Quảng Nam:

Tương lai nào cho em khi mẹ mất vì ung thư, bố bị mù lòa

(Dân trí) - Bố khiếm thị từ nhỏ, mẹ mất vì ung thư, gia cảnh em Nguyễn Thị Xự (thôn La Hòa, xã Điện Phước, Điện Bàn, Quảng Nam) càng trở nên túng quẫn. Tương lai phía trước còn rất dài nhưng đối với em không thấy lối ra vì em còn đang ngồi trên ghế nhà trường.

Chúng tôi tìm đến thôn La Hòa (xã Điện Phước, Điện Bàn, Quảng Nam), nơi gia đình em Nguyễn Thị Xự (học sinh lớp 11A3, trường THPT Hoàng Diệu) đang sinh sống.

Dưới cái nắng chói chang đầu tháng 4 khiến cho ngôi nhà cấp 4 vốn nhỏ bé, vắng lặng nay càng trở nên đìu hiu hơn. Đây là ngôi nhà được nhà nước hỗ trợ 10 triệu đồng, cộng với đóng góp của bà con làng xóm xây dựng từ năm 2008.


Em Xự bên người bố bị khiếm thính.

Em Xự bên người bố bị khiếm thính.

Đón chúng tôi là cô bé lớp 11 nhỏ nhắn, khuôn mặt nhợt nhạt, tinh thần như suy sụp hẳn sau sự ra đi đột ngột của mẹ em - bà Từ Thị Chín.

Khi cha mẹ em lấy nhau, hoàn cảnh hai bên cũng hết sức khó khăn nhưng tình yêu đã gắn kết họ với nhau.

Bên nội nghèo, chỉ có thể cho hai vợ chồng khoảng đất nhỏ cạnh bên, từ đó họ bắt đầu xây dựng tổ ấm gia đình. Niềm vui càng nhân lên khi gia đình có con gái đầu lòng.

Nhưng bên cạnh niềm vui ấy là bao nỗi lo toan, vất vả đè nặng lên vai người phụ nữ nghèo lam lũ, trụ cột duy nhất của gia đình. Hằng ngày bà Chín vượt hàng cây số qua các thôn cùng, ngõ hẻm để bán vé số, mong có đồng ra, đồng vào lo cho hai cha con.

​Gia đình hiện có 3 người gồm bà, bố và em Xự
​Gia đình hiện có 3 người gồm bà, bố và em Xự

Mẹ em Xự, ông Nguyễn Bé, là người khiếm thị nên chỉ có thể quanh quẩn trong nhà, mọi chi tiêu sinh hoạt trong gia đình đều một tay mẹ em vun vén.

Nhưng trớ trêu thay số phận đã chẳng công bằng với người phụ nữ ấy, bà ra đi ở tuổi 48 bởi căn bệnh quái ác.

Bàn thờ của mẹ em vừa mất
Bàn thờ của mẹ em vừa mất

Bố em Xự chia sẻ: “Cô ấy mất đi, cha con tôi giờ đây chẳng biết phải làm thế nào, con bé còn đi học không biết tương lai nó sẽ ra sao. Vợ tôi mất vì ung thư phổi, nhưng đến khi chôn cất cô ấy xong, cha con tôi mới biết. Dù bị bệnh tật hành hạ bao lâu nay nhưng cô ấy vẫn giấu, một mình chịu đựng tất cả, tôi thì không thấy gì chỉ nghe cô ấy ho, hỏi thăm thì vợ tôi bảo không sao, chỉ đau nhẹ, tôi cũng chỉ biết thế. Thật khổ cho vợ tôi, đã một mình chịu đựng tất cả”.

2 năm trước, mẹ em Xự có đi mổ mụt nhọt trong người, sau đó thì sức khỏe bắt đầu sa sút hẳn, cứ đau ốm liên miên, nhưng bà vẫn gắng gượng đi bán vé số, nếu không cả gia đình chẳng biết phải trông cậy vào đâu. Dù biết trong người có bệnh nhưng bà vẫn giấu không cho ai biết vì sợ họ lo, không cho bà đi bán.

