Góc trao đổi:

Tự chủ đại học ở Trung Quốc: Biến đổi theo từng giai đoạn

PGS.TS. Phạm Thanh Phong

(Dân trí) - "Quyền tự chủ" được hiểu như là các trường đại học tự điều hành các hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội trong khuôn khổ các chính sách của Chính phủ.

Dân trí tiếp tục giới thiệu bài viết thứ 2 của PGS.TS Phạm Thanh Phong về một số đặc trưng của quá trình thực hiện tự chủ đại học tại Trung Quốc tóm tắt từ kết quả nghiên cứu của TS. Ningsha Zhong, Đại học Toronto, Canada và một số công trình của các tác giả khác.

Bài 1: Tự chủ đại học tại Trung Quốc

Tự chủ đại học ở Trung Quốc: Biến đổi theo từng giai đoạn - 1

Một tòa nhà thuộc Đại học Thanh Hoa (Ảnh: Shutterstock).

Quá trình thực hiện tự chủ đại học của Trung Quốc

Trong ngôn ngữ Trung Quốc, thuật ngữ tự chủ có hàm ý về một số quyền chính trị. Do đó, để mô tả "quyền tự chủ", ngôn ngữ Trung Quốc có hai từ khóa: tự lập (zizhiquan) hoặc làm chủ bản thân (zizhuquan). Điều này là khó hiểu đối với Phương Tây song trong bối cảnh của Trung Quốc, "quyền tự chủ" được hiểu như là các trường đại học tự điều hành các hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội trong khuôn khổ các chính sách của Chính phủ.

Có hai lý do giải thích tại sao thuật ngữ "tự chủ" là "làm chủ bản thân" được sử dụng nhiều hơn ở Trung Quốc. Thứ nhất, quyền tự chủ với ý nghĩa này phù hợp với các chính sách cải cách đại học của Chính phủ Trung Quốc. Điều này đã được minh định trong Luật giáo dục. Theo đó các cơ sở giáo dục đại học được tự quản trong khuôn khổ các chính sách của Chính phủ. Bản chất của quyền tự chủ đại học của Trung Quốc là sự ủy quyền của chính quyền đến các trường đại học nhằm khuyến khích các trường đưa ra các sáng kiến cho sự phát triển.

Thứ hai, quyền tự chủ với tư cách là "làm chủ bản thân" được sử dụng để tránh các tranh cãi chính trị; đặc biệt là những nội hàm liên quan đến sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trong khuôn viên trường đại học.

Sau năm 1985, một số trí thức đã nêu vấn đề tự chủ đại học như là sự độc lập của các trường đại học với Chính phủ và ĐCSTQ, chẳng hạn Giáo sư Fang Lizhi, Nhà vật lý thiên văn và là Phó hiệu trưởng của Đại học khoa học và công nghệ Trung Quốc ủng hộ sự độc lập hoàn toàn của trường đại học thông qua việc sử dụng cụm từ "daxue zizhi" (nghĩa là tự chủ đại học như là sự độc lập).

Theo ông, trường đại học nên độc lập với Đảng và Nhà nước, nó là một trung tâm tư tưởng tự do; nơi sinh viên có thể trau dồi các kỹ năng về tư duy độc lập. Ông cũng cho rằng trí thức nên độc lập với giai cấp công nhân và xác lập bản sắc riêng của họ. Điều này đã bị chính quyền Trung Quốc nhanh chóng phản ứng và bày tỏ lập trường chống lại những nỗ lực này [1].

Đối với quyền tự chủ như quyền tự làm chủ bản thân, các trường đại học phải đưa ra quyết định với tư cách là người chủ của chính mình. Nó gợi ý việc phá vỡ tâm lý truyền thống phụ thuộc vào Chính phủ về mặt vật chất; và nhìn nhận trường đại học từ một lợi thế mới - các trường đại học phải chuẩn bị tinh thần để chịu trách nhiệm hoàn toàn về phúc lợi cho nhân viên của họ, mở rộng trường đại học, chất lượng giáo dục, người đăng ký sinh viên và người phát triển nghiên cứu.

Quá trình thực hiện tự chủ đại học của Trung Quốc có thể chia thành 3 giai đoạn sau:

Giai đoạn 1: Từ năm 1949 đến 1978

Năm 1949, dưới sự lãnh đạo của ĐCSTQ, nước cộng hòa nhân dân Trung Hoa được thành lập. Từ năm 1949 đến năm 1978, Trung Quốc đã trải qua: giai đoạn chuyển tiếp (1949-1952), giai đoạn xây dựng (l952-1957), giai đoạn Đại nhảy vọt hoặc thời kỳ phát triển (1958-1960), thời kỳ thoái trào (1961-l966), và Cách mạng văn hóa (1966-1976).

