Tử thần chào thua cô giáo say nghề
Ba lần đối mặt với tử thần nhưng cô Đỗ Thị Hồng Hà vẫn vượt qua những đau đớn của bệnh tật và đóng góp cho nghề dạy. Ba năm liền cô đã đạt nhiều giải thưởng, trong đó có một giải thưởng do Microsoft trao tặng, chưa kể hàng loạt giải về sáng kiến giảng dạy...
Ba lần đối diện tử thần
Năm học 2002-2003, chương trình toán THCS có nhiều bài hóc búa liên quan đến lưới ô vuông khiến giáo viên rất khó truyền tải kiến thức cho học sinh. Từ trò chơi dân gian, cô Hồng Hà (Giáo viên toán trường THCS Đống Đa, Hà Nội) đã cùng cô Phạm Mai Hương nghiên cứu sáng tạo ra Sàng thông minh. Sản phẩm này ngay sau đó được trao giải A1 tại triển lãm Đồ dùng dạy học tự làm của thành phố Hà Nội năm 2004. Ít người biết rằng, Sàng thông minh ra đời khi cô Hồng Hà phải mổ cấp cứu hai lần, ruột phải nối nhiều đoạn.
“Ngày 1/1/2003, chị Hà bị chảy máu dạ dày và phải phẫu thuật, bảy tháng sau đó chị lại phải mổ ruột thừa. Sau lần mổ thứ hai, sức khoẻ của chị giảm nhiều, nhưng đau đớn nhất là phần nối dạ dày có thể bục bất cứ lúc nào. Chị luôn sống trong sự đe doạ, cộng với căn bệnh dị ứng họng khiến chị thường xuyên bị nôn ói. Đó là thời gian “ngàn cân treo sợi tóc” với chị và chúng tôi”, một đồng nghiệp của cô Hà kể.
Chương trình toán lớp 9 có nhiều bài khó, sau bao đêm trăn trở cô nhận ra rằng chỉ có công nghệ thông tin là con đường ngắn nhất và cũng chỉ phần mềm Geometrer’s Sketchpad mới giải quyết được vấn đề này. Sau ba tháng tự học, cô Hồng Hà đã khai thác thành công Sketchpad. Cô đầu tư ba triệu đồng mua phần mềm này từ Singapore. Đến nay Sketchpad được ứng dụng trong giảng dạy toán lớp 9 ở Hà Nội và là sáng kiến loại A cấp thành phố.
Tháng 3/2006 cô nhập viện và phải mổ lần thứ ba. Lần này, cô mới biết mình mắc căn bệnh hiểm nghèo: ung thư vú. Tác dụng phụ sau những lần xạ trị đã khiến cô đau đớn, không sao ngủ được. Nhiều sáng thức dậy, không sao cầm được vật gì và cũng không đứng dậy ngay được, nhưng cô Hồng Hà vẫn luôn lạc quan trước đồng nghiệp, nhất là trước học sinh.
Cô kể: “Nếu trước học sinh mà mình yếu đuối như người sắp chết thì sẽ làm các em nhụt chí phấn đấu hoặc không muốn học nữa. Nhiều khi rất đau đớn, nhưng trước học sinh tôi luôn tỏ ra là người khoẻ mạnh”.
Còn sống là còn sáng tạo
Sau nhiều lần phẫu thuật, cô Hà thuyết phục chồng mang máy tính vào bệnh viện để hoàn chỉnh phần mềm Sổ chủ nhiệm do cô và một kỹ sư tin học lập ra từ năm học 2005-2006. Sau hai năm sử dụng, Sổ chủ nhiệm thành công.
Đang điều trị tại bệnh viện, khi biết tin sắp có cuộc triển lãm Sách, thiết bị dạy học và đồ dùng dạy học tự làm năm học 2007-2008 khu vực phía Bắc, cô xin tham gia vì thấy đây là cơ hội hiếm có để giao lưu, đánh giá lợi ích sản phẩm của mình. Ai cũng lo lắng cho sức khoẻ rất yếu của cô, cuối cùng các bác sĩ đã cho cô đi chiếu xạ lúc 5h sáng để kịp được tham gia ngày khai mạc. Ứng dụng của Sketchpad trong dạy và học toán 9 lại đạt giải xuất sắc và bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT.
Cô đã xin nhà trường dạy miễn phí cho học sinh lớp 6 do cô làm chủ nhiệm được dùng máy vi tính học toán thứ năm hàng tuần. Cô nói, cô khoẻ lên nhiều khi thấy các học trò say mê toán học. Không chỉ dạy học sinh về văn hoá, cô còn quan tâm truyền thụ các kỹ năng sống cho học sinh thông qua blog của cá nhân và lập riêng cho lớp chủ nhiệm một blog.
“Chúng tôi cảm phục nghị lực của cô giáo và luôn dặn các cháu cố gắng học tập”, “chị Hà bị bệnh hiểm nghèo, nhưng lòng say mê nghề luôn là động lực giúp chị nghĩ tới việc cải tiến và đổi mới phương pháp dạy học sao cho học sinh luôn yêu thích bộ môn toán. Chị là một tấm gương sáng…”. Đó là những lời mà các đồng nghiệp, học sinh và phụ huynh Trường THCS Đống Đa nói về cô Hà.
Từ năm 2000 đến nay, cô đã đoạt được nhiều giải cấp thành phố và giải khuyến khích “Giáo viên sáng tạo” của Microsoft (2007). Cô kể, đôi khi cũng buồn vì nhiều người không hiểu cho rằng mình “hâm” và “mua việc vào người”. Những lúc như thế chỉ có tình yêu của gia đình, niềm tin của các em học sinh mới giúp cô chống chọi với các cơn đau của bệnh tật.
Theo Thiên Lam
Sài Gòn Tiếp Thị