Tuyển sinh đầu cấp Hà Nội: Trường tư thục “vượt rào” chấp nhận phạt

Đầu tháng 4/2018, Sở GD&ĐT Hà Nội ra thông báo tới các trường về những quy định mới về tuyển sinh đầu cấp lớp 1, lớp 6 năm nay, trong đó quy định rõ về thời gian tuyển sinh cho tất cả các trường công lập và tư thục. Tuy nhiên, lãnh đạo các trường tư thục cho rằng, điều này bất hợp lý, gây khó khăn cho việc tuyển sinh.

Theo quy định của Sở GD&ĐT Hà Nội, việc tuyển sinh đầu cấp lớp 1, lớp 6 năm nay đa số giữ ổn định phương thức xét tuyển như mọi năm. Thời gian tuyển sinh trực tuyến và trực tiếp của các trường được quy định từ 7 đến 18/7.

Bên cạnh đó, các trường đặc thù, có lượng học sinh đăng ký đầu vào lớn hơn chỉ tiêu và không phải thực hiện nhiệm vụ phổ cập sẽ được tuyển sinh theo phương thức xét tuyển hoặc xét tuyển kết hợp với kiểm tra, đánh giá năng lực.

Điều đáng nói là, Sở GD&ĐT yêu cầu các trường phải có phương án tuyển sinh riêng, gửi Phòng GD&ĐT, UBND các quận, huyện phê duyệt sau đó mới công bố tới phụ huynh, học sinh. Sở cũng quy định thời gian tổ chức làm bài kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh của các trường cụ thể vào ngày 29 và 30/6 và ấn định thời gian tuyển sinh trong 2 ngày là 10-12/7.

Điều này khiến các trường ngoài công lập, tự chủ tài chính cho rằng họ gặp khó khăn, bất lợi. Đặc biệt, phụ huynh có học sinh đã đăng ký thi tuyển vào trường này nhưng không đỗ sẽ không có cơ hội vào các trường như ý muốn.

Năm nay, các trường tư thục kêu khó khăn vì quy định bó cứng ngày tuyển sinh của Sở GD&ĐT Hà Nội.
Năm nay, các trường tư thục kêu khó khăn vì quy định bó cứng ngày tuyển sinh của Sở GD&ĐT Hà Nội.

Chấp nhận vi phạm vì quyền lợi học sinh

Năm nay Trường THCS Đoàn Thị Điểm dự kiến sẽ tuyển sinh khoảng 750 chỉ tiêu vào lớp 6 theo phương thức thi tuyển. Học sinh sẽ làm bài kiểm tra, đánh giá năng lực theo thời gian của Sở GD&ĐT Hà Nội quy định là ngày 29 hoặc 30/6. Sau khi chấm, có kết quả, trường này mới công bố danh sách học sinh trúng tuyển theo phương thức lấy từ cao xuống thấp.

Ông Đặng Quốc Thống, Hiệu trưởng Trường THCS Đoàn Thị Điểm cho rằng, việc quy định thời gian tuyển sinh gây khó khăn cho cả nhà trường lẫn phụ huynh học sinh. Đoàn Thị Điểm là trường tư thục, trường phải tự chủ về tài chính, lo từ khâu cơ sở vật chất đến tuyển sinh. Dù năm nào trường cũng có lượng hồ sơ nộp vào lớn hơn chỉ tiêu nhưng thời gian quy định của sở sát với thời gian tuyển sinh của các trường khác như vậy là chưa phù hợp.

Ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Marie Curie Hà Nội cũng bày tỏ sự không đồng tình với việc Sở GD&ĐT Hà Nội ấn định thời gian tuyển sinh của các trường tư thục.

Ông Khang cho biết, năm nay trường tuyển vào lớp 6 có 360 chỉ tiêu, tuy nhiên, học sinh lớp 5 của trường đã chiếm 200 em do đó, trường chỉ tuyển học sinh ở các trường ngoài 160 chỉ tiêu. Số lượng học sinh trường tuyển rất ít trong khi hồ sơ nộp vào rất nhiều. “Nếu thi vào trường cuối tháng 6, thời gian tuyển sinh của trường vào trung tuần tháng 7, khi đó những học sinh rớt lại sẽ học ở đâu?”, ông Khang nói.

Vì vậy, theo nguyện vọng và quyền lợi của phụ huynh, trường đã làm đề án xin phép UBND Quận Nam Từ Liêm cho phép trường tổ chức thi tuyển vào lớp 6 ngày 17/6 tới, sớm hơn thời gian quy định của Sở GD&ĐT Hà Nội khoảng 2 tuần.

“Dù biết là phạm quy chế và sẽ bị phạt nhưng vì quyền lợi của học sinh, phụ huynh, trường sẽ vẫn làm điều đó”, ông Khang nói.

Quy định tránh tiêu cực và lộn xộn?

Ông Phạm Quốc Toản, Phó trưởng Phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục (Sở GD&ĐT Hà Nội) cho rằng, những năm trước, việc tuyển sinh đầu cấp của các trường tư thục được thực hiện vào nhiều thời điểm khác nhau.

Các trường này đã thu kinh phí tuyển sinh gây ra phản hồi tiêu cực và lộn xộn trong công tác tuyển sinh. Năm nay, theo quy định của Bộ GD&ĐT, cho phép các trường không thực hiện nhiệm vụ phổ cập được làm bài kiểm tra, đánh giá năng lực hoặc xét tuyển để tuyển sinh thông qua hai bài tổ hợp để đảm bảo mục tiêu giáo dục tiểu học, tránh tình trạng dạy thêm học thêm.

Cũng theo ông Toản, Sở GD&ĐT Hà Nội quy định thực hiện thống nhất cách thức tổ chức bài kiểm tra và thời điểm để tránh tình trạng mỗi trường tổ chức một phương thức khác nhau, thời điểm khác nhau, gây áp lực cho học sinh. Ngoài ra, khi phương án, thời gian tuyển sinh thống nhất, cũng sẽ tăng tính minh bạch, đảm bảo công tác tuyển sinh ổn định.

Việc yêu cầu các trường, kể cả ngoài công lập lên phương án tuyển sinh, báo cáo UBND quận, huyện nhằm thực hiện nghiêm quy chế công khai trong giáo dục gồm: chất lượng, điều kiện đảm bảo chất lượng và tài chính. Ngoài ra, việc này cũng đảm bảo theo đúng phân cấp quản lý, bởi lâu nay, các trường ngoài công lập, tiểu học, THCS chịu sự quản lý của UBND quận, huyện theo đúng luật.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, việc Sở GD&ĐT Hà Nội quy định cứng thời gian tuyển sinh cho các trường ngoài công lập chỉ giới hạn trong 1-2 ngày là làm khó các trường cũng như người dân. Trong khi, chủ trương của Nhà nước đang tạo điều kiện hết sức cho các trường tư thục phát triển, nhằm giảm áp lực cho các trường công lập.

Theo Nguyễn Hà

Tiền Phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm