TPHCM:
Trường học vẫn loay hoay với dịch tay chân miệng
(Dân trí) - Công việc quá nhiều, lúng túng trong cách hướng dẫn trẻ rửa tay, cách lựa chọn đồ chơi… Nhiều trường học vẫn đang loay hoay trước dịch tay chân miệng vì không ít vướng mắc.
Nhiều ca bệnh tay chân miệng (TCM) được phát hiện ở trường học nên từ đầu năm học đến nay, bên cạnh việc dạy và học thì công tác tăng cường “ứng phó” với bệnh TCM được xem là một trong những nhiệm vụ ưu tiên của các trường mầm non ở TPHCM. Công tác phòng dịch bệnh ở trường đã có những bước tiến triển nhất định nhưng thực tế vẫn còn rất nhiều khó khăn.
Theo lãnh đạo nhiều trường, việc rửa tay 6 bước theo yêu cầu của ngành y tế là quá khó thực hiện, nhất là với trẻ mầm non vì quá phức tạp. Có được hướng dẫn, trẻ cũng không nhớ mà giáo viên (GV) thì không thể lúc nào cũng theo từng trẻ để chỉ dẫn các bước rửa tay. Hầu hết các trường vẫn chỉ có thể dặn dò các em rửa bằng xà bông thật sạch trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Các em rửa sạch chưa hẳn đã đúng… 6 bước nên trường vẫn bị đánh giá là thực hiện không đúng yêu cầu.
Theo các giáo viên, yêu cầu trẻ rửa tay theo 6 bước là quá phức tạp.
“Tôi thấy hình thức rửa tay theo bước quá khó. Mỗi cô trông gần 20 cháu, chúng tôi không thể lúc nào cũng để ý từng cháu mà hướng dẫn trẻ rửa từng bước theo
“Yêu cầu trẻ phải rửa tay 6 bước đúng là quá phức tạp, người lớn đôi lúc còn không nhớ nổi. Chúng ta chỉ có thể hướng dẫn trẻ tăng cường rửa tay bằng xà phòng xuôi theo dòng nước sao cho sạch chứ khó yêu cầu thực hiện theo từng bước. Chúng tôi sẽ làm việc về vấn đề này để giải quyết băn khoăn cho các trường”, bà Nguyễn Thị Kim Dung, Trưởng phòng GD mầm non Sở GD-ĐT TPHCM. |
Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Phó trưởng Phòng GD-ĐT Q.3 cho hay việc “rửa tay” của HS cũng đang làm nhiều trường đau đầu. Ngành giáo dục đã bỏ thao tác rửa tay theo từng bước mà chỉ yêu cầu rửa tay sạch bằng xà phòng nhưng bên trung tâm y tế lại yêu cầu thực hiện theo 6 bước. “HS không thực hiện được nhân viên y tế lên tiếng đòi phạt làm các trường rất khó xử”, bà Nguyệt nói.
Theo bà Nguyệt trong tình trạng đang quá thiếu nhân sự, lại phải ứng phó với dịch bệnh, GV các trường rất nản. 4h30 hết giờ nhưng ngày nào GV cũng phải ở lại để tiến hành vệ sinh khử khuẩn trường lớp, đồ chơi theo 3 bước. “Có lúc thời gian làm việc kéo dài đến 7 giờ tối nhưng các cô không có chế độ hỗ trợ gì. Trên thì kiểm tra đột xuất liên tục làm GV càng thêm áp lực, căng thẳng”.
Phụ trách mầm non một quận khác than thở: “Mỗi lần số điện thoại từ các trường gọi là tôi thấy sợ. Các trường than phiền với mình, họ rất căng khi ngành y tế kiểm tra đột xuất, yêu cầu này nọ… Việc kiểm tra đột xuất cũng có mặt tích cực nhưng lẽ ra cũng nên nói với phòng một tiếng chứ mình đâu phải là “tội đồ”, người này nói.
Nhiều trường cũng băn khoăn khi cán bộ y tế yêu cầu bỏ đồ chơi khó vệ sinh như thú nhồi bông, đồ chơi bằng giấy, vải, đồ chơi nhỏ… ở trường lớp. Điều này có thể giảm tải công việc cho các cô, đảm bảo an toàn cho trẻ nhưng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động vui chơi của trẻ, nhất là các trẻ nhỏ chủ yếu chơi thú nhồi bông, đồ chơi bằng giấy.
Trường học linh động
Trước nhiều khó khăn chồng chất, ngành giáo dục nhiều quận tại TPHCM cũng đã linh động tìm ra các phương án phù hợp với điều kiện của mình. Khi phát hiện trẻ mắc TCM, hầu hết các trường xử lý bằng cách cho lớp có trẻ mắc bệnh nghỉ học để chờ xử khuẩn.
“Nhiều người cho rằng cách xử lý này bị động nhưng thật ra đó là cách tốt nhất khi không thể chuyển trẻ sang lớp khác mà chính các phụ huynh cũng muốn đưa con về để đi khám kiểm tra cho yên tâm”, bà Phạm Thị Ánh Tuyết, Phó Phòng Giáo dục Q.8 nói.
Nhiều trường bỏ đồ chơi khó vệ sinh như gấu bông, đồ chơi bằng giấy… để đảo bảo an toàn cho trẻ.
Từ đầu năm học năm học đến nay, Q.8 có khá nhiều ca bệnh phát hiện tại trường mầm non. Tuy nhiên, ngành chỉ có thể cập nhật các ca nặng từ độ 3 trở nên chứ không nắm được các ca điều trị tại nhà.
Bà Tuyết cũng “khoe”, các trường tại quận mình được bên y tế cấp viên sủi sát khuẩn Naphasept 2,5g nên công việc vệ sinh khử khuẩn tại trường học chỉ… mất hai bước, cũng giảm tải phần nào cho GV.
Trước tình hình dịch bệnh TCM đang có xu hướng gia tăng, mới có một HS bị tử vong nên các trường ở Q.11 vẫn đang “căng như dây đàn”. Nhiều trường đã cất bỏ đồ chơi làm bằng giấy, đồ chơi khó vệ sinh để đảm bảo an toàn cho trẻ. Công tác vệ sinh được đẩy mạnh tối đa. Trước áp lực quá tải công việc của GV, phía quận 11 cũng đã có chỉ đạo hỗ trợ 60.000 đồng/ngày/GV cho các lớp có học sinh mắc bệnh.
Nhiều ý kiến cho rằng, một trong những khó khăn nổi cộm là phí vệ sinh 5.000 đồng/tháng/HS như hiện nay là quá thấp, không đủ cho trường trang trải chi phí. Không ít nơi đã phải “phá luật” để đảm bảo an toàn vệ sinh trường học. Các trường học ở Q.1 đã được phép của UBND quận thu thêm 25.000 đồng/tháng/HS để phục vụ cho công tác vệ sinh. Ở các quận khác thì nhiều trường đành phải áp dụng điệp khúc “xin phụ huynh”.
Bà Trần Thị Kim Thanh, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cho hay, thành phố quan tâm đến công tác phòng chống TCM ở trường học vì nếu để bùng phát ở trường học thì cực kỳ nguy hiểm. Nhà trường chịu nhiều áp lực trên đổ xuống cũng xuất phát từ lo lắng chung đó. “Thành phố còn yêu cầu các trường xây thêm bồn rửa tay cho trẻ nhưng Sở không thể chỉ đạo các trường thực hiện bởi còn chỗ đâu nữa mà xây, có chỗ nào các trường đều chen để làm hết rồi”, bà Thanh nói.
Hoài Nam