Toàn bộ thời kỳ này, mục tiêu của giáo dục đại học là để phục vụ Chủ nghĩa xã hội. Tại Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất về giáo dục (1950), Thứ trưởng Qian Junrui nói rằng nền giáo dục Trung Quốc xã hội chủ nghĩa là một nền giáo dục dân chủ mới. Nhiệm vụ chính của nó là nâng cao trình độ văn hóa của nhân dân, chuẩn bị nhân sự cho sự phát triển kinh tế, xóa bỏ tư tưởng phong kiến, quan liêu, phát xít và nâng cao tinh thần phục vụ nhân dân. Nền giáo dục này là một nền giáo dục dân tộc chủ nghĩa, khoa học và đại chúng.

Thông qua phương pháp tích hợp lý luận và thực tiễn, giáo dục nhằm phục vụ cách mạng và phát triển kinh tế. Qian cũng nói về sự lựa chọn của chính phủ Trung Quốc trong việc thành lập hệ thống giáo dục mới theo khuôn mẫu của nền giáo dục Liên Xô [2]. Các cơ sở giáo dục đại học thực hiện việc bồi dưỡng đội ngũ cán bộ có trình độ cao, hiểu biết về văn hóa, khoa học và công nghệ hiện đại, hết lòng phục vụ nhân dân.

Để thực hiện mục tiêu, Chính phủ Trung Quốc bắt đầu chuyển đổi quyền kiểm soát các trường đại học và cao đẳng bằng cách tiếp quản tất cả các cơ sở tư nhân, bao gồm hơn 20 trường đại học và cao đẳng do Nhà thờ tài trợ [3]. Năm 1952, chính phủ bắt đầu tổ chức lại hệ thống giáo dục đại học đã được thành lập và phát triển dưới thời Quốc dân đảng. Nó bao gồm các trường đại học, cao đẳng và các trường chuyên ngành. Chính quyền cho rằng hệ thống này không thể đáp ứng các nhu cầu của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội tại Trung Quốc.

Do đó, năm 1957, Trung Quốc đã tiến hành tái cấu trúc hệ thống giáo dục đại học kiểu mới, đáp ứng các nhu cầu chính trị và kinh tế ở cấp quốc gia, cấp ngành và cấp tỉnh. Dựa trên các ngành đào tạo, Trung Quốc chia các trường đại học trên toàn quốc thành 11 loại trường đại học, đó là: đại học tổng hợp, đại học kỹ thuật, đại học sư phạm, đại học nông nghiệp, đại học lâm nghiệp, đại học y khoa, đại học tài chính, đại học luật và khoa học chính trị, đại học âm nhạc, đại học mỹ thuật và đại học thể thao.

Một hệ thống các chuyên ngành đào tạo tương ứng kèm theo, đặt nền tảng cho chương trình giảng dạy của các cơ sở giáo dục đại học trên toàn quốc. Đến năm 1953, Trung Quốc có 215 trường đại học và năm 1957 là 323 trường, bao gồm nghệ thuật (26 trường), khoa học (21 trường), kỹ thuật (183 trường), nông nghiệp (18 trường), lâm nghiệp (9 trường), y khoa (7 trường), sư phạm (2l trường), tài chính (12 trường), luật và khoa học chính trị (2 trường), thể thao (2 trường), và mỹ thuật (22 trường) [4].

Thông qua cấu trúc này, Trung Quốc cho rằng chương trình đào tạo gắn kết hơn với nhu cầu thực tiễn của xã hội cho từng chuyên ngành và nguồn nhân lực đào tạo phát triển theo hướng chuyên môn hóa.

Trong giai đoạn này, Trung Quốc duy trì ba trình độ đào tạo gồm sau đại học, đại học và các lớp học ngắn hạn nhưng không cấp bằng. Thời gian học tập là 3 đến 5 năm đối với bậc đại học và 2 đến 5 năm đối với sau đại học.

Những học sinh đã tốt nghiệp trung học hoặc tương đương trở lên đều có quyền tham gia xét tuyển vào các trường đại học.

Sau Đại nhảy vọt năm 1958, các trường đại học và cao đẳng Trung Quốc mở rộng nhanh chóng và lên đến 1289 vào năm 1960, gấp khoảng 5 lần so với năm 1957 (229).

