Va chạm khi chơi thể thao, nam sinh học cách "nhịn đòn"
(Dân trí) - "Nhịn từ cú huých vai đầu tiên sẽ tránh được trận ẩu đả sau đó", em H.T.T. (16 tuổi, Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ về cách ứng phó với những mâu thuẫn, va chạm khi chơi thể thao.
Lớp 9, H.T.T. từng bị nhà trường khiển trách vì va chạm khi chơi đá bóng trên sân trường. Sân trường nhỏ, nhiều lớp cùng chơi nên luôn thường trực nguy cơ va chạm.
Trong một giờ chơi, H.T.T. đá bóng với lực mạnh làm quả bóng bay sang chỗ chơi của nhóm học sinh lớp 6, va trúng mặt một em. Bị đau, nam sinh lớp 6 chạy đến xô đẩy mạnh H.T.T. để trả đũa. Nhóm bạn của H.T.T. thấy vậy cũng lao vào. Hai bên huých vai, xô đẩy nhau và chỉ dừng lại khi bảo vệ trường phát hiện ra.
H.T.T và cả nhóm học sinh liên quan vụ việc bị kỷ luật khiển trách.
"Đó không phải lần đầu tiên chúng em va chạm trên sân bóng. Con trai đi đá bóng mà bảo không mâu thuẫn gì nhau thì rất khó. Nhưng chúng em học cách "nhịn".
Nhiều khi mình bị đánh hoặc bạn mình bị đánh, nếu không nhịn mà đánh lại ngay thì rất dễ xảy ra chuyện to. Nhịn từ cú huých vai đầu tiên sẽ tránh được trận ẩu đả sau đó. Nên chúng em thường sẽ cố gắng "nhịn đòn", sau đó sẽ xử lý bằng cách nói chuyện, yêu cầu đối phương phải xin lỗi.
Cũng có lúc bọn em phải xin lỗi vì gây hấn trước. Sau khi xin lỗi thì vẫn đá bóng, giao hữu bình thường.
Tuy vậy cũng có trường hợp chúng em dừng chơi vì thấy đối thủ không có tinh thần thể thao, thù vặt, chơi xấu trên sân. Em nghĩ chơi gì cũng vậy, chơi thể thao cũng cần lựa chọn bạn chơi hợp, thấy không ổn thì tránh", H.T.T. chia sẻ.
Thầy Bùi Văn Tú - giáo viên bộ môn giáo dục thể chất, Trường THCS & THPT Lê Quý Đôn - cho biết, va chạm khi chơi thể thao là một phần tự nhiên của hoạt động thể chất ở lứa tuổi học trò.
Bản thân thầy Tú thường xuyên phải giải quyết những va chạm, mâu thuẫn này, đặc biệt trong các trận đấu bóng đá của lứa tuổi trung học.
"Chỉ cần hai cầu thủ từ hai đội va chạm mạnh mẽ khi tranh chấp bóng, cảm xúc bất hòa sẽ xảy ra và dễ dẫn đến tình hình căng thẳng nếu người thầy không kịp thời xử lý tình huống", thầy Tú cho hay.
Từ thực tế giảng dạy, thầy Tú nêu quan điểm, học sinh phải được hướng dẫn về cách chơi thể thao an toàn và tôn trọng đối thủ trong giờ học giáo dục thể chất để áp dụng vào cuộc sống, tránh các hệ lụy xấu, có nguy cơ mất an toàn cho bản thân và bạn bè.
"Ở góc độ giảng dạy, người giáo viên phụ trách môn giáo dục thể chất không chỉ dạy về kỹ thuật, nội dung bài học mà còn phải hướng dẫn kỹ càng cho học sinh về các quy tắc và tinh thần thể thao gồm sự tôn trọng, sự công bằng và ý thức về an toàn.
Giáo viên có thể cho học sinh thảo luận về tình huống thực tế, như các tình huống va chạm thể thao mà họ đã gặp phải hoặc đã chứng kiến, sau đó hỏi học sinh về cách họ cảm thấy và cách họ xử lý tình huống đó.
Giáo viên cũng nên tổ chức các hoạt động mô phỏng hoặc diễn tập để học sinh có thể trải nghiệm và thực hành cách giải quyết tình huống va chạm một cách tôn trọng và hòa bình.
Đồng thời, học sinh cần được thầy hướng dẫn về cách thảo luận và giao tiếp một cách hiệu quả trong tình huống xung đột, bao gồm cách diễn đạt ý kiến của mình một cách lịch sự và lắng nghe ý kiến của người khác.
Để các em tôn trọng luật chơi hơn, giáo viên hãy cho phép và khuyến khích các em tham gia vào việc tạo ra các quy tắc cũng như cam kết về tinh thần thể thao, các cách xử lý tình huống va chạm trong đội thể thao của họ.
Cuối cùng là luôn động viên và gợi mở học sinh để họ hiểu và thực hiện tinh thần thể thao trong mọi hoàn cảnh, không chỉ trong lúc thi đấu mà còn trong cuộc sống hàng ngày, phát triển kỹ năng giải quyết xung đột một cách tích cực và hiệu quả", thầy Bùi Văn Tú phân tích.