Tổng kết chương trình Vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành giáo dục:

Ưu tiên tìm giải pháp nâng cao đời sống nữ GV vùng sâu, vùng xa

(Dân trí) - Đó là lời hứa của Thứ trưởng Bộ GD- ĐT Nguyễn Thị Nghĩa tại hội nghị tổng kết 5 năm triển khai chương trình Vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành giáo dục vừa diễn ra tại Đà Nẵng.

Ngày 30/12, tại Đà Nẵng, Bộ GD-ĐT tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm triển khai chương tình Vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành giáo dục. Hội nghị do Thứ trưởng Bộ GD- ĐT Nguyễn Thị Nghĩa chủ trì. 

Qua 5 năm triển khai, chương trình Vì sự phát triển của phụ nữ ngành giáo dục đã đạt nhiều thành quả trong mục tiêu thực hiện quyền bình đẳng của phụ nữ trong lĩnh vực lao động và việt làm. Đây là mục tiêu hàng đầu trong 5 mục tiêu trọng tâm của chương trình.

Kết quả đáng ghi nhận, tỷ lệ giáo viên nữ tuyển dụng mới hàng năm tăng lên. Tại các trường ĐH, CĐ, học viện, tỷ lệ giảng viên nữ có trình độ sau đại học tăng gần 50%. Nhiều tập thể, cá nhân được tặng Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam, Kovalepskaia, Tài năng sáng tạo… Đặc biệt, hơn 90% nữ cán bộ, giáo viên trong ngành có hoàn cảnh khó khăn được thụ hưởng chương trình vay vốn từ nhiều chương trình “vòng tay đồng nghiệp”, “Quỹ tương trợ”, “Quỹ vì phụ nữ nghèo”…

Ưu tiên tìm giải pháp nâng cao đời sống nữ GV vùng sâu, vùng xa - 1
Hội nghị tổng kết 5 năm triển khai chương trình Vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành giáo dục diễn ra tại Đà Nẵng ngày 30/12.

Phát biểu tại Hội nghị, Thử trưởng Bộ GD- ĐT Nguyễn Thị Nghĩa đánh giá: Hoạt động vì sự tiến bộ phụ nữ (VSTBPN), hoạt động nữ công của ngành GD đã bám sát nhiệm vụ chính trị, đặc trưng công việc, đặc điểm của từng cơ sở giáo dục, từng địa phương. Các cuộc vận động, phong trào thi đua mang tính ngành nghề sâu sắc, phù hợp với nguyện vọng của nữ nhà giáo và lao động. Qua đó đã phát huy được tiềm năng, sức sáng tạo và khả năng đóng góp cao nhất của từng tập thể và cá nhân trên tất cả các lĩnh vực.

Có thể nhìn thấy rõ, đội ngũ nữ nhà giáo và lao động trong ngành ngày càng trưởng thành về mọi mặt, đóng góp lớn cho ngành và khẳng định được vị thế đối với toàn xã hội.

Về hướng hành động trong giai đoạn tiếp theo của Ban VSPTPN ngành GD, Thứ trưởng Nghĩa nhấn mạnh, một trong những ưu tiên của chương trình là nỗ lực tìm giải pháp nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nữ GV vùng sâu, vùng xa.

Khánh Hiền