Nghi án trường “ma” liên kết dạy ở Việt Nam: Sở GD&ĐT Hà Nội lên tiếng

(Dân trí) - Nhiều phụ huynh đang lo lắng trước thông tin phản ánh trường George Washington International School (GWIS) liên kết dạy ở 14 tỉnh, thành của Việt Nam từ nhiều năm, trong đó có Hà Nội, chỉ là trường “ma”, chiều 12/4, Sở GD&ĐT Hà Nội đã trả lời báo chí về sự việc và “để ngỏ” một số câu hỏi.

Từ Mỹ trở về giải thích tư cách pháp lý

Theo phán ánh của một số cơ quan thông tấn báo chí, Trường GWIS ở Mỹ, không trụ sở, không giáo viên, không được tổ chức nào công nhận... nhưng tổ chức dạy cũng như liên kết ở 14 tỉnh, thành của Việt Nam trong nhiều năm.

Nhiều trường phổ thông của Việt Nam cũng đang có chương trình hợp tác với trường này. Cụ thể tại Hà Nội, GWIS đang là đối tác trong chương trình “du học tại chỗ” của Trường phổ thông quốc tế Newton (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) từ năm 2012 đến nay.

Trong đó, GWIS cung cấp giáo trình và giáo viên giảng dạy ba môn tiếng Anh, Toán và Khoa học bằng tiếng Anh từ lớp 1 đến lớp 12. Theo như thông tin trên website của Trường Phổ thông Quốc tế Newton - đối tác nổi bật nhất của GWIS tại Việt Nam, học sinh theo học hệ này sẽ được cấp bằng tốt nghiệp PTTH của GWIS “được các trường đại học tại Mỹ công nhận”.

Ông Phillip Nguyen từ Mỹ trở về trao đổi với phụ huynh học sinh Trường Newton (Ảnh: T. Hùng)
Ông Phillip Nguyen từ Mỹ trở về trao đổi với phụ huynh học sinh Trường Newton (Ảnh: T. Hùng)

Sau khi báo chí phản ánh về việc trường này ở Mỹ chưa được công nhận, địa chỉ trên website chỉ là một trung tâm cho thuê để hoạt động nghệ thuật, ngày 10/4, Trường Newton đã tổ chức buổi gặp gỡ giữa phụ huynh và một số báo chí, công bố đại diện pháp nhân của trường GWIS từ Mỹ trở về Việt Nam để làm sáng tỏ sự việc.

Trong buổi gặp gỡ này, ông Phillip Nguyen, được cho là Chủ tịch và là người sáng lập GWIS vừa từ Mỹ trở về và đã cung cấp các giấy tờ liên quan chứng minh trường đủ tư cách pháp nhân.

“Trường được thành lập tại Bang Florida năm 2011. Để thành lập được trường, chúng tôi phải có đề án, có trình nhân sự và hàng năm phải báo cáo lên Bộ Giáo dục Mỹ và bang Florida. Thời điểm đó, chúng tôi có khoảng 200 học sinh.

Khi dời về California vào năm 2017, chúng tôi tiếp tục phải làm lại quy trình thành lập trường như ban đầu vì yêu cầu của mỗi bang là khác nhau. Khi di chuyển, học sinh của chúng tôi cũng không thể dời về do khoảng cách về địa lý”, ông Phillip Nguyen cho biết.

Cùng với đó, ông Phillip Nguyen đã cung cấp bản gốc bộ hồ sơ giấy tờ thành lập trường vào năm 2011, khi còn ở bang Florida.

Ông cũng khẳng định, trước khi gặp gỡ phụ huynh ở trường, ông đã đến Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam để làm việc với Đại sứ quán Mỹ và đã được Đại sứ quán Mỹ chứng thực tính hợp pháp của 6 tấm bằng tốt nghiệp THPT do Trường George Washington International School cấp cho những học sinh học chương trình GWIS tại Trường Newton những năm trước.

Sở GD&ĐT Hà Nội nói làm đúng quy trình

Để rộng đường dư luận, chiều 12/4, bà Bùi Thị Minh Nga - Phó phòng Giáo dục Trung học (Sở GD&ĐT Hà Nội), đã trả lời báo chí về sự việc.

Cụ thể, theo các giấy tờ mà Sở GD&ĐT Hà Nội công bố, Trường GWIS được thành lập ngày 8/8/2011, tại bang Florida với mã số nhà trường là P11000070598. Ngày 12/8/2011, trường được Cục Giáo dục của bang Florida đã công nhận là một trường tư thục, với mã trường là 6137. Ở phiếu này công nhận nhà trường đang hoạt động và ghi danh vào danh bạ các trường tư thục ở đây.

Từ tháng 8/2011, trường được công nhận là thành viên hội đồng kiểm định vùng Florida và nhà trường luôn có báo cáo hoạt động trong 3 năm liên tục gần nhất cho Cục Giáo dục bang Florida theo quy định.

Ngày 6/6/2017, Cục Giáo dục bang Florida công nhận trường đã hoàn tất các thủ tục pháp lý của một trường tư thục tại địa chỉ 11255 Central Ave, Ontario, tiểu bang California.


