Tuyển sinh ĐH, CĐ 2019: Mở rộng đối tượng xét tuyển
Mùa tuyển sinh 2019 tới đây, có thêm nhiều trường ĐH công bố mở rộng đối tượng tuyển thẳng, đối tượng xét tuyển nếu có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế (còn hạn sử dụng), ngoài việc thực hiện xét tuyển thẳng học sinh giỏi theo quy định của Bộ GDĐT.
Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ - Giám đốc ĐH Đà Nẵng, năm nay trường tiếp tục giữ ổn định phương án tuyển sinh, chủ yếu sử dụng kết quả thi THPT quốc gia để xét tuyển hệ ĐH chính quy nhằm giữ ổn định, tránh gây sốc và đem lại sự yên tâm cho quý phụ huynh, thầy cô và học sinh trong dạy và học.
ĐH Đà Nẵng mở rộng diện xét tuyển thẳng vào một số trường thành viên như: Trường ĐH Kinh tế, Trường ĐH Sư phạm, Viện Nghiên cứu và đào tạo Việt-Anh (VN-UK), Khoa Công nghệ thông tin và truyền thông, Khoa Giáo dục thể chất tạo thêm nhiều cơ hội được tuyển thẳng vào ĐH cho các thí sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi, đạt giải trong các kỳ thi cấp quốc gia, tỉnh/TP (Toán, Lý, Hóa, Sinh, Ngữ văn, Tin học…); khuyến khích học sinh có năng lực ngoại ngữ, chứng chỉ quốc tế (IELST/SAT…).
ĐH Đà Nẵng cũng có thêm nhiều ngành đào tạo dự kiến được mở mới như: Kỹ thuật hệ thống công nghiệp, Kỹ thuật cơ sở hạ tầng (Trường ĐH Bách khoa), Sư phạm Khoa học tự nhiên, Sư phạm Lịch sử-Địa lý, Sư phạm công nghệ, Giáo dục công dân, Tin học và Công nghệ tiểu học (Trường ĐH Sư phạm), Khoa học dữ liệu (Viện VN-UK)...
Lãnh đạo Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, TP Hồ Chí Minh, cho biết đây là năm đầu tiên trường tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng. Theo đó, thí sinh đã tốt nghiệp THPT hoặc chưa tốt nghiệp đều được chọn dự thi 2 môn trong các môn: Toán, Ngữ Văn, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tiếng Anh. Dự kiến, trường sẽ dành 30% chỉ tiêu tuyển sinh cho phương thức mới. Kỳ thi sẽ diễn ra vào tháng 5.
Với 4 phương thức tuyển sinh khác trong năm 2019, Trường dự kiến dành 50% chỉ tiêu tuyển sinh theo kết quả kỳ thi THPT quốc gia 2019; 10% chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển theo kết quả học bạ THPT. Ngoài ra, Trường sẽ dành 5% chỉ tiêu để xét tuyển những thí sinh đã tốt nghiệp hoặc hoàn thành chương trình học THPT quốc tế. 5% chỉ tiêu để tuyển sinh bằng kết quả kỳ thi SAT. Những thí sinh có điểm SAT tối thiểu từ 800 trở lên sẽ có cơ hội được xét tuyển bằng phương thức này.
Cùng với đó, năm nay Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội dự kiến vẫn duy trì số lượng tuyển 6.900 chỉ tiêu cho 32 ngành đào tạo ĐH. Nhà trường tiếp tục xét tuyển sinh dựa theo kết quả kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019, với 10 tổ hợp (A00, A01, B00, C00, D01, D04, D07, D14). Ngoài các ngành truyền thống, trường dự kiến tuyển 70 chỉ tiêu cho 3 chương trình chất lượng cao của các ngành Quản trị kinh doanh chất lượng cao 30 chỉ tiêu, Khoa học máy tính (Liên kết với ĐH Frostburg - Hoa Kỳ) 20 chỉ tiêu, Ngôn ngữ Trung Quốc (liên kết với ĐH Khoa học kỹ thuật Quảng Tây - Trung Quốc) 20 chỉ tiêu.
Đặc biệt, Nhà trường thực hiện chính sách cấp 100% học phí toàn khóa cho 8 thí sinh thủ khoa các tổ hợp xét tuyển của trường và thí sinh đạt giải Nhất kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, cuộc thi khoa học kỹ thuật quốc gia. Thí sinh đạt giải Nhì, Ba, trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, cuộc thi khoa học kỹ thuật quốc gia và 15 á khoa được nhận 100% học phí năm thứ nhất.
ĐH Giao thông vận tải thông tin, cùng với việc sử dụng kết quả thi THPT quốc gia, năm nay Nhà trường sẽ xét tuyển theo học bạ THPT cho một số ngành, trong đó có ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông. Sẽ có 3 ngành mới là: Cơ khí Ô tô, Kỹ thuật cơ khí động lực và Kỹ thuật cơ điện tử. Đây là những ngành trước đây đã được nhà trường đào tạo ở phạm vi chuyên ngành. Khi Thông tư 24 của Bộ GDĐT ra đời, nhà trường đã làm thủ tục xin chuyển thành ngành.
Về cơ hội việc làm, TS Phạm Thanh Hà - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Giao thông vận tải cho biết: Vì nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp rất cao và thực tế có tới gần 100% sinh viên tốt nghiệp ra trường có việc làm thí sinh có thể tìm hiểu về các ngành mới này.
Theo Lam Nhi
Đại Đoàn Kết