Tuyển sinh đại học khối ngành Sức khỏe: Chú trọng về chất

Thời điểm này, học sinh lớp 12 đang làm hồ sơ tuyển sinh. Những thí sinh đang làm hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia và dự xét tuyển ĐH, CĐ cần lưu ý các điều chỉnh về điều kiện tuyển sinh đại học (ĐH) 2019 với khối ngành Ssức khỏe.

Tuyển sinh đại học khối ngành Sức khỏe: Chú trọng về chất - 1

Năm 2019 là năm đầu tiên Bộ GDĐT xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với nhóm ngành sức khỏe. (Ảnh minh họa)

Chỉ tiêu tuyển thẳng không quá 15% mỗi chuyên ngành 

Theo đề án tuyển sinh của Trường ĐH Y Hà Nội, chỉ tiêu vào ngành y đa khoa năm 2019 chỉ còn 400 chỉ tiêu, giảm 100 chỉ tiêu so với năm 2018. Riêng chỉ tiêu vào ngành y đa khoa tại phân hiệu Thanh Hóa vẫn giữ nguyên là 100 chỉ tiêu. 

Chỉ tiêu ngành điều dưỡng lại tăng từ 90 lên 140 chỉ tiêu so với năm trước. Ngành dinh dưỡng và khúc xạ mỗi ngành tăng thêm 20 chỉ tiêu. Ngành kỹ thuật xét nghiệm y học tăng thêm 30 chỉ tiêu. 

Như vậy, tổng chỉ tiêu tuyển sinh của trường năm nay là 1.120 vào các ngành, khoa trong trường.

Thí sinh tốt nghiệp THPT và có tổ hợp bài thi/môn thi Toán, Hóa học, Sinh học để xét tuyển. Điểm trúng tuyển theo ngành đào tạo.

Điều kiện phụ dùng để xét tuyển nếu các thí sinh cuối cùng của chỉ tiêu tuyển sinh có điểm thi bằng nhau: Ưu tiên theo thứ tự đăng ký nguyện vọng.

Đối với thí sinh tốt nghiệp các năm trước: Không sử dụng kết quả điểm thi THPT Quốc gia các năm trước để xét tuyển vào trường.

Hội đồng tuyển sinh công bố kết quả trúng tuyển đợt 1 dự kiến trước 17 giờ 00 ngày 9/8/2019. Thí sinh trúng tuyển xác nhận nhập học đợt 1 bằng cách gửi bản chính Giấy chứng nhận kết quả thi THPT Quốc gia đến Trường ĐH Y Hà Nội bằng thư chuyển phát nhanh trước 17 giờ 00 ngày 15/8/2019 (tính theo dấu bưu điện) hoặc nộp tại Trường ĐH Y Hà Nội. Quá thời hạn trên, thí sinh không xác nhận nhập học đợt 1 được xem như từ chối nhập học.

Nhà trường lưu ý năm nay, điều kiện tuyển thẳng học sinh giỏi quốc gia vào các ngành của trường vẫn giữ nguyên nhưng không tuyển thẳng đối với những thí sinh đạt giải môn Vật lý và Tin học. Đây cũng là 2 môn trường mới đưa vào tuyển thẳng. Trong đó, chỉ tiêu tuyển thẳng không quá 15% mỗi chuyên ngành. Nếu số lượng vượt chỉ tiêu tuyển thẳng, nhà trường xét theo tiêu chí ưu tiên: Ưu tiên 1: Thứ tự đạt giải; Ưu tiên 2: Điểm trung bình chung học tập 3 năm THPT.

Thí sinh đạt giải cuộc thi Khoa học Kỹ thuật: Hội đồng Tuyển sinh của Trường sẽ xem xét cụ thể từng kết quả dự án hoặc đề tài mà thí sinh đạt giải để tuyển thẳng như: Đạt giải cuộc thi Khoa học Kỹ thuật Quốc tế: Xem xét tuyển thẳng tất cả các ngành; Đạt giải cuộc thi Khoa học Kỹ thuật Quốc gia: Xem xét tuyển thẳng vào một số ngành hệ cử nhân.

Đảm bảo chất lượng đầu vào

Khác với mọi năm, 2019 là năm đầu tiên Bộ GDĐT xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với nhóm ngành sức khỏe. Căn cứ kết quả của kỳ thi THPT quốc gia, Bộ GDĐT xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đối với các ngành y trình độ ĐH, bao gồm Y khoa, Y học cổ truyền, Răng hàm mặt, Dược học, Điều dưỡng, Y học dự phòng, Hộ sinh, Dinh dưỡng, Kỹ thuật phục hình răng, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật hình ảnh y học, Kỹ thuật phục hồi chức năng.

Ở phương thức xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT, Bộ quy định ngưỡng đảm bảo đầu vào với các ngành Y khoa, Y học cổ truyền, Răng hàm mặt, Dược học trình độ đại học thí sinh phải tốt nghiệp THPT có học lực lớp 12 xếp loại giỏi. Các ngành có chứng chỉ hành nghề còn lại xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT có học lực lớp 12 xếp loại khá trở lên.

Đối với các trường sử dụng phương thức xét tuyển kết hợp giữa điểm thi THPT quốc gia và kết quả học tập THPT hoặc kết hợp giữa điểm của trường tổ chức sơ tuyển hoặc thi tuyển với điểm thi THPT quốc gia và/hoặc kết quả học tập THPT, thì ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của điểm thi THPT quốc gia, điểm kết quả học tập THPT phải tương đương với các ngưỡng theo quy định của quy chế.

Cụ thể, điểm trung bình cộng xét tuyển sử dụng điểm thi THPT quốc gia của trường tối thiểu bằng điểm trung bình cộng theo ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ GDĐT quy định.

Điểm trung bình cộng xét tuyển sử dụng kết quả học tập THPT trình độ ĐH đối với các ngành Y khoa, Y học cổ truyền, Răng - Hàm - Mặt, Dược học tối thiểu là 8.

Riêng các ngành Điều dưỡng, Y học dự phòng, Hộ sinh, Dinh dưỡng, Kỹ thuật phục hình răng, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật hình ảnh y học, Kỹ thuật phục hồi chức năng, điểm trung bình tối thiểu là 6,5.

Như vậy, các thí sinh bên cạnh việc đảm bảo yêu cầu riêng của các trường về học lực, hạnh kiểm…, cần đạt được các yêu cầu chung của Bộ GDĐT quy định theo Thông tư về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh ĐH hệ chính quy; tuyển sinh CĐ nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy.

Theo Thu Hương

Đại Đoàn Kết

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm