Tuyển sinh vào 10 tại Hà Nội: Căng ở đâu?
Ở thời điểm này, tất cả học sinh lớp 9, giáo viên và phụ huynh đều đang gấp rút chuẩn bị cho giai đoạn tuyển sinh quan trọng. Theo dự báo, các trường công lập của Hà Nội năm nay chỉ đáp ứng được 60% học sinh vào học lớp 10, số còn lại sẽ phải học trường dân lập.
“Căng” vì số lượng học sinh tăng đột biến
Kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập trên địa bàn Hà Nội năm nay được dự báo sẽ diễn ra hết sức căng thẳng do tỷ lệ "chọi" sẽ cao hơn hẳn mọi năm. Thí sinh vào lớp 10 của Hà Nội năm nay tăng đột biến, thêm tới gần 22.000 em, chủ yếu do tăng dân số cơ học vào năm đẹp dê vàng (2003). Trong khi đó, điều kiện cơ sở vật chất của Hà Nội chỉ đảm bảo được 60% học sinh vào lớp 10 trường công lập.
Theo như những năm trước, chỉ tiêu tuyển sinh các trường THPT thường căn cứ vào lượng học sinh lớp 12 ra trường. Tuy nhiên, con số đó không thể đúng được đối với năm nay, khi mà số lượng học sinh tăng đột biến như đã phân tích ở trên.
Năm học 2017-2018, toàn thành phố có 82.934 học sinh xét tốt nghiệp THCS. Chỉ tiêu tuyển sinh vào hệ trung học phổ thông là 69.500 học sinh, trong đó các trường công lập tuyển 56.840 học sinh, các trường ngoài công lập tuyển 12.660 học sinh. Số học sinh được tuyển vào trung tâm giáo dục thường xuyên là 7.000 học sinh. Số học sinh được tuyển vào các trường trung học chuyên nghiệp là 6.443 học sinh.
Còn năm nay, có hơn 100.000 học sinh lớp 9 ở Hà Nội sẽ thi tuyển vào lớp 10. Con số học sinh tăng thêm tạo áp lực rất lớn cho ngành Giáo dục thủ đô.
Chính vì vậy, dù đại diện Sở GD-ĐT Hà Nội từng chia sẻ, trong tháng 3 sẽ công bố phương án tuyển sinh đầu cấp tại các trường phổ thông trên địa bàn, tuy nhiên cho đến lúc này, vẫn chưa có con số tuyển sinh cụ thể nào được chính thức công bố.
Lý do là Sở GD-ĐT Hà Nội cần cân nhắc thêm khả năng có thể tăng được chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 công lập trong năm học 2018-2019 hay không. Hiện tại, Sở GD-ĐT Hà Nội vẫn đang hướng dẫn các trường THPT rà soát cơ sở vật chất và đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh. Chính vì lẽ đó, các trường THPT chưa có chỉ tiêu tuyển sinh cụ thể.
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Văn Đại - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cũng khẳng định, việc toàn thành phố rà soát cơ sở vật chất là bước quan trọng để xem xét khả năng tăng chỉ tiêu các trường công lập trong năm học tới.
Theo Sở GD-ĐT Hà Nội, những năm trước, Hà Nội phân chia thành 12 khu vực tuyển sinh. Học sinh ở khu vực nào được đăng ký NV1, NV2 vào khu vực tuyển sinh đó. Lựa chọn nguyện vọng nào là quyền của thí sinh nhưng các chuyên gia cũng khuyên thí sinh nên tham khảo điểm tuyển sinh của các năm trước để lượng sức mình.
“Căng” ở các trường nội đô
Theo thông tin từ đại diện các Phòng Giáo dục thành phố, có thể thấy, áp lực đang đổ dồn vào nội đô bởi số lượng học sinh nội thành hiện cao gấp nhiều lần ngoại thành.
Theo dự báo, chỉ có 60% học sinh Hà Nội đủ chỉ tiêu vào học các trường công lập. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
Bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng phòng GD-ĐT quận Hà Đông cho biết, năm nay sẽ có hơn 4.400 học sinh lớp 9 trên địa bà thi tuyển vào lớp 10, tăng hơn 1.000 em so với năm ngoái. Quận Hà Đông hiện có 18 trường công lập, do đó sẽ đảm bảo được khoảng trên 60% học sinh vào học trường công.
