Đà Nẵng:
Trường mầm non “căng mình” phòng dịch tay - chân -miệng
(Dân trí) - Trước tình hình dịch bệnh tay - chân - miệng tăng cao và diễn biến phức tạp trên địa bàn, các trường mầm non tại Đà Nẵng đều tăng cường tối đa các biện pháp phòng chống dịch.
Trẻ sốt, mệt mỏi, yêu cầu giáo viên không đón trẻ vào lớp - đó là yêu cầu chung ở nhiều trường mầm non trên địa bàn thành phố trước tình hình dịch tay - chân - miệng (TCM) tăng cao và diễn biến phức tạp. Đặc biệt, từ sau ca tử vong đầu tiên do TCM trong năm 2012 hôm 14/2 vừa qua; Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng cũng đã có công văn chỉ đạo các trường tăng cường phòng dịch, đảm bảo vệ sinh môi trường học tập hàng ngày cho trẻ.
Trao đổi với PV Dân trí ngày 22/2, cô Đặng Xuân Mỹ Linh, hiệu trưởng trường mầm non Cẩm Nhung (Q. Thanh Khê, Đà Nẵng) cho biết: "Kiểm tra sơ bộ sức khỏe của trẻ trước khi vào lớp là công việc thường xuyên của giáo viên mầm non. Nhưng hiện nay, chúng tôi tăng cường hơn nữa. Với những trường hợp trẻ đến trường có dấu hiệu sốt, mệt mỏi, chúng tôi yêu cầu giáo viên trao đổi với phụ huynh nên cho cháu về nhà khám chẩn bệnh ở các cơ sở y tế, chăm cho trẻ khỏi bệnh rồi đến trường.
Không phải trẻ nào có dấu hiệu như vậy đều mắc bệnh TCM. Trong điều kiện thời tiết thất thường hiện nay, trẻ cũng dễ mắc các bệnh về hô hấp, cảm cúm… Nhưng bệnh TCM là bệnh nhạy cảm, dễ lây nên chúng tôi phải cảnh giác để phòng dịch vì cái chung. Rất may, đa phần phụ huynh đều hợp tác với nhà trường".
Trong trường hợp trẻ có dấu hiệu sốt, mệt mỏi song phụ huynh vẫn muốn cho cháu vào lớp, cô Trần Thị Như Lai, hiệu phó Trường mầm non 20-10 (Q. Hải Châu, Đà Nẵng) cho biết: Biện pháp của nhà trường lúc này là đón cháu vào trường và cho cháu ở riêng trong phòng y tế của trường, chăm sóc và theo dõi bệnh tình của cháu.
Trong các lớp học, cô trông trẻ cũng để ý đến các cháu nhiều hơn, kịp phát hiện những cháu không khỏe để cách ly, chăm sóc cho trẻ. Đồng thời, hỏi thăm các cháu được xin nghỉ phép dài ngày khi trẻ trở lại trường. Điều này để đề phòng trường hợp cháu đi từ vùng dịch về. Như trước Tết ở trường có một cháu cùng gia đình về quê ở Quảng Ngãi, lúc đó đang bùng phát nhiều ca bệnh nặng, về cháu bị ốm và đúng là mắc TCM. Cháu được đưa đi điều trị và được đưa về nhà chăm sóc cho khỏe mạnh hẳn mới trở lại lớp.
Cùng với tăng cảnh giác phòng dịch, các biện pháp vệ sinh cá nhân cho trẻ và môi trường khu vực trong và ngoài các trường mầm non cũng được tăng cường. Những ngày này, trẻ đến Trường mầm non 20 -10, việc đầu tiên là rửa tay. Trước đây, trẻ chỉ được hướng dẫn rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh thì nay đó là việc đầu tiên trong buổi học và sinh hoạt tại trường. Cô hiệu phó Trần Thị Như Lai cho biết: trường cũng thay xà phòng rửa tay từ dạng rắn sang dạng lỏng để tránh cho trẻ dùng chung.
Không chỉ tránh cho trẻ dùng chung đồ dùng cá nhân khác như khăn, chén, bát…, ngay cả đồ chơi cũng hạn chế cho trẻ dùng chung. Tại trường Cẩm Nhung, trường tạm ngừng cho trẻ chơi nhà banh dù trường có trang bị. Trường thuê nhân viên vệ sinh hàng ngày rửa sạch toàn bộ đồ chơi ngoài trời cho trẻ. Đồ chơi của trẻ trong lớp học cũng được giáo viên thường xuyên lau rửa với dung dịch Cloramin B.
Khu vực trong và ngoài Trường 20 -10 trước đây được lau dọn 2 ngày/lần thì nay phải thực hiện hàng ngày để phòng dịch tối đa. Hàng tuần trường mời các bác sĩ, chuyên viên y tế tư vấn tập trung cho phụ huynh. Theo đó, ngoài giờ học, phụ huynh được khuyến cáo hạn chế cho trẻ đến các nơi tập trung vui chơi đông người như khu vui chơi, siêu thị… Đồng thời, trang bị kiến thức nhận biết, phòng chống dịch, tránh hoang mang và bình tĩnh xử lý trong trường hợp trẻ có các triệu chứng bệnh, tốt nhất là đưa trẻ đi khám chẩn bệnh tại các cơ sở y tế.
Khánh Hiền