Tuyển sinh đại học năm 2018: Nhiều trường tăng học phí năm học mới

Mùa tuyển sinh năm học 2018- 2019, phương án tuyển sinh của các trường đại học đều công bố tăng mức học phí theo từng chương trình đào tạo.

Các trường đại học chưa thực hiện tự chủ tăng học phí theo Nghị định 86 của Chính phủ, còn các trường tự chủ tăng theo lộ trình đã quy định với mức tăng từ 10% đến 30% so với những năm học trước. Đây là điều thí sinh cần lưu ý khi đăng ký xét tuyển.


(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Mức tăng học phí của các trường đều dựa theo quy định trong Nghị định 86 năm 2015 của Chính phủ về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021. Hiện nay, theo báo cáo của các trường, học phí vẫn là nguồn thu chính của các trường đại học, chiếm trên 70% tổng thu của các trường.

Cụ thể, đối với các trường đại học công lập chưa đảm bảo kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư (gọi tắt là đại học chưa tự chủ) thì mức tăng học phí chỉ từ 70.000 đồng đến 110.000 đồng/tháng/sinh viên so với năm học trước. Với mức tăng này, học phí trung bình một tháng đối với một sinh viên thuộc các chương trình đào tạo đại trà là từ 810.000 đồng đến 1.180.000 đồng.

Ông Phạm Quốc Khánh, Trưởng phòng Đào tạo, Học viện Ngân hàng cho biết: “Học viện Ngân hàng là cơ sở giáo dục chưa được tự chủ, do đó chúng tôi phải thực hiện học phí theo Nghị định 86 của Chính phủ. Năm nay học phí đại học thì chúng tôi tăng từ 7.400.000 lên 8.100.000 đồng theo đúng quy định của Chính phủ.

Chúng tôi vẫn đang được ngân sách cấp bù khoảng gần 40%, còn lại là học phí chỉ trang trải được 62% chi phí đào tạo cho sinh viên. Hiện tại có 4 ngành đào tạo chất lượng cao, có 3 ngành thu học phí cao, chúng tôi thu khoảng 2 lần so với chương trình đại trà”.

Với cơ sở giáo dục công lập tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư (gọi tắt là trường đại học tự chủ), học phí tăng theo lộ trình, với mức tăng từ 10% đến 30% so với năm học trước. Năm học 2018-2019, mức học phí đào tạo đại học hệ đại trà của các trường trung bình từ 13.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng một năm tùy theo ngành đào tạo, thấp hơn hoặc bằng mức học phí bình quân tối đa được Chính phủ phê duyệt.

Những ngành có mức học phí cao nhất thuộc khối ngành kỹ thuật và y, dược. Dù tăng học phí theo lộ trình, nhưng theo đại diện nhiều trường, mức học phí này vẫn chưa đủ bù chi phí đào tạo. Ông Kiều Xuân Thực, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cho biết, trường được thực hiện tự chủ từ tháng 7/2017, nên trong năm học 2018-2019, mức học phí bình quân tối đa của chương trình đại trà trình độ đại học chính quy tăng 2.000.000 đồng so với năm ngoái.

“Với năm học 2018-2019, mức học phí trung bình của các ngành là 14.500.000 đồng/1 năm. Học phí chương trình chất lượng cao bằng 1,5 lần mức học phí của chương trình đại trà tương ứng. Với mức học phí này cũng chưa bù đắp được 100% chi phí đào tạo. Chúng tôi tính chi phí đào tạo năm học trước là khoảng 15.000.000 đồng /1 năm/1 sinh viên thì năm học 2018-2019 cũng khoảng 16.000.000 đồng. Tuy nhiên, vì trường mới tự chủ nên mức học phí nhà trường cũng tăng có mức độ”, ông Kiều Xuân Thực thông tin thêm.

Dù các trường đại học đều tăng học phí, nhưng đối với các chương trình đại trà, mức học phí bình quân một năm học của từng ngành trong một trường cũng khác nhau. Những ngành “hot”, ngành xã hội đang cần thì mức học phí sẽ cao hơn.

Ông Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết: “Một số chương trình đào tạo hiện nay có sức hút rất lớn do yếu tố về thời thượng, do tìm kiếm công ăn việc làm, kể cả thu nhập sau khi ra trường, số học sinh đầu vào rất là đông thì mức học phí nằm ở mức cao nhất. Chúng tôi tính theo tín chỉ học phí tức là 400.000 đồng/tín chỉ học phí. Và học phí thành bao nhiêu là do các em đăng ký học tập, đăng ký nhiều, học phí sẽ nhiều, đăng ký ít, học phí ít. Có những ngành chưa thu hút người học, ngoài việc số lượng vào ít, điểm chuẩn thấp hơn ngành khác, nhà trường cũng đưa mức học phí thấp nhất để hỗ trợ người học”.

Hiện nay, thông tin về học phí đều được các trường công khai trong đề án tuyển sinh và được đăng tải trên trang thông tin điện tử của Bộ Giáo dục- Đào tạo và của trường. Tuy vậy, khi đăng ký xét tuyển đại học, thí sinh và phụ huynh ít quan tâm đến thông tin này.

Vì vậy, các chuyên gia giáo dục khuyến cáo, cùng với thông tin về ngành đào tạo, thí sinh nên tham khảo cả thông tin về mức học phí theo từng năm để lựa chọn ngành, chọn trường phù hợp với khả năng kinh tế của gia đình.

Theo Minh Hường

VOV