Ước nguyện đẹp của cô gái tật nguyền
Đang ở độ tuổi đẹp nhất của người con gái, Vũ Thùy Trang đã bị tai nạn chẳng giống ai khiến cô không thực hiện ước mơ bình thường nhất của một phụ nữ. Không than trách số phận hay đổ lỗi cho hoàn cảnh, cô gái ấy đã vượt lên để khẳng định bản thân.
Quá khứ buồn...
Cô gái đó tên là Vũ Thùy Trang, sống tại nhà số 24 ngõ Văn Chương, phố Khâm Thiên (Hà Nội). Trong một buổi chiều cuối tuần mưa giá, tôi có dịp ghé thăm Trang trong ngôi nhà nhỏ. Trên gác xép rộng chừng 5 – 6m2, Thùy Trang tiếp chúng tôi với nụ cười hồn hậu. Lúc đầu, do còn lạ lẫm nên cô ít chuyện lắm. Chỉ khi thấy tôi nói chuyện chân thành, Trang mới xởi lởi chia sẻ những điều thật không dễ với một người khuyết tật.
Sinh năm 1982, những tưởng cuộc đời của Thuỳ Trang sẽ êm đềm, nhưng việc thi trượt đại học đã khiến cô hoàn toàn suy sụp. Được sự động viên của gia đình và bạn bè, cô đã kiên trì ôn tập để thi lại. Tuy nhiên, áp lực đỗ đại học đã khiến Trang bị căng thẳng thần kinh, mất ngủ liên tục. Các ảo giác xuất hiện và thường hành hạ cô. Vào 5h30 một ngày của tháng 5.2000, sau cả đêm thao thức, Trang chợt nghe thấy tiếng gọi từ đâu đó trong đầu rủ ra đường tàu ở gần nhà để đi tàu. Cô bật dậy, chạy như điên theo tiếng gọi từ phía đường tàu. Cô chui qua thanh barie chắn ngang. Đoàn tàu vụt qua, trong thoáng chốc, Trang thấy mình nhẹ bẫng...
Các bác sĩ đã phải phẫu thuật cắt bỏ chỗ thương tật để giữ lại mạng sống cho Trang. Nhưng nỗi đau thì đã in hằn lên cơ thể mảnh dẻ của cô: Mất ngón cái chân phải, chân trái bị cưa đến dưới đầu gối, mất toàn bộ tay phải và ngón trỏ tay trái, hai ngón giữa tay trái bị giập gãy xương. Nỗi đau về thể xác ban đầu đã xua đi những u uẩn về tinh thần, nhưng chỉ được ít lâu sau khi ra viện, cô lại rơi vào trạng thái rối loạn tinh thần. Bạn bè không còn chơi với cô vì họ không thể chịu được việc suốt ngày Trang gọi điện kể đủ thứ chuyện. Trang được đưa vào Bệnh viện Tâm thần Mai Hương điều trị. Và rồi, những người bạn thân hồi cấp một và cấp hai khi biết tin về Trang đã gọi điện, đến thăm và còn rủ đi chơi. Nhiệt tình hơn là có cô bạn thân còn đến nhà đèo Trang tuần ba buổi để cùng đi học tiếng Anh. Việc học đã phần nào giúp Trang lấy lại niềm vui và cân bằng hơn trong cuộc sống. Năm 2003, cô bắt đầu tập đi bằng chân giả. Việc tự đi khiến cô có cảm giác trở lại cuộc sống gần như bình thường.
Ước nguyện sống đẹp
Tháng 3.2007, Trang biết đến khóa học cử nhân tiếng Anh, hệ đại học từ xa của Trường Đại học Hà Nội qua một người bạn. Dù muốn tham gia, nhưng Trang bị gia đình phản đối vì bệnh của cô vẫn chưa chấm dứt. Trang chia sẻ: “Mình buồn lắm, chỉ thấy tủi thân và thiệt thòi nữa. Nhưng nhờ có những người bạn động viên, mình đã lấy lại bình tĩnh và suy nghĩ sâu hơn”. Và kết quả, Trang lặng lẽ tự ôn luyện rồi nhờ bạn đưa đi thi. Tháng 5.2007, nhận được tin trúng tuyển, Trang mừng ít mà lo nhiều. Dù được giảm 50% học phí, nhưng do bố mẹ chưa tin tưởng nên không hỗ trợ tài chính, Trang đã phải dồn hết tiền mừng tuổi để dành đóng học phí và hằng ngày tự đi ra bến xe buýt đi học.
Nhờ có một bạn thân, Trang nghĩ đến việc dạy thêm tiếng Anh cho học sinh, kiếm tiền trang trải chi phí học tập. Việc này rất khó khi mọi người đều biết căn bệnh tâm thần trong quá khứ của Trang. “Khó mà làm được thì mới giỏi chứ!” - với lời động viên như vậy, ban đầu, Trang mở lớp dạy miễn phí, cộng với khả năng thực thụ, Trang đã dần hút học sinh. Đến nay, Trang cũng có nguồn thu nhập từ 1 triệu - 1,5 triệu đồng/tháng. Tiền kiếm được, Trang sắm được cả chiếc máy vi tính để giúp cho việc học tiếng Anh.
Trang nổi tiếng khắp trường về sự chăm chỉ. Năm đầu, cô theo học lớp buổi tối, nhưng sau đó, thấy lớp ban ngày thời gian học dài hơn và học viên cũng chăm hơn nên cô xin đổi lớp. Không chỉ vậy, Trang còn thường ghé vào các lớp buổi tối để tích luỹ thêm kiến thức. Cô từng nhận được học bổng Prudential trao cho sinh viên khuyết tật có thành tích tốt trong học tập. “Mình luôn đạt thành tích học tập đứng nhất - nhì lớp. Được các thầy cô và các bạn trong lớp quý mến, nên mình cảm thấy tự tin lắm” - Trang tâm sự. Trang còn khoe đã từng giữ danh hiệu “người phát biểu nhiều nhất ở khóa K18”. Trang còn thường xuyên có mặt tại CLB tiếng Anh ở Đại sứ quán Mỹ và Trường Tiểu học Cát Linh. “Mình rất thích nói tiếng Anh với mọi người và được khen là dí dỏm. Chuyện trò vui vẻ, mình quên hẳn những vết thương hằng ngày vẫn hành hạ mình. Khi chưa bị tai nạn, do thành tích học tập không tốt, mình chỉ dám ước trở thành nhân viên kế toán. Nhưng giờ, mình lại có cơ hội trở thành cô giáo - một ước mơ hồi nhỏ của mình” - Trang khoe.
Tháng 7.2011, Trang tốt nghiệp với tấm bằng khá chuyên ngành tiếng Anh và cô được nhận làm biên dịch tài liệu tiếng Anh tại một tổ chức phi chính phủ của VN đóng trên đường Lê Duẩn. Với Trang lúc này, công việc và gia đình, bạn bè chính là nguồn động lực lớn để cô tiếp tục sống và cống hiến cho xã hội. Trong tâm niệm, Trang luôn muốn dành những gì mình có cho những trẻ em khuyết tật, những người có hoàn cảnh khó khăn. Và ước mơ được học tập vẫn chưa bao giờ nguội tắt trong cô. Trang cho biết trong thời gian tới, cô sẽ học thêm về tiếng Anh, đồng thời sẽ tích cực học vẽ để trở thành họa sĩ. Tôi tin, Thuỳ Trang sẽ đạt được ước nguyện.