Ông Hoàng Việt Cường, Trường phòng GD-ĐT Gia Lâm cũng cho rằng lượng thí sinh tăng thêm tại địa bàn là không đáng kể. Số lượng học sinh lớp 9 của huyện Gia Lâm năm nay thi vào lớp 10 là gần 3.400 học sinh (năm ngoái là gần 2.800 học sinh).
Tuy nhiên, ngay cả khi lượng thí sinh không tăng thì lâu nay số trường THPT công lập ở Hà Nội vốn đã không đủ để đáp ứng nhu cầu. Đơn cử quận Cầu Giấy, trong khi số lượng trường THCS công lập và ngoài công lập khá đông với 21 trường, thì ở khối THPT chỉ có 3 trường công lập.
Mùa tuyển sinh đầu cấp 2017-2018, để vào được trường công lập trên địa bàn ở quận Cầu Giấy, mỗi môn Văn, Toán của học sinh phải đạt 8 điểm trở lên, cộng với học bạ loại giỏi. Do đó, ngay từ khi vào học lớp 9, học sinh rất căng thẳng chạy đua để có suất vào trường công lập vì trường tư tốt thì học phí quá đắt đỏ.
Theo cô Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa, năm ngoái trường có chỉ tiêu 480 học sinh lớp 10, tỷ lệ chọi là 3/1. Trường có điểm xét tuyển 52,5 điểm, như vậy là chỉ xếp sau Trường THPT Chu Văn An (54,5 điểm) và trường THPT Kim Liên (có điểm chuẩn là 53 điểm). Có thể thấy, Yên Hòa đang là tâm điểm nhắm đến của nhiều thí sinh và phụ huynh học sinh trong khu vực đang có sự phát triển “nóng” về dân số này.
Tại huyện Gia Lâm, dù số lượng thí sinh tăng không đáng ngại như chia sẻ của đại diện Phòng giáo dục, nhưng do trên địa bàn huyện chỉ có 4 trường công lập nên việc số lượng học sinh tăng tạo khá nhiều áp lực trong việc tuyển sinh vào lớp 10.
Tuy trên lớp, giáo viên vừa dạy sâu vừa hệ thống kiến thức nhưng học sinh được cha mẹ cho đi học thêm ở ngoài rất nhiều. Theo khảo sát của phóng viên, các lớp học thêm liên tục và kéo dài từ lớp 7-8 cho tới thời điểm quan trọng lớp 9 diễn ra phổ biến hơn cả. Bên cạnh đó, tại các khu vực tập trung nhiều “lò luyện” như Nguyễn Trãi, Lương Định Của hay khu vực Đại học Sư phạm Hà Nội cũng mở ra các lớp cấp tốc với mức giá luyện thi khá cao từ 120.000-160.000/1 giờ luyện thi đáp ứng yêu cầu bổ sung kiến thức của các học sinh.
Về vấn đề luyện thi, học thêm của học sinh, theo ông Phạm Văn Đại - Phó GĐ Sở GD-ĐT Hà Nội, các trung tâm ở Hà Nội luyện thi vẫn diễn ra bình thường vì nhu cầu học là có thật. Nguyện vọng phụ huynh cho con đi học là thường xuyên. Các kỳ xét tuyển năng lực hay cả các kỳ thi thi trên mạng cũng đều có phương pháp để luyện thi.
Cho đến lúc này, dù có ở vào điểm “nóng” hay không, các học sinh và các bậc phụ huynh vẫn đang nỗ lực hết sức để ôn luyện và chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10. Số lượng 40% thí sinh không được vào học công lập là rất lớn vẫn sẽ phải chuẩn bị các kế hoạch cho việc theo học các trường ngoài công lập và các cơ sở giáo dục khác.
Với tuyển sinh lớp 10, thí sinh sẽ tiếp tục được cộng điểm thi nghề. Lý do là thời điểm ban hành Thông tư số 05/2018/TT-BGDĐT sửa đổi một số điều của Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông của Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo là lúc học sinh đang học lớp 9 trên cả nước đã tham gia cuộc thi nghề, nên để tránh tâm lý lo lắng cho học sinh và phụ huynh, Bộ quyết định chưa bỏ điểm cộng thi nghề trong năm nay.
Theo L.S
Báo Tin tức