Sau đó, Trung Quốc giảm xuống còn 407 trường trong hai năm tiếp theo [5]. Năm 1961, Bộ Giáo dục đã ban hành một văn bản mới về Giáo dục đại học, trong đó yêu cầu sự phát triển của giáo dục đại học phải theo kịp tốc độ phát triển kinh tế, đồng thời ban hành một loạt các quy định về quản trị giáo dục đại học.

Quản lý Giáo dục Đại học

Quản lý giáo dục đại học theo hình thái Xã hội chủ nghĩa phản ánh nguyên tắc tập trung cao độ và theo nhiều cấp. Bộ giáo dục, đại diện cho Chính phủ, thực hiện quyền quản lý thống nhất đối với các cơ sở giáo dục đại học trong nước.

Tuy nhiên, có 3 loại cơ sở giáo dục đại học được tạo ra theo mối quan hệ của chúng với cấp quản lý khác nhau: các cơ sở giáo dục đại học do Bộ giáo dục quản lý, cơ sở giáo dục đại học do các bộ và các cơ quan ngang bộ quản lý và cơ sở giáo dục đại học do chính quyền cấp tỉnh quản lý. Vị thế của mỗi cơ sở giáo dục gắn liền với vị trí của nó trong hệ thống giáo dục quốc dân, thể hiện qua uy tín, sự đãi ngộ và kinh phí mà nó được hưởng.

Đứng đầu là các trường đại học và cao đẳng trực thuộc Bộ giáo dục; sau đó là các trường trực thuộc các bộ, cơ quan trung ương; và cuối cùng là các trường do chính quyền tỉnh quản lý. Trường đại học như một cơ quan hành chính nhà nước. Vị thế của một trường đại học cấp quốc gia ngang bằng với một tỉnh và vị thế của một trường đại học cấp tỉnh ngang với một huyện. Ngạch hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng theo sự sắp đặt này.

Trong các trường đại học, hệ thống quản trị được đặc trưng bởi sự lãnh đạo toàn diện của Đảng. Nếu Quốc dân đảng trước năm 1949 vốn không bao giờ có thể thâm nhập một cách hiệu quả vào việc quản lý các hoạt động học thuật của trường đại học, ĐCSTQ thành lập các Chi bộ Đảng trong mỗi trường đại học.

Tháng 9 năm 1958, một chỉ thị liên quan đến các mục tiêu và nguyên tắc giáo dục do Ủy ban trung ương của ĐCSTQ và Hội đồng nhà nước quy định: "Tất cả các trường học phải nhận được sự lãnh đạo toàn diện của Đảng", và yêu cầu hội đồng trường đại học của các cơ sở giáo dục đại học phải chịu sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng trong trường đại học. Theo hệ thống này, Đảng ủy lãnh đạo hội đồng trường đại học thực hiện các chính sách giáo dục của Chính phủ. Tất cả các vấn đề quan trọng trong trường đại học phải được thảo luận và thông qua bởi hội đồng trường đại học trước tiên và sau đó được giao cho Hiệu trưởng tổ chức thực hiện.

Tài chính cho giáo dục đại học là trách nhiệm của Chính phủ nhằm bảo đảm sự kiểm soát hoàn toàn của Chính phủ đối với các trường đại học. Khoản kinh phí này này bao gồm lương cơ bản, các khoản trợ cấp và phúc lợi cho giảng viên, nhân viên; học bổng cho sinh viên và chi thường xuyên như mua văn phòng phẩm, thiết bị giảng dạy và nghiên cứu, chi sửa chữa,…Bên cạnh đó, Chính phủ còn thiết lập các quỹ đặc biệt như trợ cấp cho các chuyên gia nước ngoài, cho nghiên cứu trong các trường đại học quốc gia và cho các chương trình đào tạo tiến sĩ. Nguồn kinh phí tài trợ này là chương trình đặc biệt hàng năm [6].

Theo quan điểm của Phương Tây, trong thời kỳ này không có quyền tự chủ vì các trường đại học và cao đẳng trên thực tế là một dạng cơ quan của Chính phủ. Tuy nhiên, dựa trên ba lớp ý nghĩa của quyền tự chủ đại học được ghi nhận là chủ quyền giáo dục, mối quan hệ giữa giáo dục đại học và Chính phủ, và quản trị chuyên nghiệp, chúng ta phải thấy quyền tự chủ đại học trong môi trường đại học của Trung Quốc đại lục trong giai đoạn này có ý nghĩa khác biệt.

Thứ nhất, năm 1949 (trước ngày thành lập Nước cộng hòa nhân dân Trung Hoa), Trung Quốc có 21 cơ sở giáo dục đại học tư được tài trợ bởi các cơ quan nước ngoài, chủ yếu là của Nhà thờ. Mặc dù các cơ sở đại học này thích nghi và hòa nhập vào hệ thống giáo dục đại học Trung Quốc thời Chính phủ Quốc dân đảng, họ vẫn bị kiểm soát trực tiếp và phụ thuộc tài chính vào Nhà thờ.

Sau khi Nhà nước Trung Quốc được thành lập (10/1949), xung đột giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã làm gia tăng quyết tâm của Chính phủ trong việc giành quyền kiểm soát các tổ chức tôn giáo. Năm 1950, chính quyền trung ương thông báo cho tất cả các trường đại học và các cơ sở tôn giáo về quyền kiểm soát của mình và không cho phép các cơ sở tôn giáo được phép thành lập trường đại học mới.

Vào tháng 10, Chính phủ tiếp quản quyền kiểm soát trường Đại học công giáo Bắc Kinh. Khi chiến tranh Triều Tiên nổ ra vào cuối năm 1950, Chính phủ quyết định nắm quyền kiểm soát tất cả 17 cơ sở giáo dục đại học tư nhân do các cơ sở tôn giáo của Mỹ thành lập trước đây. Tất cả các nhân viên trong các cơ sở giáo dục đại học tư đều được đối xử như nhau và được phép tiếp tục công việc của họ.

Đồng thời điểm, 11 đại học tư trở thành tổ chức công lập, tuy nhiên Nhà nước vẫn duy trì 09 đại học tư, trong đó có Đại học St. John's. Đến năm 1953, tất cả các đại học tư đều trở thành đại học công lập. Sự kết thúc của giáo dục đại học tư do Nhà thờ kiểm soát được coi là sự gia tăng quyền tự chủ cho các trường đại học và cao đẳng Trung Quốc theo nghĩa trường đại học của chính quyền Trung Quốc tự chủ với Nhà thờ và quốc tế.

Lớp ý nghĩa thứ hai là về mối quan hệ giữa Chính phủ với các trường đại học và cao đẳng. Vì ý tưởng về quyền tự chủ đại học đã bị ĐCSTQ nghi ngờ, nên sự độc lập hoàn toàn của giáo dục đại học là không thể xảy ra khi các cơ sở giáo dục đại học là một bộ phận của hệ thống quản lý nhà nước. Các cơ sở giáo dục đại học là các cơ sở công lập dưới sự lãnh đạo của ĐCSTQ.

Các trường đại học và cao đẳng được quản lý tách biệt bởi Bộ giáo dục, các bộ và cơ quan ngang bộ và chính quyền các tỉnh. Hai loại mối quan hệ này đặt các trường đại học và cao đẳng vào vị trí mà chúng phải hoạt động trong các chính sách của Chính phủ ở cả hai cấp (Chính phủ trung ương và Chính quyền tỉnh). Quyền tự do và quyền lực của họ bắt nguồn từ mối quan hệ của họ với Chính phủ, đặc biệt là Chính phủ trung ương.

Trường đại học càng gần chính quyền trung ương, trường đại học đó càng có nhiều quyền tự do và quyền lực. Ý tưởng về "quản trị chuyên nghiệp" vẫn còn tồn tại, tuy nhiên, nó đã được chuyển thành sự hiểu biết về sự phù hợp của nội dung đào tạo của nhà trường với nhu cầu của nhà nước.

Ý nghĩa của quyền tự chủ ở lớp thứ ba liên quan đến các cơ chế làm việc trong các trường đại học và cao đẳng. Lúc này các trường đại học không có nhiều quyền hạn trong việc thiết kế quy trình hoạt động cho riêng trường mình ngoại trừ các trường đào tạo không chính quy. Liên quan đến việc tuyển sinh, Chính phủ thiết lập một kỳ thi tuyển sinh thống nhất trên toàn quốc cho các trường đại học và cao đẳng vào năm 1952. Chính phủ đặt ra hạn ngạch tuyển sinh cho tất cả các trường. Các trường đại học chỉ chọn những người đã vượt qua kỳ thi.

