Tuyển sinh bậc trung cấp ở nhiều trường trong tình trạng “thoi thóp”

Đến thời điểm hiện tại, nhiều trường trung cấp hoặc hệ trung cấp trong trường cao đẳng vẫn trong tình trạng “vắng bóng” thí sinh.

Đến thời điểm hiện tại, trong khi nhiều trường cao đẳng tại Thành phố Hồ Chí Minh đã tuyển được trên 60% chỉ tiêu thì nhiều trường trung cấp hoặc hệ trung cấp trong trường cao đẳng vẫn trong tình trạng “vắng bóng” thí sinh. Không ít trường lo rằng, nếu tình hình này kéo dài, nguy cơ đóng ngành, mất nhân lực là điều khó tránh khỏi.

Tuyển sinh bậc trung cấp ở nhiều trường trong tình trạng “thoi thóp” - 1

Bậc trung cấp tại nhiều trường đang rất khó thu hút thí sinh.

Tính đến nay, trường Cao đẳng Quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh đã tuyển được 60% trên tổng số 1.000 chỉ tiêu bậc cao đẳng. Trường cũng xét tuyển bổ sung 150 chỉ tiêu cao đẳng chất lượng cao cho ngành Công nghệ thông tin. Khả quan hơn, trường Cao đẳng Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh đã tuyển được 1.000 sinh viên trên tổng số 1.100 chỉ tiêu đối với 9 ngành cao đẳng. Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn hiện cũng đã xét tuyển được 70% trong tổng số 1.800 chỉ tiêu bậc cao đẳng.

Theo ông Lê Lâm, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn, so với năm 2016, năm nay, việc tuyển sinh bậc cao đẳng có phần “dễ thở” hơn vì nhiều thí sinh đã thay đổi quan điểm về chọn ngành, chọn nghề: “Dần dần các em thí sinh đã xác định được giá trị của giáo dục nghề nghiệp. Nhất là các ngành ở bậc cao đẳng gắn với thực tiễn nghề nghiệp, ra trường làm việc được ngay. Chương trình đào tạo của khối cao đẳng tăng cường về thực hành nhiều hơn.”.

Trong khi bậc cao đẳng, đặc biệt là nhóm ngành kỹ thuật, kinh tế thu hút được nhiều thí sinh thì bậc trung cấp của phần lớn các trường đều trong tình trạng "thoi thóp". Như trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn, đến nay chỉ mới tuyển vài chục thí sinh trên tổng số 1.000 chỉ tiêu cho 6 ngành. Trường Cao đẳng Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cũng không khá hơn khi hiện nay, tổng số 300 chỉ tiêu bậc trung cấp vẫn còn nguyên. Trường Trung cấp Vạn Tường mặc dù đã xét tuyển được 300 sinh viên nhưng con số này chỉ mới đạt 20% chỉ tiêu đề ra. Trên 1.100 sinh viên còn lại đang ở đâu là câu hỏi mà nhà trường đang đau đầu tìm lời đáp.

Theo Thạc sĩ Lâm Thị Bích Ngọc, Hiệu trưởng trường Trung cấp Vạn Tường, khó khăn trong tuyển sinh bậc trung cấp đã kéo dài suốt nhiều năm qua nhưng đến nay vẫn chưa có hướng giải quyết: “Ảnh hưởng lớn nhất của nhà trường là không có người học. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của chính giáo viên và ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn tại của nhà trường cũng như sự tồn tại của hệ trung cấp nếu không có những biện pháp tốt hơn từ Chính phủ dành cho đào tạo nghề.”.

Tuyển sinh bậc trung cấp ở nhiều trường trong tình trạng “thoi thóp” - 2

Một số trường trung cấp tìm cách mở rộng hình thức đào tạo liên kết để tăng nguồn tuyển.

Đợi chờ cơ chế hỗ trợ quá lâu, nhiều trường cao đẳng, trung cấp tại Thành phố Hồ Chí Minh tự đề ra các hướng đi riêng để cải thiện tình hình tuyển sinh. Một số trường trung cấp tìm cách mở rộng hình thức đào tạo liên kết và chú trọng nhóm đối tượng học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở để tăng nguồn tuyển. Các trường cao đẳng thì siết chặt chỉ tiêu bậc trung cấp cũng như tạo thêm nhiều cơ chế để thu hút người học. Điển hình như năm học này, bên cạnh việc cải tiến chương trình đào tạo, trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn còn triển khai chương trình cam kết đảm bảo việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp để thu hút thí sinh.

Trong khi đó, theo ông Hoàng Hoài Nam, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, thời gian tới, trường sẽ có vài thay đổi áp dụng cho bậc trung cấp để tránh tình trạng thiếu trước hụt sau như hiện nay.

Ông Hoàng Hoài Nam nói: “Có thể chúng tôi sẽ đào tạo hệ trung cấp theo hướng mở khác. Đó là theo dạng mô-đun xong kết nối lại để có đủ thời lượng học theo quy định. Sau đó, nhà trường sẽ góp nhặt các mô-đun lại rồi cấp bằng nghề bậc 2/7 hoặc 3/7 cho người học tùy theo ngành đào tạo.”.

“Khó khăn” là từ được nhiều trường cao đẳng, trung cấp nhắc đến mỗi khi khởi động mùa tuyển sinh. Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, để gỡ khó, thay vì đợi chờ cơ chế hỗ trợ, các trường phải chủ động đổi mới, quan trọng nhất là nâng cao chất lượng đào tạo và cập nhật xu hướng giáo dục khu vực cũng như thế giới.

Theo Mỹ Dung

VOV