Ngôi nhà cấp 4 xập xệ, nóng như rang
Ngôi nhà cấp 4 xập xệ, nóng như rang

Cho đến 3 tháng trước, bệnh bà trở nặng hơn. Xác định bị ung thư phổi, nằm trên giường bệnh bà vẫn dặn hai bên nội ngoại “không được để cha con anh ấy biết”. Gia đình bảo cứ vay tiền xạ trị, nhưng bà không cho “nhà đã nghèo, tiền ăn học còn phải lo từng bữa, cứ để tôi sống ngày nào hay ngày ấy, đừng tạo thêm gánh nặng cho cha con nó”.

Gia đình em Xự thuộc diện hộ nghèo trong xã, trước kia mọi chi tiêu sinh hoạt trong gia đình đều một tay mẹ em cáng đáng. Giờ đây, số tiền ít ỏi từ hỗ trợ của Hội Người mù dành cho cha em là 540 ngàn/tháng chính là nguồn sống tạm thời của gia đình.

Nhà nội ở sát bên nhưng hoàn cảnh cũng chẳng khá hơn, bà nội năm nay đã 85 tuổi, sống cùng 2 con trai và gái. Nhưng con trai bà (chú ruột em Xự) bị bệnh sỏi thận cộng thêm viêm xoang, một năm phải mổ đến 3 lần; còn con gái (cô ruột em Xự) thì mắc bệnh tâm thần nên bà cũng chẳng biết trông cậy vào đâu mà lo cho cháu. Bên ngoại cũng nghèo khó, dù thương nhưng cũng chẳng thể nào giúp được gì.

Clip bố và bà em Xự trao đổi với PV

Khi hỏi về dự định tiếp tục đi học, ánh mắt em chợt buồn, chứa đựng trong đó là bao nỗi lo toan: “Em cũng muốn tiếp tục đi học, đó cũng là ước mơ của em và mẹ. Lúc còn sống mẹ lúc nào cũng bảo em ráng học cho hết lớp 12, có được tấm bằng còn lo cho cuộc sống, dù khó khăn đến mấy nhưng cũng không được bỏ học. Còn mơ xa hơn nữa thì em không biết, cha em khiếm thị, cộng thêm nội già yếu, mẹ thì mất rồi, em biết lấy gì mà tiếp tục học, với lại ba em cần có người chăm sóc”.

Trao đổi với PV, ông Thái Đình Trúc (trưởng thôn La Hòa, xã Điện Phước) cho biết: “Gia đình em Xự thuộc diện khó khăn của thôn, nhà nội thì hộ cận nghèo, ba em khiếm thị nên cũng chẳng thể lo gì cho cuộc sống của em. Trước kia mẹ em là trụ cột duy nhất, nhưng bây giờ chị ấy mất nên cả gia đình chẳng biết xoay sở ở đâu. Tôi cũng đang định trình hoàn cảnh của em lên xã để có biện pháp hỗ trợ thêm nhưng cũng chỉ được phần nào”.

Hằng ngày, em phải lo tất cả cho cha sau đó mới có thể đến trường đi học. Mọi sinh hoạt của cha trước kia còn có mẹ phụ giúp, giờ đây mẹ mất một mình em phải cáng đáng tất cả. Thức ăn hàng ngày của hai cha con phải nhờ vào mớ rau vườn của nội, nếu ngày nào có thêm tiền mới có thêm thịt, cá cho bữa ăn.

Chiều ngày 7/4, trao đổi với PV Dân trí, thầy Võ Văn Tài - Phó hiệu Trưởng trường THPT Hoàng Diệu - cho biết, em Xự là học sinh khá, giỏi của trường nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn, vất vả. Mẹ là lao động chính nhưng mới vừa mất vì ung thư, cha khiếm thị nhưng em vẫn cố gắng vươn lên trong cuộc sống và học tập.

“Khi mẹ mất, tinh thần em rất suy sụp, nhà trường cũng đã cử thầy cô đến thăm hỏi, động viên em tiếp tục đi học. Các bạn trong lớp cũng đã giúp em chép bài và hỗ trợ để có thể theo kịp bài vở. Nhà trường cũng sẽ có biện pháp hỗ trợ em trong thời gian tới nhưng cũng không được bao nhiêu. Giờ kêu gọi cả xã hội cùng chung tay giúp thì may ra em Xự mới có thể ổn định cuộc sống và tiếp tục con đường học tập của mình”, thầy Tài nói.

N.Linh-C.Bính