Từ chối Microsoft, 9x về Việt Nam khởi nghiệp
(Dân trí) - Nhận công việc đáng mơ ước tại Microsoft nhưng Nguyễn Khôi (SN 1991) từ chối, về Việt Nam khởi nghiệp công nghệ, với mong muốn được cống hiến nhiều hơn cho nước nhà.
Bỏ Microsoft, về Việt Nam cống hiến cho nước nhà
Với sở thích máy móc, tin học từ bé và niềm tin về “sức mạnh” của công nghệ trong tương lai, Khôi theo học ngành Kỹ thuật máy tính tại Học viện công nghệ Illinois, Chicago (Mỹ).
Mục tiêu của Khôi khi đó là ở lại Mỹ làm việc trong tập đoàn lớn học hỏi vài năm, rồi mới trở về Việt Nam. Tuy nhiên, đến năm thứ 2 đại học, Khôi đã bị làn sóng startup hấp dẫn nên ấp ủ ý tưởng khởi nghiệp ngay sau khi hoàn thành chương trình học.
Trong một lần tham gia ngày hội việc làm ở Mỹ, Khôi nộp hồ sơ và không ngờ đã được nhận lời mời làm kĩ sư máy tính tại tập đoàn Microsoft ngay khi vừa ra trường. Đang nuôi dưỡng ý tưởng về Việt Nam startup thì nhận cơ hội lớn này, Khôi không khỏi trăn trở giữa việc về hay ở lại.
Khôi chia sẻ: “Microsoft là ước mơ từ bé của mình, và Bill Gates là người mình rất ngưỡng mộ. Mình hiểu đây là cơ hội không phải khi nào và không phải ai cũng có được.
Sau khi suy nghĩ kĩ càng, mình quyết định từ chối cơ hội làm việc ở Microsoft để về Việt Nam, với suy nghĩ: Cùng công sức đấy, mình đóng góp cho Microsoft sẽ tạo ra ít ảnh hưởng hơn so với việc mình về và làm những cái mới cho quê hương”.
Về Việt Nam, Khôi không bắt tay làm luôn startup, mà dành ra vài tháng trải nghiệm, tìm hiểu thị trường startup trong nước thông qua việc làm tập sự tại quỹ đầu tư mạo hiểm IDG.
Sau khi đã nắm bắt được các mô hình startup trong nước, Khôi chuyển sang một công ty truyền thông. Khôi lý giải điều này: “Mình nghĩ, để điều hành một công ty startup, phải biết và làm được nhiều thứ, không dừng lại ở lĩnh vực chuyên môn. Do đó, sau khi trang bị đầy đủ kiến thức về thị trường, marketing… mình mới đủ tự tin bắt đầu startup”, Khôi nói.
Đam mê khởi nghiệp nhưng Khôi (phải) chọn cho mình lối đi thận trọng thay vì chạy theo trào lưu.
Trăn trở phát triển giáo dục thông qua ứng dụng công nghệ
Khôi muốn ứng dụng công nghệ để thay đổi 3 ngành cơ bản mà quan trọng nhất với con người: giáo dục, y tế và giao thông. Sau khi cân nhắc, Khôi đã lựa chọn giáo dục cho startup đầu tiên.
Theo Khôi, trình độ y tế của bác sĩ Việt Nam không thua kém so với thế giới. Hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông vài năm nay cũng đã phát triển. “Điều quan trọng là ý thức chăm sóc, nâng cao sức khỏe, cũng như ý thức tham gia giao thông của người dân chưa được cao. Mình nghĩ rằng để làm được điều đó, phải thông qua giáo dục”, Khôi chia sẻ.
Do đó, khi nhận được lời mời hợp tác xây dựng hệ sinh thái giáo dục cho một công ty lớn tại Hà Nội, Khôi bắt tay khởi nghiệp với sản phẩm đầu tiên là ứng dụng học tiếng Anh miễn phí, tiếp cận đến 350.000 người dùng.
