Tuyển sinh vào lớp 10 căng thẳng hơn thi đại học

Cuộc đua tuyển sinh đầu cấp tại các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM đang dần “nóng” lên khiến phụ huynh và học sinh chịu nhiều áp lực...

Căng thẳng vì quá tải

Tại Hà Nội, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 bao giờ cũng “nóng” nhất bởi chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường THPT công lập chỉ chiếm khoảng 70% số thí sinh đăng ký dự thi. Sở GD-ĐT Hà Nội vừa công bố thông tin chi tiết về chỉ tiêu, số lượng học sinh đăng ký vào lớp 10 không chuyên các trường THPT công lập năm học 2017-2018.

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 ở Hà Nội căng thẳng với tỷ lệ chọi cao.
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 ở Hà Nội căng thẳng với tỷ lệ chọi cao.

Theo đó, đứng đầu trường có tỉ lệ chọi cao nhất là Trường THPT Chu Văn An với tỉ lệ 3:1. Các trường THPT Yên Hòa có tỉ lệ 2,9:1. Trường THPT Nhân Chính có tỉ lệ chọi cao thứ 3 là 2,7:1. Các trường thuộc top 10 đều có số lượng hồ sơ đăng ký trên 1.000. Sau khi công bố các thông tin tỉ lệ chọi của các trường, thí sinh có thể cân nhắc thay đổi nguyện vọng trong 2 ngày 22 - 23/5. Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 của Hà Nội sẽ diễn ra vào ngày 9/6 với 2 môn Toán và Ngữ văn. Học sinh thi vào lớp chuyên sẽ thi thêm các môn chuyên vào ngày 10 - 11/6.

Với các trường tiểu học và THCS trên địa bàn TP. Hà Nội, năm nay vẫn áp dụng thống nhất phương thức xét tuyển cho tất cả các trường. Mặc dù Sở GD-ĐT đã yêu cầu các trường THCS không tổ chức thi tuyển đầu cấp nhưng nhiều cuộc đua vào những trường có uy tín về chất lượng của Thủ đô vẫn vô cùng căng thẳng. Không những thế, tình trạng quá tải được dự đoán sẽ xảy ra ở một số địa bàn tập trung nhiều chung cư, khu đô thị mới hoặc các khu công nghiệp lớn.

Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì - bà Phạm Thị Thu Huyền cho biết, năm học 2017 - 2018, cấp tiểu học tăng hơn 500 học sinh so với năm học trước. Đặc biệt là tình trạng quá tải bậc tiểu học tại khu đô thị Tả Thanh Oai. Trường Tiểu học Tả Thanh Oai chỉ có 12 lớp 1, nhưng thống kê có tới 913 học sinh thuộc diện KT1 (có hộ khẩu thường trú), KT2 (hộ khẩu thường trú quận, huyện khác nhưng đang cư trú thực tế tại địa bàn), tính trung bình sẽ có hơn 80 học sinh/lớp. Tại quận Long Biên, năm học mới, dự kiến số học sinh vào lớp 6 tăng hơn 1.000 học sinh so với năm học trước nên cũng sẽ thiếu phòng học.

Tại TP. Hồ Chí Minh, năm học mới này chỉ tiêu vào lớp 10 công lập chỉ hơn 63.000, trong khi số học sinh dự thi dự kiến lên đến hơn 81.000. Gần 20.000 học sinh sẽ trượt khỏi đường đua này. Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, tuyển sinh vào lớp 10 cũng chỉ lấy hơn 70% học sinh vào công lập, số còn lại để phân luồng vào các hệ khác như Trung tâm Giáo dục thường xuyên, trung cấp nghề… Ngày 2 và 3/6, sẽ diễn ra kỳ thi tuyển sinh lớp 10 với ba môn Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ (khối chuyên sẽ thi thêm một môn chuyên). Không những thế, tuyển sinh vào lớp 6 tại các quận, huyện ở TP.HCM năm nay cũng không kém phần căng thẳng.

Theo thống kê ban đầu, năm học 2017-2018, số học sinh từ lớp 5 lên lớp 6 ở các quận, huyện tăng so với mọi năm, có khoảng 100.000 học sinh vào lớp 6. Cũng giống như Hà Nội, Sở GD-ĐT TP.HCM quy định tuyển sinh vào lớp 6 sẽ không thi tuyển dưới bất cứ hình thức nào. Tuy nhiên, cuộc chạy đua vào lớp 6 trường điểm gay gắt hơn, nhất là khi sẽ có quá nhiều học sinh giỏi được đánh giá theo Thông tư 22.

Cấm thi dưới mọi hình thức

Theo ông Phạm Văn Đại, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, để chuẩn bị cho năm học mới 2017-2018, Hà Nội sẽ đẩy mạnh hơn nữa hình thức đăng ký xét tuyển trực tuyến này. Sở yêu cầu các Phòng GD - ĐT, nhà trường chuẩn bị chu đáo mọi mặt ngay từ thời điểm này như rà soát lại hệ thống công nghệ thông tin, mạng internet, nhân lực. Các trường hỗ trợ tối đa cho phụ huynh trong việc này, tránh để xảy ra bức xúc.

Bộ GD&ĐT cấm thi đầu vào cấp tiểu học và trung học dưới mọi hình thức.
Bộ GD&ĐT cấm thi đầu vào cấp tiểu học và trung học dưới mọi hình thức.

Theo đó, thời gian tuyển sinh trực tuyến với lớp 1 diễn ra từ ngày 15/6 đến 18/6; mầm non từ ngày 19/6 đến 22/6; trung học cơ sở từ ngày 23/6 đến 26/6; thời gian tuyển sinh trực tiếp từ ngày 1/7 đến 15/7. Hiện mỗi học sinh đầu cấp được cấp một mã tuyển sinh. Sau khi được duyệt kế hoạch tuyển sinh, các trường sẽ đăng tải đầy đủ các thông tin tuyển sinh trên trang web của UBND quận, huyện và của nhà trường để phụ huynh nắm bắt được các bước đăng ký tuyển sinh trực tuyến.

“Nếu nhà trường có số lượng học sinh đăng ký vào học lớp 1 hoặc lớp 6 nhiều hơn so với chỉ tiêu thì căn cứ vào các quy định hiện hành để xây dựng phương án tuyển sinh phù hợp, trình Phòng GD-ĐT và UBND quận, huyện, thị xã, báo cáo Sở GD-ĐT xem xét phê duyệt. Sở GD-ĐT nghiêm cấm các nhà trường tổ chức thi để tuyển sinh. Các trường tuyển học sinh vào lớp 1, lớp 6 tuyệt đối không được đưa ra bất cứ hình thức thi tuyển nào, tránh gây ra áp lực không cần thiết. Thành phố có đủ chỗ học cho học sinh”- ông Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh.

UBND TP. Hồ Chí Minh cũng yêu cầu phải đảm bảo đủ chỗ học cho con em nhân dân TP, đặc biệt là con em gia đình chính sách, gia đình nghèo, công nhân. Các trường tuyển sinh đầu cấp phải đảm bảo công khai, minh bạch, nghiêm cấm kêu gọi quyên góp, hỗ trợ từ người học dưới mọi hình thức.

Theo Hoàng Dũng

VOV