Đối với việc bố trí việc làm của sinh viên, các trường đại học, cao đẳng chỉ có thể giới thiệu sinh viên vào các vị trí do nhà nước bố trí. Trong chương trình học, Chính phủ yêu cầu xóa bỏ tất cả các đường lối chính trị cũ, chẳng hạn như các nội dung về Chủ nghĩa tam dân của Tôn Dật Tiên; và bổ sung các nội dung giảng dạy về Đường lối cách mạng Trung Quốc, cơ sở của Chủ nghĩa Mác, lịch sử cách mạng Trung Quốc, kinh tế chính trị học và đi thực tế tại nhà máy và nông thôn. Chính phủ kiểm soát hoàn toàn về tuyển dụng nhân sự làm việc trong trường đại học thông qua hệ thống tuyển dụng chung lực lượng lao động và cán bộ của nhà nước.

Vào cuối năm 1978, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã phát động một cuộc cải cách đất nước, nhằm thay đổi thực tiễn Xã hội chủ nghĩa, tăng tốc phát triển kinh tế và thực hiện bốn hiện đại hóa.

Giai đoạn 2: Từ năm 1978 đến những năm cuối thế kỷ 20

Cải cách đã mang lại nhiều thay đổi cho các trường đại học, tạo cơ hội để họ thực hiện ý tưởng tự chủ theo hướng cởi mở. Chính phủ đã giao nhiều quyền hơn cho các trường đại học để giúp họ phát triển các nguồn lực của mình theo những cách đặc biệt. Kết quả là, mặc dù các trường đại học vẫn có quan hệ mật thiết với Chính phủ, nhưng các chính sách của Chính phủ đã linh hoạt hơn và các trường đại học có nhiều quyền tự do hơn trong hoạt động. Các trường đại học được quyền thiết lập cơ chế hoạt động của riêng họ, điều từng bị gián đoạn trong thời kỳ trước; và quyền tự chủ đã trở nên rõ ràng hơn và đi vào diễn ngôn của các trường đại học Trung Quốc.

Mặc dù vậy, giáo dục đại học Trung Quốc luôn gần gũi với Chính phủ về mục tiêu, cơ cấu tổ chức và cách thức quản lý. Mặc dù nó là ẩn ý, nhưng tự chủ đại học có thể được coi là một dạng quyền lực hành chính được chia xẻ giữa tầng lớp trí thức trong trường đại học và Chính phủ và là một nghệ thuật sử dụng quyền lực để giải quyết các vấn đề liên quan đến vị trí, công việc nội bộ của trường.

Cải cách và mở rộng tự chủ đại học

Trong thời kỳ đổi mới, tác động của cải cách được phản ánh trong việc phân cấp quản lý của Chính phủ và quyền tự chủ đã trở thành một phương tiện để chính quyền địa phương tìm cách mở rộng giáo dục đại học cho địa phương. Đối với các trường đại học, quyền tự chủ làm tăng quyền tự do hoạt động của họ để họ có thể hoạch định các chính sách phát triển tương lai và xây dựng bản sắc riêng thông qua suy nghĩ và nỗ lực của chính họ, thay vì dựa vào kế hoạch của chính quyền trung ương. Sự mở rộng về bản sắc và đa dạng về thể chế quản trị trong trường đại học đã trở thành một kết quả quan trọng của quyền tự chủ đại học giai đoạn này.

Việc mở rộng giáo dục đại học có thể được xem xét trong các giai đoạn lịch sử sau: 1978-1985, 1985-1989, 1989-1991 và sau năm 1991. Từ năm 1978 đến năm 1985, sự mở rộng được phản ánh qua sự gia tăng số lượng các trường đại học và cao đẳng, các chương trình và các chuyên ngành, tài liệu tham khảo và giáo trình giảng dạy, và phát triển giáo dục đại học từ xa dành cho người lớn.

Từ năm 1985 đến năm 1989, việc cải tổ hệ thống giáo dục đã được thực hiện và nó trở thành chính sách của chính phủ nhằm tăng cường quyền tự chủ đại học. Những thay đổi đã diễn ra trong cấu trúc và quản trị của trường đại học, với trọng tâm là vai trò của hiệu trưởng. Hệ thống trách nhiệm của hiệu trưởng đã được thông qua thử nghiệm với hy vọng rằng nó sẽ được áp dụng cho toàn bộ hệ thống trong tương lai.

