1. Dòng sự kiện:
  2. Điểm chuẩn các trường đại học năm 2024

Trường Newton vẫn hợp tác với “trường ma”?

(Dân trí) - Dù Bộ GD&ĐT đã có thông báo yêu cầu ngừng hợp tác với Trường Quốc tế George Washington (GWIS) - Mỹ trên cả nước nhưng Trường Newton Hà Nội vẫn ra thông báo tiếp tục triển khai chương trình giảng dạy hệ GWIS.

Ngày 15/5, Trường Newton Hà Nội đăng tải thông báo của ban lãnh đạo trường về việc sẽ tiếp tục triển khai chương trình giảng dạy hệ GWIS (Trường Quốc tế George Washington-Mỹ) theo hợp đồng đã hợp tác.

Theo đó, nhà trường ghi rõ, căn cứ vào Công văn số 1711/SGDĐT-GDPT của Sở GD&ĐT Hà Nội ngày 11.5.2018 về việc hợp tác với Trường George Washington International School (GWIS); kết quả tích cực từ chương trình đào tạo GWIS tại trường Newton; hợp đồng hợp tác giữa Trường GWIS và trường Newton; nguyện vọng chính đáng của cha mẹ học sinh và học sinh.

Ban lãnh đạo trường Newton thông báo: Nhà trường tiếp tục triển khai chương trình giảng dạy hệ GWIS theo hợp đồng đã hợp tác với Trường GWIS và nội dung đề án liên kết đã được Bộ, Sở GD&ĐT Hà Nội thẩm định.

Trường GWIS cam kết tiếp tục cấp bảng điểm, bằng tốt nghiệp hợp pháp cho học sinh theo học hệ này nếu học sinh và cha mẹ học sinh có nguyện vọng đăng ký.

Những học sinh hệ GWIS năm học 2017-2018 có nguyện vọng lấy bảng điểm và lấy bằng tốt nghiệp THPT của GWIS thì tiếp tục đóng đủ 100% học phí của tháng 4 và 5-2018.

Các trường hợp có nguyện vọng khác sẽ áp dụng như phương án của trường Newton đã thông báo trước đó vào ngày 16/4.

Trường Newton cũng thông báo bảng học phí cho năm học 2018-2019 và bắt đầu tiếp nhận đăng ký mới của phụ huynh cho con học hệ GWIS tại trường từ ngày 15/5.

Điều đặc biệt trước đó vào ngày 17/4/2018, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu Sở GD&ĐT Hà Nội và các Sở GD&ĐT trên cả nước dừng hợp tác với Trường GWIS.

Trụ sở của GWIS tại Mỹ không có thật như quảng cáo.
Trụ sở của GWIS tại Mỹ không có thật như quảng cáo.

Chia sẻ với PV Dân trí chiều 17/5, bà Bùi Thị Minh Nga, Phó trưởng phòng Giáo dục Phổ thông, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, về việc này Sở GD&ĐT đã có công văn nghiêm túc gửi trường và Bộ GD&ĐT, không cho phép trường Newton tiếp tục hợp tác với trường GWIS. Nếu trường làm sai thì sẽ chịu trách nhiệm trước ban giám đốc Sở GD&ĐT.

Theo phóng viên tìm hiểu, thông báo tiếp tục hợp tác của Trường Newton một ngày sau đã bị xóa mất khỏi hệ thống website của trường.

Như Dân trí đã đưa tin trước đó, một số cơ quan thông tấn báo chí cho biết, Trường GWIS ở Mỹ, không trụ sở, không giáo viên, không được tổ chức nào công nhận... nhưng tổ chức dạy cũng như liên kết ở 14 tỉnh, thành của Việt Nam trong nhiều năm.

Nhiều trường phổ thông của Việt Nam cũng đang có chương trình hợp tác với trường này. Cụ thể tại Hà Nội, GWIS đang là đối tác trong chương trình “du học tại chỗ” của Trường phổ thông quốc tế Newton (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) từ năm 2012 đến nay.

Trong buổi họp báo ngay sau đó, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng khẳng định đúng quy trình. Tuy nhiên, một số thông tin hai đơn vị này đưa ra còn thiếu thuyết phục.

Liên quan đến nghi án trường GWIS là trường “ma”, ông Pope Thrower - người phát ngôn Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam - cho biết, phụ huynh có thể kiểm tra thông tin về trường tại Mỹ qua trang web của một số cơ quan quản lý.

Cụ thể, website của Cục An ninh Nội địa Mỹ, cơ quan quản lý danh sách các trường được cấp phép tuyển sinh học sinh quốc tế tại Mỹ theo thị thực F-1 và M-1. Mỗi tiểu bang duy trì danh sách các trường học từ mẫu giáo đến lớp 12 và công khai trên mạng.

Nhân viên đại sứ quán đã kiểm tra và không tìm thấy tên GWIS trong các danh sách này.

Ngoài ra, Chính phủ Mỹ có thẩm quyền và giám sát đối với các trường học có trụ sở tại Mỹ, không phải các tổ chức được thành lập hoặc hoạt động bên ngoài lãnh thổ Mỹ.

Ông cũng nói thêm, thông tin “Đại sứ quán Mỹ chứng thực tính hợp pháp của bằng tốt nghiệp THPT do GWIS cấp cho những học sinh theo chương trình GWIS tại trường Phổ thông Quốc tế Newton" mà Sở GD&ĐT Hà Nội đưa ra trước đó không chính xác.

Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội không chứng thực bằng cấp và bảng điểm. Việc chứng thực như vậy cần thông qua một quá trình xác minh, có thể được thực hiện ở Mỹ.

“Việc Đại sứ quán có thể làm và đã làm trong trường hợp này, là chấp nhận bản tuyên thệ, trong đó với việc tuyên thệ trước sự chứng kiến của một cán bộ lãnh sự, người ký tên vào bản tuyên thệ có thể cam đoan về sự xác thực của bằng cấp”, ông Thrower nói.

Mỹ Hà