Tự trắc nghiệm để chọn ngành nghề

Vào mùa thi đại học, học sinh lớp 12 thường dành nhiều thời gian tìm hiểu về các trường đại học, xem trường đào tạo những ngành nào, có tỷ lệ chọi bao nhiêu, điểm chuẩn những năm vừa rồi là mấy... Song nếu dừng lại ở đó thì hoàn toàn chưa được.

Tại sao? Vì một bước quan trọng đầu tiên đã bị bỏ qua, đó là tìm hiểu xem mình là ai. Nói cách khác, phải hiểu bản thân mình trước rồi mới tìm hiểu "đối tượng" mà mình định gắn bó lâu dài, có thể là suốt đời, đó chính là ngành nghề tương lai của mình. Có người cho rằng "không ai hiểu mình bằng chính mình", vậy thì lấy ai mà giúp mình tự hiểu mình nữa? Xin thưa, lầm lẫn của rất đông thanh niên khi chọn trường chính là ở lập luận này.

 

Có vô số trường hợp trớ trêu sau đây: có sinh viên miệt mài học và thi đậu vào Trường đại học Y-Dược, sau 6 năm đèn sách, thực tập mổ xẻ, lại chuyển qua nghề  kinh doanh và sau đó thì rất thành đạt. Có nữ sinh viên tốt nghiệp khoa Xây dựng Đại học Bách khoa, từng đi thực tập trên công trường nhưng sau đó thì bỏ nghề, đến trung tâm ngoại ngữ học để lấy bằng dạy tiếng Anh rồi sống hẳn bằng nghề đó. Có người thi đậu Đại học Sư phạm khoa Văn nhưng học một thời gian thì nhận ra là nghề thích hợp với mình phải là họa sĩ...

 

Lầm lẫn trong việc chọn đối tượng để gắn bó lâu dài như vậy có nguyên nhân sâu xa là tự hiểu mình chưa đủ sâu. Mỗi lầm lẫn như vậy khiến ta bỏ mất năm, bảy năm tuổi trẻ, thời kỳ giàu nhiệt huyết và lao động sáng tạo nhất. Trước tình trạng hết sức đáng tiếc này, nhiều nhà tâm lý học đã dày công tìm một loại công cụ giúp con người tự hiểu mình. Trong số này, thành công nhất là nhà tâm lý học John Holland. Ông đã bỏ ra gần 40 năm để xây dựng và phát triển một bộ công cụ giúp mỗi người tự khám phá mình một cách khoa học.

 

Bộ công cụ của John Holland được xây dựng trên cơ sơ lý thuyết do chính ông dày công tìm hiểu. Lý thuyết này dựa trên 8 luận điểm, trong đó 2 luận điểm đầu là: Hầu như ai cũng có thể được xếp vào 1 trong 6 kiểu người. 6 kiểu người đó là Realistic (xin tạm dịch-người thực tế, viết tắt là R), Investigate (nghiên cứu-I), Artistic (nghệ sĩ tính-A), Social (người có tính xã hội-S), Enterprising (thiên phú lãnh đạo, điều hành-E) và Conventional (mẫu người công chức-C); có 6 môi trường hoạt động ứng đúng với 6 kiểu người kể trên. Lý thuyết này về sau lấy 6 chữ cái ghép lại thành cái tên RIASEC.

 

Trên cơ sở lý thuyết này, John Holland đã xây dựng một bộ test dành cho người muốn tự tìm hiểu mình. Qua nhiều năm phát triển, bộ trắc nghiệm này giúp cho người ta tự phát hiện được các kiểu người trội nhất đang tiềm ẩn trong con người mình để tự định hướng khi lựa chọn nghề.

