Bạn đọc viết:
Trường mầm non tư thục cho phụ huynh nợ tiền học
(Dân trí) - Năm nào cũng có những phụ huynh “chây ỳ” nợ tiền học của con 2, 3 tháng, có người nợ cả nửa năm nhưng ông bà chủ trường mầm non nơi con tôi theo học vẫn cho nợ. Ông tâm sự: “Cho trẻ nghỉ học thì tội đứa nhỏ lắm! Năm ngoái có đứa nợ nhiều quá, cuối cùng ông phải giảm cho một nửa.”
Vì nhiều lý do, tôi đã quyết định gạt mọi lo lắng để gửi đám trẻ nhà tôi vào một trường mầm non tư thục thay vì chọn trường công như tất cả mọi người trong khu phố.
Trường có 5 lớp với hơn10 giáo viên và quản lý, nấu bếp, kế toán. Tất cả giáo viên đều còn trẻ và gần như biết hết hơn 100 bé đang học tại trường. Các bé cũng thường hay la cà ghé chơi với các cô lớp khác khi được bố mẹ dẫn về. Con gái tôi có dạo chiều nào cũng phải ghé lớp cô Thúy, đòi cô cho kẹo mới chịu về. Có hôm cô đi trốn, con gái tôi chạy đi tìm cho bằng được.
Chủ trường là hai ông bà đã hơn 60 tuổi, rất yêu trẻ con, gần như lúc nào cũng có mặt ở trường. Chiều nào ông bà cũng đứng ở cổng để phụ giúp phụ huynh dắt các bé qua đường hoặc túm đứa trẻ nào hiếu động, bỏ chạy không chịu lên xe ba mẹ. Mấy đứa nhỏ nhà tôi còn quý ông bà tới mức có hôm đòi ông bà bế lên xe mới chịu đi. Tôi yên tâm gửi đám trẻ của mình vào trường một phần là vì tin tưởng ông bà.
Vì trường nằm giữa khu dân cư đa phần là gia đình công chức trẻ, buôn bán nhỏ nên chi phí khá bình dân, chỉ nhỉnh hơn trường mầm non công lập cũng ở gần đó chút đỉnh. Trường quy định tiền ăn và học phí phải được đóng vào trước ngày 10 mỗi tháng, sau ngày đó trường sẽ dán tên bé lên bảng để ở gần cổng để nhắc những phụ huynh nào quên đóng.
Có lần họp phụ huynh, có một người ý kiến trường nên nhắc phụ huynh trực tiếp chứ không nên đưa tên bé lên bảng vậy vì bé sẽ mắc cỡ với bạn bè. Nhà trường tiếp thu nhưng mong phụ huynh chia sẻ, thông cảm vì không phải lúc nào cũng gặp được phụ huynh do có vị đứng ngoài đường đợi cô dẫn bé ra, hơn nữa các bé mầm non vẫn chưa biết đọc nên sẽ không vấn đề gì. Vậy nhưng cuối tháng nào cũng có hơn 10 bé bị nêu tên trên bảng, thậm chí cả những bé tôi biết bố mẹ không phải túng thiếu mà là quên đóng.
Hôm trước đi đón con, tôi giật mình thấy trên bảng dày chi chít tên các bé. Chủ yếu các bé nợ tiền một tháng nhưng cũng có vài bé nợ 2, 3 tháng. Cá biệt có một bé nợ tiền tới nửa năm.
Tôi hỏi ông: “Sao ông để cho người ta nợ nhiều dữ vậy? Tận nửa năm chứ có phải một, hai tháng đâu?”. Ông nói: “Nhắc rồi nhưng vợ nó bảo đưa tiền cho chồng nộp mà thằng chồng đem đi nhậu mất rồi. Tội nghiệp đứa nhỏ, đang nửa năm lớp lá rồi đi chỗ khác người ta không nhận thì biết làm sao!”
Tôi bảo: “Lẽ ra nợ 2, 3 tháng ông phải cho nó nghỉ chứ. Tại ông hiền quá nên người ta mới nợ ông lâu vậy.” Ông cười: “Làm vậy tội đứa nhỏ lắm! Thôi coi như ông tích đức cho con cháu. Năm nào mà chẳng có vài phụ huynh như vậy. Có người còn là hàng xóm chứ phải xa lạ đâu. Năm ngoái có đứa nợ nhiều quá, cuối cùng ông phải giảm cho một nửa.”
Tôi thắc mắc không biết ba mẹ đứa nhỏ nghĩ sao mà nợ tiền ăn tiền học của con tới cả nửa năm trời. Có khó khăn tới đâu thì đã đưa con đi học ít ra phải lo cho con tiền ăn. Không lẽ ở nhà đứa nhỏ nhịn đói? Trường công còn được nhà nước lo chứ trường tư thì có ai bù lỗ cho ông bà đâu.
Giữa rất nhiều câu chuyện đau lòng về vấn đề bạo hành trẻ mầm non ở các trường tư thục, nhóm trẻ gia đình không phép đang làm nhức nhối các bậc phụ huynh, đau đầu các nhà quản lý, tấm lòng yêu trẻ và cách cư xử đầy tình người của ông bà chủ trường mầm non làm tôi thấy ấm lòng.
Có thể đâu đó ngoài kia nhiều người đang bon chen, tranh giành nhau những món lợi vật chất thì ở đây đang có một ngôi trường nhỏ đầy ắp tiếng cười trẻ thơ và sự sẻ chia của người lớn. Bởi vậy mà dù có người giúp chuyển cho con sang trường công nhưng tôi từ chối và quyết định gắn bó với ngôi trường này.
Lại Thị Ngọc Hạnh
(TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk)
Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!