Trong quá trình này, Khôi đã không bị quá nhiều áp lực để giải quyết bài toán tài chính để sinh tồn trong giai đoạn đầu, mà tập trung phát triển sản phẩm để không chỉ phục vụ cho người học trong nước, còn “chinh phục” thị trường nước ngoài như Thái Lan, Indonesia…
“Với những người khởi nghiệp lĩnh vực công nghệ, việc vận hành một sản phẩm cần ít nhân lực nhưng hiệu quả cao là thử thách lớn, chứa đầy tính phiêu lưu, lãng mạn.
Ứng dụng tiếng Anh tập trung nhiều vào việc cảm nhận sản phẩm, trải nghiệm của khách hàng nên đã tạo nhiều cảm xúc cho chúng mình trong quá trình xây dựng và phát triển”, Khôi bộc bạch.
Với mong muốn sản phẩm giáo dục đạt được hiệu quả nổi trội, có tính đột phá hơn về chất lượng giáo dục đối với người dùng, Khôi đã thực hiện một sản phẩm lớn đầy tham vọng: siêu thị khóa học kiến thức, kĩ năng cho người đi làm.
Những ngày đầu, Khôi gặp nhiều khó khăn trong việc thuyết phục người dùng tin vào tính ưu việt của khóa học online so với hình thức học truyền thống: tiết kiệm thời gian, xóa bỏ khoảng cách địa lý…
Bên cạnh đó, các khóa học online đòi hỏi người dùng phải tự giác học tập với quyết tâm cao độ, nên Khôi tập trung vào marketing và dùng phương pháp quản lý học tập chặt chẽ để đạt được hiệu quả như mong muốn.
"Con người nếu muốn phát triển, phải luôn luôn tìm cách bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân, đặt ra những “bài toán” cao hơn nhiều so với khả năng của mình, và dốc hết tâm sức thực hiện nó”, Khôi tâm niệm.
Bước ra khỏi vùng an toàn
Khi ứng dụng gặt hái những thành tựu đáng nể với phần mềm giáo dục, Khôi chuyển giao sản phẩm cho người mình tin tưởng quản lý để tiếp tục làm một thứ mới của riêng mình: ứng dụng công nghệ liên quan đến sức khỏe con người. Khôi mong muốn sản phẩm của mình phục vụ cho nhiều người dân, không chỉ trong nước, mà còn ở thị trường quốc tế.
“Ứng dụng tiếng Anh miễn phí đã vươn ra và phục vụ hiệu quả cho người dùng ở một số nước khác tại Đông Nam Á, giúp mình có niềm tin mạnh mẽ rằng việc chinh phục thị trường nước ngoài là điều không quá khó khăn”, chàng trai sinh năm 1991 chia sẻ.
Với lựa chọn mới của mình, Khôi cho biết: “Khi mọi thứ đạt đến ngưỡng trọn vẹn, mình lại cần thử thách lớn hơn, đẩy bản thân lên cao hơn. Mình luôn nghĩ, con người nếu muốn phát triển, phải luôn luôn tìm cách bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân, đặt ra những “bài toán” cao hơn nhiều so với khả năng của mình, và dốc hết tâm sức thực hiện nó”.
Có hai câu Khôi rất tâm đắc: “Nếu ước mơ của bạn không khiến bạn sợ hãi. Điều đó có nghĩa ước mơ đó chưa đủ lớn” và “Hãy ước mơ với đến mặt trăng, nếu bạn chưa chạm đến mặt trăng thì trong tay bạn không phải bùn mà là những vì sao!”
Cũng chính vì điều này mà ở công ty, Khôi luôn giao việc cho nhân viên cao hơn sức của họ. Chính Khôi cũng đặt ra mục tiêu công việc cao hơn năng lực bản thân, và ngay khi sắp sửa đạt được rồi, lại tiếp tục đẩy mục tiêu lên cao nữa.
“Vì khi đấy, mỗi người sẽ phải nỗ lực hết sức, đồng thời khai phá được năng lực tiềm ẩn, từ đó tạo ra những đột phá mới trong công việc”, Khôi khẳng định.
Hoài Thư
(Ảnh NVCC)