 

Song song đó, John Holland đã phân loại các nghề phổ biến ở Mỹ và xây dựng thành bộ tự điển, giúp người ta có thể dựa vào đó mà tra cứu chọn một số nghề phù hợp với kiểu người mình nhất hoặc tra ngược lại để biết nghề mà mình quan tâm thì đòi hỏi kiểu người nào. Bộ tự điển được tái bản và bổ sung đến lần thứ ba được xuất bản năm 1996 đã có 750 trang với hàng vạn nghề. Hiện nay ở Mỹ, châu Âu và châu Á, rất nhiều trường đại học đã sử dụng công trình của John Holland để xây dựng bộ test cho học sinh quan tâm đến trường mình và cho sinh viên  tìm việc làm phù hợp sau khi tốt nghiệp. Có trường còn kết hợp với các công ty và tổ chức giới thiệu việc làm để cho biết ở đâu đang cần nghề nào và làm nghề đó có thể  thu nhập khoảng bao nhiêu tiền trong một năm.

 

Có thể nói, nhờ John Holland, mỗi người đã có thể tự hiểu mình rõ hơn và tự định hướng nghề nghiệp tốt hơn. Có điều, tất cả các trung tâm tư vấn hoặc trang web trắc nghiệm đều đòi hỏi người dự trắc nghiệm phải đóng tiền.

 

Nhằm giúp học sinh tự khám phá bản thân mình trước khi ghi nguyện vọng dự thi vào trường đại học, một tập thể các nhà khoa học thuộc nhiều trường đại học của TPHCM - với Đại học Quốc gia TPHCM làm nòng cốt - đang thực hiện một đề tài khoa học bằng kinh phí của thành phố. Đó là xây dựng một trang web chuyên biệt giúp người vô trang web này được trắc nghiệm và sau đó nhận được lời khuyên của nhà "tư vấn ảo" là với kiểu người như vậy, học lực như vậy thì nên chọn thi vô những trường nào, ngành gì. Hy vọng là sau khi đề tài khoa học được nghiệm thu thì đông đảo học sinh sẽ được tư vấn kịp thời.

 

Và nếu có Mạnh Thường Quân nào có thể đứng ra "nuôi" trang web này thì đây sẽ là trang web tư vấn hướng nghiệp miễn phí, được cập nhật liên tục phục vụ cho nhu cầu của đông đảo thanh niên đang chọn trường hoặc sắp tốt nghiệp. Được như vậy, việc tự định hướng nghề nghiệp nhằm chọn nghề để gắn bó lâu dài trong đời của bạn trẻ sẽ bớt khó khăn, tránh được nhiều sai lầm.

Tại địa chỉ http://www.tut.edu.vn/huongnghiep/frame.htm, Đại học Quốc gia TPHCM và Đại học Tôn Đức Thắng sẽ giúp những bạn còn đang phân vân khi chọn trường, chọn ngành nghề phù hợp một cách khoa học và chính xác với sở thích, năng lực của mình.

 

Ghé qua trang web này, bạn sẽ có 5 tùy chọn (về loại trường, bậc học, lĩnh vực, khối thi, điểm chuẩn) để tìm ngành, trường mà bạn quan tâm. Ở từng kết quả tìm kiếm, trang web sẽ cung cấp cho bạn thông tin chi tiết về các ngành, nghề, trường mà bạn đã chọn.

 

Để xác định sở thích cá nhân, bạn sẽ cung cấp thông tin về cá nhân, sở thích thông qua bảng câu hỏi, điểm các môn học ở THPT. Sau khi bạn hoàn thành bài trắc nghiệm, trang web sẽ thông báo nhóm sở thích nổi trội và thông tin chi tiết về các ngành, trường phù hợp với sở thích và năng lực học tập của bạn.

 

Bạn có thể tự đánh giá năng lực bằng cách cung cấp kết quả học tập các môn học THPT, hệ thống thông báo điểm trung bình học tập theo các khối A, B, C, D1 và thông tin chi tiết về các ngành, trường phù hợp với kết quả học tập của bạn theo khối thi.

 

Trang web cũng giúp bạn tự xác định sở thích nghề nghiệp thông qua định nghĩa của nhà tâm lý học John Holland. Bạn sẽ có thông tin chi tiết về ngành nghề phù hợp với nhóm sở thích mà bạn đã chọn để có quyết định phù hợp nhất.

 

(Phương Nguyên

Theo http://www.tut.edu.vn/huongnghiep/frame.htm)

 

 

Theo TS Hồ Thiệu Hùng

Thanh Niên