Trường THPT Hà Nội - Amsterdam đồng ý đổi tên trường

(Dân trí) - Trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam vừa có văn bản gửi lên Sở GD-ĐT Hà Nội đồng ý đổi tên trường thành trường THPT chuyên Hà Nội.

Tại sao trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam (Ams) đổi tên? Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hiệp Thống, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT về vấn đề này.
 
Trường THPT Hà Nội - Amsterdam đồng ý đổi tên trường - 1
Học sinh trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam

Thưa ông, tên trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam đã trở thành một thương hiệu lớn không chỉ trong nước mà cả trên thế giới. Tại sao Hà Nội lại có ý định đổi tên trường?

Ngay khi Thành phố chỉ đạo chuẩn bị tiếp nhận công trình trường mới, lãnh đạo Sở GD-ĐT đã chủ động cùng với Tập thể Ban Giám hiệu, Đảng uỷ, Công đoàn và các tổ trưởng chuyên môn của trường THPT Chuyên Hà nội- Amsterdam thảo luận bàn bạc, cân nhắc kỹ lưỡng về tổ chức bộ máy và tên gọi của ngôi trường này.

Theo đó có 2 phương án, phương án 1 là chuyển toàn bộ cán bộ, giáo viên và học sinh sang cơ sở mới và đề xuất tên gọi mới; phương án 2 là thành lập một trường chuyên mới trên cơ sở chuyển một số lớp chuyên và giáo viên chuyên của các trường trên địa bàn Thành phố ( trong đó nòng cốt là của trường chuyên Hà Nội- Amsterdam).

Theo phương án 1, dự kiến trường mới khi hoàn thành sẽ vinh dự được mang tên trường chuyên của thủ đô Hà Nội ( Trường THPT chuyên Hà Nội). Ngôi trường này, thành phố đã dành hơn 1.000 tỷ đồng để đầu tư về đất đai và xây dựng. Với khu đất 5 ha trên mặt đường khu đô thị Đông Nam Trần Duy Hưng (Hà Nội) thì có thể nói trong lịch sử ngành giáo dục chưa có miếng đất nào "đẹp" như vậy dành cho trường học, dù trước đó khu đất quý giá này Thành phố đã có quy hoạch làm việc khác.

Hơn nữa, toàn bộ phần thiết kế, thi công, xây dựng cũng đều do công sức trí tuệ của người Hà Nội thực hiện. Nghĩa là, đây sẽ là ngôi trường của Hà Nội, muốn có cái tên của Hà Nội để khẳng định niềm tự hào của người dân Thủ đô. Một ngôi trường khang trang, hiện đại vào bậc nhất mà từ trước đến nay Hà Nội chưa bao giờ làm được.

Theo nhiệm vụ thiết kế, trường được đầu tư xây dựng mới với quy mô 45 lớp cho 1.800 HS chuyên hệ THPT học cả ngày. Ngoài ra, có 9 phòng đào tạo đội tuyển, nhà giảng đường 200 chỗ, hội trường 700 chỗ, phòng thực hành thí nghiệm Lý, Hóa, Sinh, Tin, 14 phòng học theo bộ môn, vườn thực nghiệm môn Sinh vật và Địa lý với 1.000 m2 và đặc biệt các khu phục vụ cho dạy và học được trang bị với sân thể thao tiêu chuẩn, bể bơi nước nóng 8 đường bơi, thư viện 200 chỗ ngồi, nhà nghỉ bán trú cho khoảng 300 học sinh…

Tuy nhiên, trước đó khi biết tin trường Ams đổi tên thì tập thể giáo viên trong trường đã có văn bản kiến nghị gửi lên Sở mong muốn giữ lại tên trường vì đây là ngôi trường mà do nhân dân thành phố Amsterdam, Hà Lan ủng hộ thành phố Hà Nội để xây dựng một trường đào tạo bồi dưỡng học sinh giỏi .  Vì vậy, giáo viên của trường cho rằng đổi tên thì trường mang tiếng là uống nước không nhớ nguồn?