Bà Bùi Thị Minh Nga - Phó phòng Giáo dục Trung học (Sở GD&ĐT Hà Nội), đã trả lời báo chí về sự việc. (Ảnh: Mỹ Hà)

Bà Bùi Thị Minh Nga - Phó phòng Giáo dục Trung học (Sở GD&ĐT Hà Nội), đã trả lời báo chí về sự việc. (Ảnh: Mỹ Hà)

Về quy trình cấp phép cho một cơ sở giáo dục liên kết đào tạo với một đơn vị nước ngoài, theo bà Nga, trước hết cần phải lập đề án thực hiện thí điểm chương trình mà cơ sở lựa chọn liên kết. Trong đó nêu rõ mục đích, yêu cầu, các năng lực đào tạo, khung chương trình chi tiết, phân phối chương trình, mẫu văn bằng chứng chỉ (nếu có) và báo cáo về đội ngũ giáo viên tham gia giảng dạy chương trình liên kết, cùng cơ sở vật chất của nhà trường đáp ứng với chương trình.

Sau đó, cung cấp hồ sơ pháp lý của đơn vị đối tác bao gồm: Giấy chứng nhận thành lập và hoạt động, giấy xác nhận tình trạng hoạt động của đối tác, xác nhận kiểm định của giáo dục vùng, tiểu bang, nước...; hồ sơ nhân sự của Hiệu trưởng và các hồ sơ pháp lý của giáo viên nước ngoài tham gia giảng dạy chương trình đó theo đúng yêu cầu của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội cấp giấy phép lao động, bằng cấp, hộ chiếu, visa…

Sau khi đầy đủ giấy tờ hợp pháp theo quy định, Sở GD&ĐT Hà Nội gửi hồ sơ lên Bộ GD&ĐT và chờ Bộ thẩm định, có công văn cho phép trường này được thực hiện chương trình liên kết ra sao. Chưa dừng lại ở đó, Sở GD&ĐT tiếp tục làm tờ trình, gửi đến UBND thành phố Hà Nội để cho phép thực hiện chương trình ở trường đó. Quy trình này, theo bà Nga, rất vất vả và mất thời gian.

Và đến ngày 29/10/2012, Bộ GD&ĐT có công văn số 7212, đồng ý cho Trường Newton lựa chọn các môn trong chương trình giáo dục của Hoa Kỳ để cho học sinh có nhu cầu thi lấy bằng hợp lệ. Cùng với việc hồ sơ trên đây được hợp thức hóa lãnh sự từ Đại sứ quán Mỹ, việc hợp tác giữa Newton và GWIS đã được chấp nhận.

“Như vậy, về quy trình và các giấy tờ hợp lệ, Sở GD&ĐT đã làm đúng quy trình khi đồng ý cho Trường Newton triển khai hợp tác”, bà Nga cho biết.

Một số câu hỏi của phóng viên tại buổi gặp mặt báo chí chiều 12/4 tại Sở GD&ĐT Hà Nội được cho biết sẽ tìm hiểu thêm
Một số câu hỏi của phóng viên tại buổi gặp mặt báo chí chiều 12/4 tại Sở GD&ĐT Hà Nội được cho biết sẽ tìm hiểu thêm

Bỏ ngỏ một số câu hỏi

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc, có thông tin GWIS không có mặt trong bất cứ danh sách trường học được xác nhận tín nhiệm nào của cả ba tổ chức uy tín tại tiểu bang Florida.

Chứng chỉ xác nhận tín nhiệm duy nhất của GWIS tìm thấy được đăng tải trên trang web của Trường trung cấp Tổng hợp Đông Nam Á - một đối tác của GWIS tại Việt Nam. Chứng chỉ này được cấp tháng 8 năm 2011 bởi tổ chức có tên Công ty Hội đồng Xác nhận Tín nhiệm Khu vực Florida (FRACC).

Tuy nhiên, Sở Tư pháp tiểu bang Florida đã điều tra và phát hiện FRACC có hành vi gian lận trong việc cung cấp dịch vụ xác nhận tín nhiệm các trường học cũng như không đặt ra tiêu chuẩn hợp lý trong thẩm định chất lượng giáo dục. Bởi lý do này, FRACC đã bị buộc phải giải thể vào năm 2012 và buộc phải trả chi phí điều tra cho Sở tư pháp.

Trước câu hỏi tiếp theo của phóng viên về việc, Trường GWIS có giấy kiểm định chất lượng tại Mỹ hay chưa, bà Nga chưa cung cấp được giấy này cho phóng viên tại buổi họp báo.

Bà Nga cho biết: “Nếu có thông tin nào nữa về nhà trường cần phải điều tra thêm, chúng tôi sẽ trao đổi với lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội để tiếp tục tìm hiểu, trong đó báo chí cũng là một kênh thông tin”.

Về tính chất pháp lý của cơ sở mới có tồn tại ở bang California như ông Phillip Nguyen cung cấp hay không, bà Nga cho hay: “Tại buổi làm việc của ông Phillip Nguyen với Sở GD&ĐT Hà Nội, tôi vắng mặt vì đi công tác nên tôi không được biết”.

Mỹ Hà