Giai đoạn từ năm 1989 đến năm 1991 là thời gian gián đoạn cho sự phát triển giáo dục đại học ở Trung Quốc do sự cố tại Quảng trường Thiên An Môn năm 1989. Kết quả là, quyền lãnh đạo của ĐCSTQ đã được củng cố mạnh hơn trong khuôn viên trường. Sau năm 1991, giáo dục đại học trở thành thị trường chung và giành được nhiều quyền tự chủ tài chính từ Chính phủ. Việc mở rộng gắn liền với những thay đổi về thể chế theo hướng đa dạng, điều này làm tăng năng lực xã hội, kinh tế và học thuật của các trường đại học và cao đẳng.

Một kết quả rõ ràng của cải cách là việc mở rộng các cơ sở giáo dục đại học thông thường theo hướng đa dạng cả về ngành, nghề đào tạo và cấu trúc thể chế cũng như gắn kết sâu rộng hơn với nhu cầu của xã hội thông qua việc giới thiệu các kết quả nghiên cứu và thương mại hóa kết quả nghiên cứu.

Những thay đổi nổi bật nhất có thể được tóm tắt như sau: 1) sự gia tăng của các tổ chức từ 392 năm 1976 lên 1065 năm 1993; 2) số sinh viên đăng ký học tăng từ 564.715 vào năm 1976 lên 2.535.517 vào năm 1993; 3) mở rộng các chương trình từ 6.319 năm 1978 lên 16.178 năm 1993; 4) sự phát triển của các chương trình giảng dạy mới về kỹ thuật, nông nghiệp, lâm nghiệp, y học, đào tạo giáo viên, nhân văn, khoa học tự nhiên, tài chính và kinh tế, khoa học chính trị và nghệ thuật; và 5) việc mở rộng nghiên cứu, với các hình thức đa dạng gồm nghiên cứu lý thuyết, các ấn phẩm khoa học trên các tạp chí ISI/Scopus, các sản phẩm công nghệ cao, hợp tác với các ngành công nghiệp và thương mại hóa các kết quả.

Sự đa dạng là một đặc điểm nổi bật của giáo dục đại học trong giai đoạn này. Trong giai đoạn trước hệ thống các trường đại học được thành lập dựa dựa trên sự chuyên môn hóa chặt chẽ, bao gồm mười hai loại hình trường: tổng hợp, khoa học tự nhiên và công nghệ, nông nghiệp, lâm nghiệp, y dược, sư phạm, khoa học xã hội, tài chính và kinh tế, khoa học chính trị và luật, thể dục thể thao, nghệ thuật, và các trường dạy nghề ngắn hạn.

Việc mở rộng ngành nghề đào tạo đã làm tăng quyền tự do của các trường đại học và cao đẳng trong việc thực hiện các thay đổi trong và ngoài các chuyên ngành đào tạo truyền thống. Thông qua việc tích hợp khoa học và công nghệ với nghệ thuật và khoa học xã hội, cấu trúc của hệ thống giáo dục đại học đã biến đổi [7].

Đến năm 1993, Trung Quốc đã có 62 trường đại học tổng hợp, 292 trường đại học khoa học tự nhiên và công nghệ, 59 trường đại học nông nghiệp, 11 trường đại học lâm nghiệp, 126 trường đại học y dược, 251 trường đại học sư phạm, 11 cao đẳng và 84 trường dạy nghề.

Tất cả các cơ sở giáo dục đại học trong giai đoạn này đều chủ động phát triển các môn học mới, ngành mới dựa trên các môn học truyền thống của trường. Khuynh hướng phát triển như vậy đã phá vỡ sự phân chia theo ngành hẹp và phản ánh sự tiếp nhận xu hướng phát triển giáo dục đại học như hình mẫu của phương Tây.

(còn tiếp)

Tài liệu tham khảo

[1] Li Lun. (1987). "On Fang Lizhi's claim of university independence". Higher Education (5), pp. 15-20.

[2] Guojia jiaowei chengren jiaoyusi, 1994: 3

[3] W. Fenn, (1976). Christian higher education in changing China 1890-1950. Michigan: W.

  1. Eerdmans.

[4] Yang Rongchun, (1985). A history of Chinese feudalist education. Guangzhou: Guangdong renmin chubanshe.

[5] Adam Yuen-ching Liu, (1991). The hanlin academy: training ground for the ambitlous.

Connecticut: Archon Books.

[6] Wang & Zhou, (1991). The funding formula of the regular higher education system in our country. Education and economy 4, pp.51-55.

[7] X. Zhang (1993). On independent governance of higher education institutions. Higher education 3, pp.32-34.

[8] Robinson, J. (1995). Decentralization, money and the case of people-run schools in
People's China. Comparative Education Review, 30(1), pp.73-88.