Thành phố đã quyết tâm xây dựng một ngôi trường với mục tiêu đào tạo mũi nhọn chất lượng cao ngang tầm khu vực và quốc tế. Thầy và trò Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam hoàn toàn xứng đáng được sử dụng ngôi trường đó như mục tiêu ban đầu đã đặt ra. Tin tưởng rằng, sau khi tiếp thu ngôi trường mới, đội ngũ thày trò trường chuyên Hà nội -Amsterdam sẽ tiếp tục kế thừa và phát huy truyền thống của 25 năm qua để giành được những thành tích cao hơn nữa.

Việc nhiều giáo viên và HS trường Ams muốn giữ lại tên cũ, đây là điều hoàn toàn có thể hiểu được, bởi lẽ 25 năm qua uy tín của trường chuyên Hà nội- Amsterdam đã được khẳng định thông qua chất lượng và những thành tích đáng tự hào của các thế hệ thày trò nhà trường.

Nhưng nếu theo phương án 2 là vẫn giữ nguyên trường Ams và chỉ chuyển nòng cốt sang trường chuyên mới, thì mục tiêu ban đầu sẽ mất đi, thầy trò trường Ams sẽ không có cơ hội được thụ hưởng một cơ ngơi hiện đại. Vả lại, khi chỉ còn một bộ phận học sinh và giáo viên ở lại trường cũ, với tên trường Hà nội-Amsterdam thì liệu rồi đây, truyền thống nhà trường có còn duy trì được như những năm qua nữa không?.
 
Vậy việc đổi tên trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam chính là để ghi dấu ấn Hà Nội? 

Vì sao không giữ tên trường Ams khi sang cơ sở mới, thì như đã nói ở trên, Hà Nội đã đầu tư cả trí tuệ, nhân lực, đất đai, tiền của vào công trình hiện đại này nên nhất định trường này sẽ là ngôi trường đáng tự hào của Hà Nội và chắc chắn phải mang tên Hà Nội. Trường sẽ khánh thành trong dịp kỷ niệm "1.000 năm Thăng Long" không chỉ là một mốc son lịch sử. Mà quan trọng hơn nữa là giá trị của một ngôi trường hiện đại của người Hà Nội.

Chính vì vậy, vừa qua khi tập thể Đảng bộ.Ban giám hiệu, Ban chấp hành công đoàn và cán bộ giáo viên trường THPT chuyên Hà Nội- Amsterdam có văn bản thống nhất đề xuất với Sở GD-ĐT cho phép nhà trường thực hiện theo phương án 1 là chuyển toàn bộ giáo viên và học sinh của trường sang cơ sở mới và xin đề xuất tên trường là Trường THPT chuyên Hà Nội thì Sở đã thấy đây là sự chọn lựa chính xác.

Như vậy giữa phương án sang cơ sở mới, đổi tên là trường THPT Chuyên Hà Nội nhưng vẫn giữ được truyền thống trường THPT Chuyên Hà Nội- Amsterdam, thực hiện được mục tiêu là đào tạo mũi nhọn cho Thủ đô hay vẫn giữ trường Ams với tên gọi ở cơ sở cũ (cơ sở mới thành lập một trường chuyên khác - PV), với điều kiện giảng dạy đã không còn phù hợp trong thời đại mới, thì sự lựa chọn dường như cũng đã rõ hơn.

Với cơ sở vật chất cũ, Sở GD-ĐT đang tính đến phương án đưa trường THPT Nguyễn Trãi, quận Ba Đình về tiếp quản cơ sở này - (hiện nay đang phải dùng chung CSVC với trường THCS Nguyễn Trãi).

Sở GD-ĐT sẽ sớm trình UBND thành phố quyết định này và việc tuyển sinh vẫn giữ nguyên như trước. Hiện nay Sở đã giao trách nhiệm cho nhà trường xây dựng đề án tổ chức bộ máy để quản lý sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất của trường.
 
Xin cảm ơn ông!

Hồng Hạnh