nói ngay cho gia đình, thầy cô…

Khi trẻ bước vào độ tuổi dậy thì, bố mẹ cần xóa bỏ rào cản để nói cho trẻ hiểu về tình yêu, tình dục; đồng thời hướng dẫn con cách thức lựa chọn các kênh thông tin phù hợp để tìm hiểu về tình dục.

Cũng theo chuyên gia, bên cạnh sự nỗ lực của phụ huynh, thì giáo viên, nhà trường cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Bởi thực tế, thầy cô cũng sẽ là "chốt" phát hiện sớm và phòng ngừa xâm hại tình dục trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục bởi các thành viên trong gia đình.

"Tôi cho rằng, bản thân giáo viên cũng là người cần cởi mở về vấn đề giáo dục giới tính, phòng ngừa xâm hại tình dục, bởi khi thầy cô cởi mở, vấn đề này sẽ không còn là cấm kỵ đối với các em.

Song song với đó, thầy cô cần truyền thông kiến thức về giới tính cho phụ huynh, học sinh bằng cách lồng ghép các bài học phòng ngừa vào chương trình học.

Giống với các bậc phụ huynh, để bảo vệ trẻ khỏi hành vi xâm hại, giáo viên cần hết sức bao dung với hành vi giới tính bình thường của trẻ; cảnh giác và khuyến cáo bố mẹ cảnh giác với những đối tượng khả nghi; đặc biệt là cần nhạy cảm để nhận biết những thay đổi ở trẻ - bởi đây có thể là dấu hiệu cảnh báo trẻ đang "gặp nguy".

Quan trọng hơn, trong trường hợp trẻ bị xâm hại, và trẻ tố cáo, thì giáo viên cần cam đoan với trẻ là ta tin chúng; khẳng định rằng trẻ đã đúng khi nói ra; hay an ủi rằng trẻ đáng được yêu thương… Những hành động tưởng chừng nhỏ bé này sẽ phần nào giúp trẻ vơi đi nỗi đau trước thực tế khủng khiếp mà các con phải gánh chịu" - chuyên gia đề xuất.

Cần sự chung tay của cả cộng đồng

Ở một góc nhìn khác, PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng, để hạn chế nạn xâm hại trẻ em, toàn xã hội phải có ý thức bảo vệ cả nhóm trẻ có nguy cơ cao bị xâm hại tình dục như: trẻ ăn xin, bán hàng rong, trẻ bỏ học, trẻ đường phố hoặc không có sự giám sát của cha mẹ; trẻ sống trong những gia đình dễ bị tổn thương (dân tộc thiểu số, kinh tế khó khăn, dân di cư); trẻ nghiện game, internet; trẻ khuyết tật; trẻ xuất hiện tại các điểm giải trí và dịch vụ du lịch có mối liên hệ trực tiếp hay gián tiếp tới công nghiệp tình dục.

Chuyên gia tâm lý Vũ Thu Hà (Viện trưởng Viện nghiên cứu đào tạo và can thiệp tâm lý Việt Nam - VPIT) cũng đồng tình với quan điểm này. Cô cho biết, việc bảo vệ trẻ em trước vấn nạn xâm hại tình dục không còn là câu chuyện của riêng ai. Để bảo vệ những mầm non trước giông bão, hiểm nguy, sức mạnh lớn nhất sẽ đến từ toàn thể xã hội.

"Theo đó, tôi mong muốn chúng ta, những người sống trong cùng một cộng đồng hãy quan tâm, chia sẻ cùng nhau, đồng thời dũng cảm hơn trong việc "can thiệp" vào vấn đề con cái của gia đình khác.

Can thiệp ở đây không phải là tò mò, soi mói đời tư; mà chính là sự lên tiếng đúng lúc khi thấy dấu hiệu bất thường của một đứa trẻ trong một gia đình nào đó. Nếu có trường hợp đau lòng nào liên quan đến trẻ em xảy ra, mọi người cần báo ngay tới Tổng đài bảo vệ trẻ em 111 để nhận được sự hỗ trợ kịp thời".

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm